Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh được mệnh danh là một trong những trung tâm đào tạo khoa học kỹ thuật hiện đại nhất cả nước, nhưng không hiểu sao, giữa khuôn viên trường lại có một ngôi mộ cổ, được ngụy trang thành bồn hoa.
Ngôi mộ này đã nằm đây hàng mấy chục năm qua vẫn chưa được di dời. Vì lẽ đó, hàng loạt các tin đồn kỳ dị bắt nguồn từ ngôi mộ cổ cứ thế lưu truyền qua các thế hệ sinh viên của ngôi trường danh tiếng này.
Nhang khói cho… bồn hoa
Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ngôi trường có lịch sử lâu đời của cả nước. Mảnh đất mà trường đang tọa lạc trước kia là vùng rừng cao su bạt ngàn. Bắt nguồn từ câu “cao su đi dễ khó về - khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, nhiều bạn sinh viên ở trường đã thêu dệt nên câu chuyện oan hồn của phu cao su vẫn lẩn khuất tại trường. Tuy nhiên, nhà trường đã thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn câu chuyện hoang đường này.
|
Khuôn viên trường ĐH Bách Khoa TP HCM. Ảnh: Thanh niên.
|
Những chuyện mê tín, hồn ma bóng quế vốn không nên tồn tại ở môi trường học tập, thế nhưng, giữa khuôn viên trường lại có một ngôi mộ cổ hàng mấy chục năm qua vẫn chưa được di dời. Nhà trường đã ngụy trang ngôi mộ này thành một bồn hoa hình vuông, trước mặt tòa nhà B6. Rất nhiều sinh viên mới bước vào trường Bách Khoa sẽ thắc mắc bởi bồn hoa vô duyên không ăn nhập gì với tổng quan của khuôn viên trường.
Bồn hoa cao tầm 4 tấc, mỗi cạnh hình vuông dài khoảng 3 thước, rêu phong bám phủ và chỉ có 1 – 2 cái cây mọc thưa thớt phía trên. Tại các góc của bồn hoa, nhang được cắm đầy, thậm chí, thỉnh thoảng các sinh viên đi học sớm còn thấy bánh trái, đồ cúng được đặt tại nơi đây. Các lao công của trường đã nhanh chóng dọn dẹp, nhưng không hiểu sao họ không dám rút nhang cắm tại bồn hoa.
Bởi vì sự nhân nhượng của nhà trường với khối vuông đó, mà không ít câu chuyện ly kỳ được các sinh viên thêu dệt. Trong đó, nổi tiếng nhất là chuyện tai nạn bất đắc kỳ tử, chuyện những người bị hóa điên xúc phạm đến ngôi mộ. Không có bất cứ tài liệu khảo cứu nào liên quan đến ngôi mộ án ngữ giữa khuôn viên trường, nhưng theo truyền miệng thì ngôi mộ có tuổi đời hơn 100 năm, được xây theo kiến trúc đặc trưng của ngôi mộ cổ gồm bình phong tiền, bình phong hậu, bia và bờ bao xung quanh.
Năm 1956, khi bắt đầu xây dựng trường, người ta đã lên phương án khai quật và di dời ngôi mộ cổ, vì việc tồn tại một kiến trúc đầy tâm linh như thế trong môi trường học tập quả là không nên. Ngay sau đó, một đội nhân công được đưa tới để phá mộ. Sau khi đã cúng bái, cầu mong người đã khuất cho phép kẻ dương gian được kinh động nơi yên nghỉ, các nhân công giơ búa đập nhát đầu tiên. Sau nhát búa, một số nhân công lăn ra đột tử khiến cả đoàn thất kinh không ai dám đụng tới ngôi mộ nữa.
Đây chỉ là lời đồn đại, nhưng việc khai quật ngôi mộ bất thành đã kịp lan ra. Những người hiếu kỳ được dịp tò mò và những lời đồn huyền bí lại tiếp tục vang xa. Người ta thắc mắc rất nhiều về người nằm dưới ngôi mộ. Có người cho rằng, đây là mộ của một giáo viên dạy Anh văn, nhưng cũng chỉ là lời đồn đoán vô căn cứ, vì kiến trúc ngôi mộ trước kia được xây theo phong cách mộ của người Việt xưa. Một câu chuyện khác khá nổi tiếng liên quan đến chủ nhân của ngôi mộ.
Ông Huỳnh Văn Thắng (đường Lữ Gia, quận 11) kể lại rằng, đây là ngôi mộ của một ông chủ người Hoa khá giàu có ở khu Chợ Lớn. Sau khi ông mất, các con của ông vì muốn xây dựng một khu mộ dành riêng cho cả dòng tộc nên đã khai phá vùng rừng cây rậm rạp tại vị trí Đại học Bách Khoa ngày nay.
Và để giữ vững vùng đất này, họ đã chôn theo người đã khuất một trinh nữ, nhằm trấn yểm ngôi mộ và để có người theo hầu ông chủ ở thế giới bên kia. Về sau, do chiến tranh loạn lạc, gia tộc này tứ tán, nhưng ngôi mộ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trong cánh rừng rậm. Ngay cả khi người Pháp mang cao su qua, phá rừng để trồng cao su tại đây thì họ vẫn không thể nào phá bỏ được ngôi mộ. Vì thế qua hơn một trăm năm, ngôi mộ này vẫn án ngữ tại phần đất mà sau này đã trở thành Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh.
Chưa dừng lại ở đó, còn có lời đồn đoán rằng, sau khi trường xây dựng xong, một số cán bộ và cả một giáo sư đã bị hóa điên vì dám đụng chạm đến ngôi mộ này. Như trên đã nói, việc tồn tại một kiến trúc nhạy cảm giữa khuôn viên trường đã gây băn khoăn rất lớn cho những nhà quản lý.
