Hoàng Phi Hồng sinh ngày 9 tháng 7 năm Đạo Quang thứ hai mươi bảy (1847) là một đại võ sư của nền võ thuật Trung Quốc thời Thanh mạt. Phi Hồng sinh ở làng Lộc Đan, núi Tây Triều, thuộc phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Ông còn là một danh y với hiệu thuốc Bảo Chi Lâm nổi tiếng tại Phật Sơn (Quảng Đông).
|
Mãnh hổ Quảng Đông Hoàng Phi Hồng.
|
Xuất thân là con nhà võ. Cha của ông là Hoàng Kỳ Anh, từng theo học Thiếu Lâm Phúc Kiến (Nam Thiếu Lâm) với thiền sư Lục A Thái. Theo nhiều ý kiến cho rằng Hoàng Phi Hồng là một trong “Quảng Đông thập hổ”, nhưng cũng nhiều ý kiến nói là cha ông- Hoàng Kỳ Anh mới là một trong Thập hổ, còn Phi Hồng được gọi là Mãnh hổ Quảng Đông sau “thập hổ”.
“Quảng Đông thập hổ” là mười vị anh hùng võ hiệp của Quảng Đông xuất hiện cuối thời Mãn Thanh. Theo một số sách vở xuất hiện trước năm 1975 tại Trung Quốc, Hong Kong cũng như tại miền Nam Việt Nam và nhất là qua nhiều loạt phim võ thuật của HongKong, người hâm mộ võ thuật Trung Hoa đều cho rằng: “Mười con hổ Quảng Đông” là: Vương Ẩn Lâm, Hoàng Trừng Khả, Tô Hắc Hổ, Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Đàm Tế Quân, Lê Nhân Siêu, Tô Xán, Lương Khôn, Trần Trường Thái, Châu Thái.
Lên 5 tuổi Phi Hồng đã được cha truyền dạy võ nghệ Nam Thiếu Lâm. Khi 13 tuổi, Hoàng Phi Hồng cùng cha đi đến Quảng Châu - Phật Sơn để biểu diễn võ thuật và bán thuốc. Trong thời gian này, Hoàng Phi Hồng đã học thêm nhiều danh sư các môn võ khác nhau. Tuyệt chiêu của Hoàng Phi Hồng sở hữư bao gồm: Hổ Hạc song hình quyền, Thiết tuyến quyền, Cung tự Phục Hổ quyền, Vô Ảnh cước, Tử Mẫu đao, Đơn song hổ trảo,Tứ Lượng Tiêu Long côn, Song phi đà, La Hán bào.
Độc chiêu Vô Ảnh cước là do Hoàng Phi Hồng trao đổi với Hồng Đông Huy, bù lại, Hoàng Phi Hồng phải truyền lại cho Huy bài Hổ hạc song hình và Cung tự phục hổ quyền. Ông còn học võ từ người vợ cả - cũng là một cao thủ của một môn phái khác.
Vô ảnh cước là tuyệt chiêu gắn liền với tên tuổi Hoàng Phi Hồng. Không phải như phim ảnh dùng kỹ xảo để ca tụng Vô ảnh cước mà độc chiêu Vô ảnh cước được tả nôm na thế này: Tung cú đá bằng một chân, uy lực, nhưng không hiểm để đối phương hóa giải không khó, nhưng rất mất lực. Khi vừa đỡ hoặc né xong, còn chưa định thần thì lĩnh ngay cú đá của chân kia, đó là cú đá mà đối phương không nhìn thấy được (thế nên gọi là Vô ảnh cước- cú đá vô hình).
Đòn đầu chỉ là đá “hư chiêu”, đòn hai mới là đá “thực chiêu”. Nói thì dễ như vậy nhưng thực hiện thì khó vô cùng vì cú đá quyết định phải được thực hiện bằng chân trụ, không có điểm dựa, không được sai sót, giống như phép lăng không (tung mình lên không cần điểm tựa của võ Thiếu Lâm). Muốn luyện tập được tuyệt chiêu này, người tập phải có căn cơ võ thuật vào hàng cao thủ.
