Tác động của khí hóa và sự ảnh hưởng của môi trường
TS.BS Đào Bội Hoàn, nguyên Trưởng ban Thực nghiệm, Khoa Nghiên cứu lâm sàng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho biết, hàng ngàn năm trước các lang y của phương Đông dựa trên cơ sở những lý luận về khí và khí hóa đã sớm nhận ra những ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực lên sức khoẻ con người và dùng "tâm lành" như một phương pháp chữa bệnh.
Tây y lúc đầu chỉ chú trọng đến việc chẩn đoán về thể xác và không coi yếu tố tinh thần liên quan đến bệnh tật. Nhưng từ năm 1776, BS Cullen cũng đã nói đến vấn đề này với tên gọi: Rối loạn thần kinh chức năng. Năm 1936, GS Hens Sylye, người sáng lập chống stress ở Montreal (Canada) đã chính thức dùng thuật ngữ stress để chỉ những phản ứng của cơ thể đối với những yếu tố gây khó chịu trong môi trường sống. Y học hiện đại ngày nay công nhận stress là nguyên nhân của nhiều bệnh tật. Stress có thể làm rối loạn tiêu hóa, tim mạch, rối loạn nội tiết, làm suy giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể dễ bị bệnh tật tấn công hoặc làm trầm trọng thêm những bệnh đang tiềm tàng.
Theo BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho đến nay y học đã khẳng định mối liên quan mật thiết giữa tinh thần và các bệnh thực thể thông qua các phản ứng thần kinh - nội tiết - miễn dịch. Ba yếu tố trong hệ thống này có ảnh hưởng qua lại mật thiết với nhau trong quá trình thích ứng của cơ thể với những đòi hỏi của môi trường.
Stress không chỉ là những hoàn cảnh gây ra bởi những mối liên quan đến tình cảm, quan hệ giữa người với người, những mâu thuẫn trong gia đình, đồng nghiệp, căng thẳng trong học hành, thi cử... mà là đứng trước bất kỳ một thay đổi nào: Khí hậu, sự khác biệt về văn hóa, những thay đổi trong nghề nghiệp, công việc như nhận công việc mới, thay đổi nơi ở, nơi làm việc, bị đuổi việc...
Stress luôn mang một ý nghĩa tiêu cực bởi vì chúng ta luôn gắn stress với sự sợ hãi, tức giận, căng thẳng đó là những cảm xúc làm chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, một sự vui sướng, một thành công cũng dẫn đến những phản ứng về mặt cơ thể như sự căng cơ, mệt mỏi, tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng huyết áp... Cả hai loại stress này đều đòi hỏi cơ thể có một phản ứng để thích nghi. Nếu phản ứng phù hợp, cơ thể sẽ hưởng lợi. Nếu phản ứng thích ứng không phù hợp, cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi...
|
Ảnh minh họa. |
Công năng miễn dịch là do tâm
Ông Nguyễn Trọng Việt, ủy viên Ban Huấn luyện, Trung tâm TNDS-PHSK cho hay, Tây y chỉ chú trọng trị liệu phần huyết (phần nhìn thấy qua thiết bị chẩn đoán), còn Đông y lại xét cả hai mặt phần khí (phần vô hình) và phần huyết, thậm chí khi chữa Đông y lại coi trọng phần khí hơn (tiên trị khí, hậu trị huyết) vì hai phần này luôn quan hệ với nhau. Tâm lý ảnh hưởng đến công năng miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh lý. Cơ thể khi tức giận có thể sản sinh ra độc tố giống như nọc rắn.
Nghiên cứu cho thấy, thân thể con người có 60.000 tỷ tế bào, chỉ một tin xấu máu đang hồng chuyển sang xám xịt, cả người nổi gai ốc. Ngược lại, nếu ta tâm niệm hoan hỉ, an lạc sẽ huy động được sức mạnh hùng hậu của 60.000 tỷ tế bào, cải thiện tế bào xấu, ít ra cũng không chịu ảnh hưởng của nó. Về mặt khoa học khi con người vui vẻ, não bộ tiết ra chất Endocphin, giúp tăng sản sinh tế bào T (lympoccyte) là chất chống độc và tế bào ác và chất Enkandadins, giúp tế bào T tăng linh hoạt chống tế bào ung thư.
Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho biết, có thể chẩn đoán đúng bệnh ung thư, nhưng khỏi hay không khỏi, u mọc ở chỗ nào, to hay nhỏ là căn cứ vào trạng thái tâm lý của người bệnh. Tâm mới là gốc, trạng thái tâm lý tốt, luôn tin tưởng, thanh thản lạc quan, quên bệnh tật bệnh, điều trị sẽ mau khỏi. Trạng thái tâm lý xấu, nóng giận lo buồn... làm suy yếu công năng miễn dịch, dễ sinh ra bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm khác, khiến việc điều trị mất công hiệu.
Đột tử vì căng thẳng tâm lý
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, hiện căng thẳng tâm lý (stress) được để cập đến nhiều trong lĩnh vực sức khoẻ, nhưng được nói đến rất chung chung. Stress tâm lý xảy ra sau những cơn sợ hãi, căng thẳng, lo âu hoặc những niềm vui, phấn chấn quá mức chịu đựng của cơ thể... Những người hiểu biết về stress, có sức khoẻ và tâm lý vững vàng sẽ dễ dàng vượt qua được những tác động của stress và vui tươi trong cuộc sống. Ngược lại những người có cơ thể ốm yếu, suy sụp không vượt qua và thích ứng nổi thì dễ phát sinh bệnh tật, có thể bị hưởng lớn bởi stress, dẫn đến đột tử khi gặp những cú sốc quá lớn trong đời.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, bên cạnh 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây xơ vữa động mạch là tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và hút thuốc lá, căng thẳng tâm lý cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Bởi stress gây tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, do vậy gây ảnh hưởng xấu đến thành mạch, làm rối loạn tuần hoàn và tăng nguy cơ gây tổn thương các tế bào nội mạch, làm tăng tính thẩm thấu của tế bào nội mạch, vì vậy làm tăng nguy cơ lắng đọng LDL-C gây hình thành và phát triển vữa xơ động mạch.
Đột tử là nguyên nhân gây tử vong phổ biến của các bệnh nhân bị vữa xơ động mạch. Có giả thuyết cho rằng, khi bị căng thẳng về tâm lý cấp tính có thể gây rung thất và đột tử, do kích hoạt hệ thống bảo vệ làm giảm đột ngột trương lực phó giao cảm. Thông qua cơ chế thần kinh phó giao cảm trung ương làm mất sự ổn định về điện học của tim. Trong khi đồng thời làm tăng trương lực thần kinh giao cảm ở tim dẫn đến làm tăng tần số tim, tăng huyết áp tâm thu và gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có vữa xơ động mạnh vành, làm tăng nguy cơ rung thất và đột tử.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn phân tích, stress phản ứng với cơ thể qua 3 giai đoạn: Báo động, thích nghi và kiệt quệ. Trong giai đoạn báo động, khi tiếp xúc với yếu tố gây stress, hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động làm tăng nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, trương lực cơ... có sự tăng tiết liên tục các hormon của tuyến thượng thận, mà điều này được cho là để bảo vệ cơ thể sinh vật chống lại các kích thích có hại.
Giai đoạn thích nghi sức đề kháng của cơ thể tăng lên, con người làm chủ tình huống stress, kích thích hormon tuyến thượng thận giảm bớt và trở về trạng thái cân bằng. Ngược lại, quá trình phục hồi không xảy ra, cơ thể chuyển sang giai đoạn kiệt quệ, những hormon tuyến thượng thận sẽ bắt đầu gây ra các tác hại cho hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nếu các yếu tố gây stress tiếp tục kéo dài đủ lâu, con người sẽ chết vì tiềm năng thích ứng bị kiệt quệ.
- Phật dạy: Vạn pháp duy tâm tạo (tất cả do tâm tạo ra). Lòng tin và tâm niệm tốt quyết định vận mệnh con người.
- GS Herbert Benson, Đại học Harvard (Mỹ) - người sáng lập viện học Tâm thể ở Boston cho biết: Từ 60 - 80% số bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến stress. Các ca bệnh này đều đáp ứng rất kém đối với thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp cận tâm thể. Ông cho rằng, các liệu pháp thư giãn và thiền làm giảm sự căng cơ, giúp giải tỏa những tình trạng lo âu, sợ hãi, bất an, dễ bị kích thích và đặc biệt làm giảm hoạt hóa các nội tiết tố stress.
Xuân Hoài