Năm này tròn 53 năm kỷ niệm ngày mở đường
Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại (23/10/1961 – 23/10/2014). Đây là dịp tưởng nhớ và tôn vinh hàng ngàn thủy thủ, những con người quả cảm, từng một thời “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên biển. Công lao của các anh hùng, liệt sĩ thật lớn lao và luôn được trân trọng, mãi là những bài học cho thế hệ trẻ về phẩm chất truyền thống cao đẹp “ Bộ đội Cụ Hồ”.
|
Tưởng niệm tàu không số anh hùng.
|
Con tàu (không số) anh hùng mang bí số 235 đã anh dũng “cảm tử” tại vùng biển Hòn Hèo, thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Xuất phát từ một cảng biển hậu phương miền Bắc, con tàu được biên chế 20 thủy thủ, do Trung úy Nguyễn Phan Vinh, một người con quê hương đất Quảng chỉ huy. Đây là con tàu nhận lệnh đưa hàng trăm tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm 29/2/1968, sau khi tàu đã gần tới vùng biển Hòn Hèo thì bị địch phát hiện. Trời tối, tàu phải tắt hết các tín hiệu, thế nhưng Phan Vinh vẫn chỉ huy tàu vào gần đến bến.
Phía sau là 7 tàu chiến địch đuổi theo, trực thăng trên cao pha đèn, thả pháo sáng, bắn xối xả vào tàu… Các thủy thủ còn sống sót như Lâm Quang Tuyến, Nguyễn Văn Phong, Hà Minh Thật bùi ngùi kể lại: “Thuyền trưởng Vinh của chúng tôi rất giỏi, rất quyết đoán, tàu 235 là tàu cao tốc, có 4 máy nên khi bị bao vây, thuyền trưởng đã tính đến việc phá vòng vây địch. Tất cả đều đặt niềm tin vào anh. Nhưng do địch huy động lực lượng quá đông và liên tục nã đạn ác liệt làm máy hỏng, ý đồ của địch là bắt sống tàu. Nhưng thuyền trưởng đã thực hiện nhanh phương án tiếp theo, gói bọc kín hàng thả xuống biển. Đồng thời cho tàu chạy ra nơi khác để bảo toàn nơi thả hàng…
Lúc này đã có một số thủy thủ hy sinh ngay trên tàu. Sau khi đã thả hết hàng xuống đáy biển, Phan Vinh thét lên, tất cả bơi vào bờ, lên núi, còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị thuốc nổ để phá hủy tàu... Cả tấn thuốc nổ đã được kích hoạt, một tiếng nổ long trời, kèm cột lửa bốc cao, cắt đôi và văng mảnh lớn con tàu lên sườn núi. Suốt 13 ngày trong rừng, các thủy thủ ăn lá cây, ve sầu, kể cả ốc sên… mà sống… không còn đạn, không lương thực…
Kẻ địch lại bao vây, lùng sục, do đó anh em đã phải phân tán ra nhiều nơi. Do bị thương nặng, thuyền trưởng Phan Vinh đã hy sinh. Quá khát nước, nên Mai Xuân Khung xung phong đi tìm nước uống, đi được vài phút thì nghe có tiếng súng nổ, rồi không thấy Khung về, ai cũng nghĩ Khung đã hy sinh. Nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (2011), bất ngờ chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau, thế là cứ ôm chặt nhau đến không còn kẽ hở. Là những người may mắn còn sống, những thủy thủ sống sót như chúng tôi thật vui mừng, bởi đã kiên cường trước sự tấn công của kẻ địch, vẫn bảo vệ được số vũ khí, hủy gọn con tàu để giữ mãi bí mật con đường huyền thoại. Chúng tôi nhớ mãi cái đêm năm ấy (1/3/1968), 14 thủy thủ đã anh dũng hy sinh, trong đó có thuyền trưởng Phan Vinh. Máu xương các anh đã vĩnh viễn hòa vào vùng biển đại dương đất Mẹ”.
|
Các thủy thủ tàu không số 235 gồm thủy thủ Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến, Nguyễn Văn Phong và phóng viên báo Dân Việt (từ trái sang).
|
Đã 53 năm trôi qua, giờ đây con tàu 235 và cùng nhiều con tàu không số khác được vinh danh Anh hùng. Những đồng đội năm xưa đã có dịp tìm gặp lại nhau, cùng về đây thắp cho nhau nén nhang và thầm gọi tên nhau, vẫn cứ xưng hô bằng “mày – tao” thật dung dị, nhưng ai cũng nghẹn trào cảm xúc. Trong khi trò chuyện với cựu thủy thủ Hà Minh Thật (hiện sống tại TP.HCM), bỗng dưng ông lặng người đi, khóe mắt đỏ hoe và ông chỉ cho chúng tôi xem nơi còn nguyên mảnh đạn nằm sát cột sống gần hông suốt 46 năm qua...
|
Anh hùng Nguyễn Phan Vinh (1933-1968)
|
Nhắc tới con đường huyền thoại trên biển, là Tổ quốc và nhân dân nhắc tới các thủy thủ đã anh dũng hy sinh. Trong đó có trận hải chiến kiên cường của 20 cán bộ, thủy thủ tàu 235 đã đi vào huyền thoại, là dấu son chói lọi của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Với chiến công phi thường ấy, ngày 25/8/1970, liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1990), tên người thuyền trưởng tàu 235 đã thành tên một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) – đảo Phan Vinh, một trường trung học cơ sở ở Ninh Hòa, một đường phố ở Nha Trang cũng đã mang tên người anh hùng Phan Vinh...
|
Thắp hương tại Bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tàu 235 tại sườn núi Bà Nam, thuộc dãy núi Hòn Hèo.
|
Miếu thờ và bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tàu 235 đã được người dân, chính quyền địa phương và Quân chủng Hải quân xây dựng tại sườn núi Bà Nam thuộc dãy núi Hòn Hèo, nơi có mảnh xác tàu 235 văng lên khi tàu “cảm tử”. Ngày 26/4/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm tàu 235 - đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa).
Hà Trang