Hoàng Phi Hồng mở hiệu thuốc Bảo Chi Lâm ở đường Nhân An bên dòng Châu Giang, chuyên bán thảo dược và trị thương. Mặc dù là võ sư dân gian nhưng cuộc đời Hoàng Phi Hồng vẫn gắn liền với lịch sử Trung Quốc cận đại, dấu chân của mãnh hổ này đã in lên nhiều nơi. Năm 1873, tướng quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc tấn công quân Pháp ở Việt Nam trong đó có trận đánh giết chết Đại uý hải quân pháp Francis Garnier vào ngày 18 tháng 12 và sau đó phục kích tiêu diệt Đại tá hải quân Henri Riviere ngày 19 tháng 5 năm 1883, cả hai trận đánh nổi tiếng này đều diễn ra ở Cầu Giấy (ngoại thành Hà Nội).
Năm sau (1884), danh tướng Lưu Vĩnh Phúc được điều động về Phúc Kiến làm Tổng binh. Hoàng Phi Hồng được Lưu Vĩnh Phúc chọn làm trưởng ban huấn luyện võ thuật kiêm phụ trách trị thương cho binh lính. Năm 1895, chiến tranh Trung-Nhật nổ ra (chiến tranh Ất Mùi), Hoàng Phi Hồng theo tướng quân Lưu Vĩnh Phúc đến Đài Loan kháng Nhật. Quân Thanh đại bại, triều đình cắt Đài Loan cho Nhật. Sau này Cách mạng Tân Hợi (1911) bùng nổ, Tôn Trung Sơn lên làm Tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân Quốc, Lưu Vĩnh Phúc khi đó mời Hoàng Phi Hồng làm "Giáo luyện dân đoàn tỉnh Quảng Đông". Thời gian làm việc với chính quyền Dân Quốc, ông mang hết nhiệt tâm phụng sự. Và đây cũng là lý do dẫn đến cái chết uất ức của Hoàng Phi Hồng sau này.
Trở về Quảng Đông, Hoàng Phi Hồng mở thêm một nhà thuốc nữa ở Phật Sơn, trở thành một trong 4 vị thầy thuốc lớn nhất Quảng Đông bấy giờ. Thời gian này ông gặp người vợ thứ 4, đây cũng là lúc ông sống sung túc nhất. Về chuyện tình cảm, ta thường thấy bên cạnh Hoàng Phi Hồng (trong các phim của Trung Quốc đại lục và Hong Kong) là dì Mười Ba. Sự thật Hoàng Phi Hồng có 4 người vợ, người vợ cả là một võ sư.
Riêng chuyện gặp người vợ thứ tư đã là một giai thoại thú vị: Năm đó Quế Lan 19 tuổi, một lần đi xem lễ Phật có Hoàng Phi Hồng trình diễn võ thuật, vô tình khi biểu diễn lại văng chiếc giày vào mặt Quế Lan. Cho là bị xúc phạm, Quế Lan liền leo lên khán đài tát vào mặt Hoàng Phi Hồng một cái, nói: "Một võ sư nổi tiếng như ông không thể phạm sai lầm như thế, đây là chiếc giày nếu là vũ khí thì sao".
Kính phục, Hoàng Phi Hồng xin cưới Quế Lan làm vợ ngay trên võ đài. Để rồi suốt 71 năm sau đó, dòng họ Hoàng có được một con người tài đức vẹn toàn chăm lo vun vén. Sau này bà lập nên Quỹ Hoàng Phi Hồng hiện vẫn đang hoạt động tại Bảo Chi Lâm.
Năm 1890, con trai cả Hoàng Phi Hồng đã bị các băng đảng bắn chết. Sau thảm kịch này, Hoàng Phi Hồng tuyên bố sẽ không bao giờ dạy 9 người con trai còn lại của mình võ thuật để bảo vệ họ khỏi các đối thủ tìm kiếm sự nổi tiếng.
Ngày 8 tháng 8 năm 1924, Thương đoàn tự vệ Quảng Đông (Bảo Chi Lâm cũng thuộc Thương đoàn này) bạo loạn chống Chính phủ Tôn Trung Sơn. Sau đó, có kẻ xúc xiểm Hoàng Phi Hồng là “tay trong” của Chính phủ, tự vệ Thương đoàn đã đốt phá Bảo Chi Lâm, Hoàng sư phụ uất ức mà lâm bệnh rồi qua đời. Trước khi mất, ông có câu nói nổi tiếng: “Tấm lòng tôi với quê hương có dòng Châu Giang làm chứng”… Sau khi ông mất, người dân Trung Quốc đã suy tôn ông là anh hùng dân tộc.
Theo Chu Hồng Châu/Dân Việt