Kế hoạch di dời ngôi mộ lại được đưa ra. Câu chuyện được thêu dệt khá ly kỳ là cũng ngay sau nhát búa đầu tiên, ngôi mộ có nứt một đường nhỏ. Trong khe nứt, có làn khói tự nhiên xì ra, mọi người sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Và ai không may hít phải khói đó đã hóa điên, trong đó, có một giáo sư.
Trên thực tế, trường Đại học Bách Khoa cũng đã ghi nhận một vài trường hợp có vấn đề tâm thần. “Vị giáo sư bị điên” kể trên là một trường hợp có thật, nhưng ông bị như thế chẳng qua là do nghiên cứu, học tập quá sức sinh ra loạn trí, chứ không hề có chuyện ma quỷ ám như những lời đồn đại.
Chuyện cầu duyên, cầu điểm tại ngôi mộ
Sau này, người ta cũng phá bỏ được bình phong tiền, hậu, bia mộ… nhưng ngôi mộ thì không ai dám động đến. Chính vì sự bất khả xâm phạm của ngôi mộ cổ mà người ta đã phải dùng gạch xây chồng lên nó, thành một bồn hoa vuông vức trước mặt dãy nhà B6 như ngày nay.
Việc nhang khói tại bồn hoa vuông này khiến cho các sinh viên trường đồn đại đây là nơi linh thiêng, có thể cầu được ước thấy, nên mới có những chuyện cười ra nước mắt của các bạn sinh viên. Bạn Trần Minh Thuận, cựu sinh viên ngành kỹ thuật ô tô, khoa kỹ thuật giao thông của trường kể lại: “Hồi còn ở trường, tụi mình cũng thường nghe kể về chuyện linh thiêng của bồn hoa trước nhà B6. Ngoài ra, trong trường còn có một ngôi mộ cổ nữa nằm phía sau dãy nhà C7. Nhưng vì chỗ đó khuất tầm nhìn nên không nổi tiếng bằng bồn hoa B6. Chuyện ma quỷ ở bồn hoa này thì mình không biết, nhưng chuyện giả ma quỷ trêu đùa bạn bè thì nhiều lắm. Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò mà”.
Theo Thuận thì do đặc trưng đào tạo của trường, nên tại Đại học Bách Khoa sự mất cân bằng giới tính diễn ra trầm trọng, lượng nam quá nhiều mà nữ lại rất ít. Chính điều này đã khiến trai bách khoa nổi tiếng ế dài. Một vài bạn nam không cam tâm và nghe câu chuyện về ngôi mộ cổ đã rủ nhau đến thắp nhang để… cầu duyên.
Thuận kể tiếp: “Duyên đâu chưa thấy, chỉ thấy tụi nó một phen hồn vía lên mây vì bị giám thị phát hiện, nếu không nhanh chân chạy trốn thì chắc bị kỷ luật như chơi”.
Hơn nữa, Đại học Bách Khoa nổi tiếng là ngôi trường có chương trình đào tạo nặng nề nhất. Để đào tạo được đội ngũ kỹ sư thiện chiến, trường không những siết đầu vào mà đầu ra cũng được quản lý rất chặt chẽ. Chuyện sinh viên Bách Khoa học chương trình 4,5 năm mà 5,6 năm vẫn chưa ra trường nổi là chuyện thường ngày ở huyện. Bởi vậy, để vượt qua những kỳ thi khó nhằn của ngôi trường danh tiếng này, nhiều sinh viên đã cầu cứu đến việc cúng bái, cầu xin.
Bạn Võ Minh Tâm, cựu sinh viên lớp kỹ sư tài năng, ngành công nghệ thông tin chia sẻ: “Việc này có luôn. Hồi còn đi học, bạn mình đêm hôm lén đem đồ cúng ra ngôi mộ trước dãy B6 cúng hoài. Vụ này mà bị bắt được, chắc đuổi học luôn. Nhưng cũng tội nghiệp tụi nó, thi hoài không đậu vì chương trình học khó quá phải vin vào mấy chuyện tâm linh để tiếp thêm niềm tin mà cày cuốc ở trường Bách Khoa”.
Sinh viên năm nhất mới vào trường Bách Khoa chưa biết chuyện về ngôi mộ cổ, nhưng cũng không dám bén mảng tới ngồi nghỉ ngơi tại nơi này. Bởi những bó nhang còn thắp dở được cắm đầy bốn góc khiến người khác có cảm giá rờn rợn. Bên cạnh đó, cách đây từ rất lâu, những vụ sinh viên nhảy lầu tự tử do thất tình, chán đời cũng được truyền miệng lại, khiến những câu chuyện ly kỳ được các bạn sinh viên thêm mắm thêm muối cho hấp dẫn hơn.
Cách đây 3 năm, khi trong giới sinh viên râm ran tin đồn trường Đại học Bách Khoa tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt sẽ được giải tỏa, trên các diễn đàn đã rầm rộ câu chuyện ngôi mộ thiêng bảo vệ ngôi trường. Nhưng người lớn khi đọc vào chỉ cười, vì người ta thường nói “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, chuyện đồn đại, cũng như bày trò ma quỷ chọc phá bạn bè tồn tại như hàng trăm chuyện tầm phào khác của thời đi học.
Và cho đến nay, việc vì sao ngôi mộ cổ này tại tồn tại giữa khuôn viên Đại học Bách Khoa vẫn là điều bí ẩn không lời đáp.
Theo Công Lý