Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức vốn là một võ tướng dũng mãnh vô song, được liệt vào ngũ hổ tướng thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Ông nổi tiếng cương trực, chuyên trị những tên ác bá dẫu kẻ đó có quyền cáo chức trọng như thế nào. Người dân kính nể và thán phục vị hổ tướng này đến mức xem ông như một vị thần sau khi ông mất đi. Và những câu chuyện về tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức cũng như cá đồ vật lúc sinh thời ông hay dùng đã được dân gian lưu truyền thành huyền thoại.
Linh hiển trừng trị ác bá
Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức có tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748. Ông sinh trưởng trong một gia đình có 3 đời là võ tướng nổi danh. Dung mạo khôi ngô, khí chất hơn người, ông được liệt vào ngũ hổ tưởng thời nhà Nguyễn. Huỳnh Tường Đức tuy từng gia nhập vào nghĩa quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn nhưng vẫn được chúa Nguyễn hết mực tin dùng cũng bởi sự cương trực và lòng trung thành hiếm có.
Năm Nhâm Dần, tức 1782, Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đến Định Tường thì bị sa lầy, lúc này toán quân của chúa Nguyễn đang vô cùng hỗn loạn. Một số quan binh phát hiện Nguyễn Phúc Ánh đã bị rớt phía sau, nhưng do tình hình nguy cấp nên không dám trở lại. Chỉ có một mình Huỳnh Tường Đức tả xung hữu đột cứu chúa.
Lúc này trời đã chạng vạng, quân Tây Sơn sợ có mai phục nên rút lui. Trong đêm đó, vì quá mệt mỏi, Nguyễn Phúc Ánh đã gối đầu lên đùi Huỳnh Tường Đức ngủ mê man. Cảm động vì nghĩa cử và lòng trung của Huỳnh Tường Đức, Nguyễn Phúc Ánh ban cho ông quốc tính và xem ông như người trong hoàng tộc. Từ đó ông mang họ kép là Nguyễn Huỳnh, cả con cháu đời sau cũng vậy.
Vào năm Quý Mão, tức 1783, Nguyễn Huỳnh Đức thất trận tại Đông Tuyên và bị Tây Sơn bắt sống. Ông là bậc tướng tài, ai cũng muốn thu về dưới trướng nên Nguyễn Huệ đã dùng hết lời để chiêu dụ. Cuối cùng, ông đồng ý nhưng giao kết với Nguyễn Huệ là chỉ đánh quân của chúa Trịnh chứ không đụng tới Nguyễn Phúc Ánh.
Năm 1786, Nguyễn Huỳnh Đức theo Nguyễn Huệ ra Bắc Hà đánh nhau với quân Trịnh, rồi về làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ. Ông Duệ trước là tướng tâm phúc của Nguyễn Nhạc nên không thích ở dưới quyền Nguyễn Huệ. Nguyễn Huỳnh Đức muốn lợi dụng việc này để trốn về với chúa Nguyễn nên bàn với Duệ rằng hãy theo đường tắt sẽ tìm được Nguyễn Nhạc.
|
Bàn thờ trong đền Nguyễn Huỳnh Đức.
|
Tin lời, ông Duệ dẫn hơn 500 quân băng rừng rậm về Quy Nhơn. Trên đường, Nguyễn Huỳnh Đức thừa cơ trốn sang Vạn Tường, rồi qua Xiêm La. Nhưng khi ông đến nơi, chúa Nguyễn đã về Gia Định. Vua Xiêm La thấy Nguyễn Huỳnh Đức dũng mãnh, can trường, muốn giữ lại nhưng ông cương quyết về với chúa Nguyễn.
Ông mất năm Kỷ Mão, 1819 dương lịch, thọ 71 tuổi, được an táng tại quê nhà ở giồng Cái Én, làng Trường Khánh, châu Định Viễn, dinh Long Hồ (nay thuộc ấp Dinh, xã Khánh Hậu, thành phố Tây An, tỉnh Long An). Năm Minh Mạng thứ 12, tức năm 1831, ông được truy phong chức quận công.
Đền thờ và lăng mộ của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức vốn là nơi linh thiêng và gắn liền với nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của vùng đất phương Nam này. Trong đó câu chuyện về đức Tiền quân linh hiển trên bộ ván thờ trừng trị thói ác bá của tên việt gian Trần Bá Lộc được các bậc cao niên tại ấp Dinh thuộc nằm lòng.
Theo giai thoại, Trần Bá Lộc là một tay sai đắc lực của thực dân Pháp, hắn được phong chức Tổng đốc và chuyên đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân miền Nam những năm cuối thế kỷ 19. Trong những lần đưa quân địch đi đàn áp, Trần Bá Lộc thường thảm sát dân lành, bất kể già trẻ, gái trai.
Nhiều tư liệu chép rằng Trần Bá Lộc có những kiểu nhục hình, tra tấn hết sức dã man như dùng tầm vông vót nhọn đóng vào hậu môn nạn nhân rồi đem bêu sống trước khi họ đau đớn đến chết. Tội ác của y khiến người dân căm thì đến tận xương tủy.
