Thật ra Vương Duy Quốc không thể tiếp cận để “ngồi trước mặt” Mao Trạch Đông được. “Buổi ăn trưa” trên chuyên xa hôm 11/9 cũng bị bãi bỏ. Hồi ức của Uông Đông Hưng, Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ ưu tú của Mao Trạch Đông (Trung đoàn đặc nhiệm 8341) và của Trường Giang, Chỉ huy phân đội đặc biệt luôn túc trực cạnh Mao Trạch Đông suốt chuyến hành trình, đã kể lại khi đoàn tàu chở Mao Trạch Đông đến Thượng Hải tối 10/9/1971, Mao Trạch Đông sai bí thư của mình gọi điện thoại cho Hứa Thế Hữu, Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh, đến gặp gấp vào sáng hôm sau 11/9…
Hứa Thế Hữu đáp máy bay trực thăng từ Nam Kinh bay thẳng đến Thượng Hải, lên chuyên xa gặp Mao Trạch Đông, bàn bạc việc gì đó lâu lắm. Trường Giang kể: “Đã đến lúc ăn cơm trưa, Mao Chủ tịch không giữ Hứa Thế Hữu ở lại ăn cơm, còn nói: “Chú tự ăn nhé!”. Khi ra về Hứa Thế Hữu nói thêm một câu: “Xin Chủ tịch yên tâm (…) chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo rồi”.
|
Lâm Bưu (đọc diễn văn) và Mao Trạch Đông (bìa phải) trong những ngày còn "cướp diễn đàn cứu giá". |
Vậy hôm ấy không có chuyện “ăn trưa” trên chuyên xa và cũng không có chi tiết Vương Duy Quốc có thể “ngồi trước mặt” Mao Trạch Đông để thực hiện “kế hoạch 571” của Lâm Bưu được. Tân Tử Lăng giải thích: “Vương Duy Quốc nhận nhiệm vụ mưu sát Mao, y giấu súng ngắn trên xe hình như bị phát giác; nên không được tiếp cận chuyên xa”!.
Trước đó, những “sát thủ” của Lâm Bưu tại Thượng Hải đã vạch thêm một phương án khác (ngoài cách bố trí để Vương Duy Quốc bắn trực tiếp), là:
“Trong trường hợp chuyên xa dừng ở sân ga chuyên vận Ngô Gia gần sân bay Hồng Kiều (Thượng Hải), sẽ đặt bom làm nổ tung kho xăng dầu nằm cách đó hơn 100 mét, lợi dụng lúc khói lửa bốc lên mù mịt sẽ nhào đến tấn công chuyên xa và “thanh toán” gọn Mao Trạch Đông”.
Đúng là chuyên xa đã dừng lại sân ga Ngô Gia. Song “đội hành động 571” của Lâm Bưu không dễ ra tay theo dự tính, là vì - như Trường Giang (vệ sĩ theo suốt cuộc tuần du để bảo vệ Mao Trạch Đông) ghi rõ:
“Khoảng 18 giờ cùng ngày (10/9), đoàn tàu di chuyển thuận lợi tới ga chuyên vận Ngô Gia ở gần sân bay Hồng Kiều (Cầu Vồng) của Thượng Hải (…) Uông Đông Hưng yêu cầu chúng tôi cảnh giới nghiêm ngặt chung quanh đoàn tàu, tại vị trí trọng điểm bố trí 2 vọng gác tăng cường cán bộ trực ban. Chiếu theo yêu cầu của Ưng Đông Hưng, cùng một lúc chúng tôi tăng cường 5 vọng gác, còn thành lập tổ ba người trang bị súng tiểu liên tuần tra lưu động”.
Trong số 5 vọng gác ấy có một vọng gác đặt ngay tại kho xăng dầu cách chuyên xa không xa, nên “đội hành động 571” khó mà lọt vào để đặt bom. Tuy vậy đội “hành quyết” nghĩ rằng họ còn có thời gian để thực hiện nhiệm vụ “ám sát B.52 (tức Mao Trạch Đông)” theo lệnh Lâm Bưu và Lâm Lập Quả. Vì Mao Trạch Đông ít nhất cũng ở lại Thượng Hải vài ngày theo lệ thường đã có của ông suốt 20 năm qua. Nhưng họ đã lầm. Bởi bất ngờ, Mao Trạch Đông bỏ thông lệ, ra lệnh cho đoàn tàu tăng tốc rời khỏi Thượng Hải lúc 13 giờ 12 phút hôm ấy 11.9 (không lâu sau khi đã bàn xong “chuyện gì đấy” với Tư lệnh Hứa Thế Hữu, không mời cơm trưa và tiễn Tư lệnh xuống tàu).
Lệnh khởi hành không báo trước với bất cứ ai trong ban lãnh đạo Thượng Hải. Đó là điều bất thường. Bất thường nữa là việc Mao Trạch Đông lệnh Uông Đông Hưng và Trường Giang tăng cường “cảnh giới nghiêm ngặt” suốt thời gian tàu dừng ở đó (chỉ một đêm) và ông không hề bước xuống sân ga như các chuyến đi trước. Mao Trạch Đông đã phát giác âm mưu của Lâm Bưu?
Không. Lúc đó ông chưa biết rõ “kế hoạch tuyệt mật 571” của Lâm Bưu. Nhưng cách đó một ngày, khi còn ở Hàng Châu trên lầu số 1 của Lưu Trang (cạnh Tây Hồ), ông đã được một “nhân viên phục vụ” mật báo trực tiếp bằng miệng với mình: “Có người chuẩn bị máy bay, có người còn chỉ trích đoàn tàu chở Mao Chủ tịch dừng trên trục đường sân bay Kiển Kiều gây “trở ngại” cho “người bộ hành”, hãy nhanh chóng rời khỏi nơi đây”.
Bằng trực quan lịch lãm và kinh nghiệm cảnh giác khác thường, Mao Trạch Đông tự “giải mã” mật khẩu trên, đã tức tốc ra lệnh rời khỏi nơi đang ở, mặc dù đang giữa 12 giờ trưa, lúc nhiều người trong đoàn đang ngủ. Hoặc đang tắm, quần áo phơi chưa khô, cũng phải dùng áo đi mưa bọc lại mang theo. Tất cả yên lặng rời Lưu Trang ngay để lên tàu theo lời dặn của Mao Trạch Đông:
- “Không được báo cho Trần Lê Vân và bọn họ biết, cũng không cần họ đưa tiễn”. Trần Lê Vân là Chính ủy Quân đoàn 5 Không quân, nằm trong cuộc vận động của Lâm Bưu thành lập: “Hạm đội liên hợp” (do Lâm Lập Quả làm Tư lệnh) lúc ấy đang cùng “một số lãnh đạo của quân khu tỉnh Triết Giang cũng đang ở một tòa nhà nằm trong quần thể kiến trúc của Lưu Trang gần chỗ của Mao Trạch Đông” - theo Trần Trường Giang. Tàu rời Hàng Châu đến Thượng Hải, lại rời Thượng Hải về Bắc Kinh, gấp gáp như đã viết ở trên.
Lúc này, “bộ tư lệnh” của Lâm Bưu đang theo dõi sát sao lịch trình chuyển dịch của Mao Trạch Đông trên đường tàu và đã triển khai “kế hoạch 571” đưa lực lượng xung kích của “Hạm đội liên hợp” đến xem xét địa hình đặt chất nổ dưới chân cầu Thạc Phóng nhằm đánh sập cầu này khi chuyên xa của Mao Trạch Đông rời Thượng Hải chạy ngang qua đó…
Theo Một thế giới