Theo lời kể của các bậc cao niên tại ấp Dinh và ông Nguyễn Huỳnh Thoại – hậu duệ đời thứ 7 của Nguyễn Huỳnh Đức - thì có lần, Trần Bá Lộc đưa lính đi tuần vùng Trường Khánh và có ghé đền thờ đức Tiền quân. Vốn hống hách, ngang tàng, y lập tức leo lên bộ ván thờ trong đền ngồi chễm chệ. Người trong nhà đang định ra tiếp đón quan Tổng đốc thì bỗng nhiên Trần Bá Lộc ngã nhào xuống đất bất tỉnh. Bọn lính hầu liền cấp cứu rồi khiêng y ra ngoài.
Một lúc sau, Lộc tỉnh dậy, y hốt hoảng kể lại rằng: “Ta đang ngồi trên bộ ván, bỗng đâu có năm, sáu người là thuộc hạ của quan thượng Tiền quân thình lình xuất hiện. Họ nắm vai ta bảo rằng vâng lệnh đức Tiền quân bắt ta đem chém. Ta vùng vẫy thoát thân nên ngã nhào”. Nói xong, y lệnh cho quân lính lập tức rút khỏi đền thờ, không dám ngoảnh lại.
Giai thoại bộ ván linh
Trừng trị Tổng đốc Trần Bá Lộc chỉ là một trong những câu chuyện ly kỳ về bộ ván hiển linh trong đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Theo tục lệ của người Nam bộ xưa, trong gian nhà chính thường bài trí ba bộ ván, đồng thời bộ ván còn tượng trưng cho vai vế chủ nhân trong xã hội, như nhà quan quyền thì bộ ván giữa thường dành riêng cho quan chức, bạn bè của chủ nhà, hai bộ hai bên dành cho các vị khách khác.
Bộ ván giữa rất quan trọng vì nó đặt ngay dưới bàn thờ tổ tiên. Nếu không phải bậc trưởng thượng, người đức cao vọng trọng hoặc chưa được chủ nhân mời, khách không dám ngồi lên. Bộ ván linh trong đền thờ chính là bộ ván mà lúc sinh thời đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức sử dụng, dày đến 2 tấc, rộng 1,8 thước, dài hơn 3 thước, được làm từ một khối gỗ nguyên.
Theo lời ông Nguyễn Huỳnh Thoại thì đức Tiền quân đã cho người lên tận vùng rừng núi Tây Ninh đốn một cây sao to đem về, phần gốc của cây sao này ông cho người xẻ làm bộ ván. Ông Nguyễn Huỳnh Thoại kể thêm: “Bộ ván này nặng vô cùng. Vào khoảng năm 1959, khi dời đền thờ ngài từ miếu tôn Nguyễn Huỳnh sang đền thờ này, chúng tôi đã phải mướn một trung đội lính Sài Gòn mới khiêng nổi”.
Cũng theo lời ông Nguyễn Huỳnh Thoại thì cách đây vài chục năm về trước, vào ngày 8 tháng 9 âm lịch, cũng là ngày giỗ của đức Tiền quân, đã xảy ra một sự kỳ bí tương tự như việc trừng trị tổng đốc Trần Bá Lộc. Hôm ấy, khách khứa đến dự giỗ đức Tiền quân rất đông, cụ Nguyễn Huỳnh Hữu, cháu đời thứ 4 của đức Tiền quân, vì tiếp khách mệt mỏi nên khuya hôm ấy ngả lưng lên bộ ván thờ rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Nhưng chỉ được một khắc, cụ Nguyễn Huỳnh Hữu liền bất thình lình ngã xuống đất. Sau đó, cụ lật đật bước ra sau hiên nhà, bái lạy, dập đầu liên hồi xuống thềm đá ong. Cho đến 3 giờ sáng hôm ấy, người nhà mới thức giấc, phát hiện ra cụ Hữu và lập tức đưa cụ vào nhà. Cụ Hữu đầu đầm đìa máu, được băng bó ngay tức khắc và phải một lúc rất lâu sau, cụ mới choàng tỉnh.
Khi được người nhà han hỏi, cụ Hữu thất sắc kể lại: “Khách khứa đông, người lại có hơi men nên tôi quá mệt, định ngả lưng bộ ván nghỉ đỡ một lát. Trong lúc mơ màng, thấy một cậu nhỏ để tóc trái đào kéo tôi đi gặp thượng quan. Ngài quở tôi sao lại vô phép, dám nằm trên bộ ván. Vì vậy tôi mới ra sau hiên nhà dập đầu tạ tội”.
Ngay lập tức, cụ Nguyễn Huỳnh Hữu sai người nhà bày hương, đăng lễ vật, nhờ các vị hương chức làng Trường Khánh đến cúng vái, xin ngài Tiền quân tha tội. Sự hiển linh này cho đến nay còn lưu truyền rộng rãi tại ấp Dinh, khiến người ta càng tin hơn vào sự hiển thánh của Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.
Tuy những câu chuyện về bộ ván linh trong đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức có phần kỳ bí và mang màu sắc huyền thoại, nhưng không vì thế mà người dân nơi đây trở nên mê tín, cuồng bái. Trái lại, đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức từ lâu đã trở thành nơi tôn nghiêm bậc nhất, và là nơi lưu giữ những giá trị vật chất cũng như tinh thần đáng tự hào của mảnh đất phương Nam này.
Theo Hôn nhân & Pháp luật