Hòn đá Quan Đin và kho vàng dưới gốc đa cổ

Google News

(Kiến Thức) - Người dân thôn Nà Đon (xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) từ xưa đến nay vẫn xem hòn đá Quan Đin là nơi thờ cúng linh thiêng.


 

Các cụ cao niên nơi đây cho biết, gần nơi hòn đá trước đây có một cây đa cổ thụ được người xưa chôn vàng bên cạnh làm thần giữ của cho dân làng. Nhưng không hiểu vì sao nhóm người Tàu biết và đã bí mật lấy đi.

Truyền thuyết về Quan Đin

Bà Hoàng Thị Hải Sâm, Trưởng thôn Nà Đon dẫn chúng tôi ra giữa cánh đồng của thôn rồi chỉ về phía hòn đá khổng lồ và kể: "Khối đá đó được xem là biểu tượng của người dân quanh vùng. Nơi thờ cúng của người Tày chúng tôi. Theo truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia có một ông quan cai quản khắp các vùng đất của tỉnh Bắc Kạn bây giờ. Ông bức xúc trước cách đối xử hà khắc của thực dân Pháp với người dân. Vì thế, ông đã tập hợp lực lượng, kêu gọi những người bản xứ đứng lên chống lại quân Pháp. Nhưng cuộc khởi nghĩa bất thành, quân lính bị giết hại. Riêng ông bị quân Pháp truy sát. Ông chạy trốn theo dọc triền núi của huyện Na Rì, về phía làng Nà Đon và núp ở ngọn núi đầu làng. Nhưng quân Pháp đã cho lực lượng phong tỏa, truy tìm ông khắp nơi. Biết vậy, ông đã trèo lên khối đá hiểm trở để ẩn nấp. Nhưng không ngờ quân Pháp vẫn phát hiện được và giết hại ông ở đó".

Khi quân Pháp rút lui, dân làng đã đưa ông về làng tổ chức tang lễ, chôn cất ông ở nơi trang trọng. Từ đó người dân nơi đây đặt tên cho hòn đá đó là hòn đá Quan Đin. Theo tiếng Tày Quan Đin có nghĩa là người cai quản vùng đất nơi đây. Người dân nơi đây từ bao đời, vẫn thường ra nơi hòn đá đó để làm lễ, cúng bái mỗi dịp lễ Tết.

Bà Sâm cho hay, trước đây dân làng đã họp lại, thống nhất dành cả mấy thửa ruộng để làm nơi chôn cất, thờ cúng Quan Đin. Nhưng khi ruộng đất chia lại, nhiều gia đình không có đất canh tác đã san phẳng khu mộ để lấy đất sản xuất. Theo thời gian nhiều người cũng không để ý đến mộ của Quan Đin, đến nỗi thế hệ trẻ trong làng giờ cũng ít người biết đến Quan Đin. Khu mộ của người cũng không còn nữa. Mấy năm trước, dân chúng đi cày tìm thấy một lọ bằng sứ, trong đó có hài cốt. Người già trong thôn phán đoán  trước đây mộ Quan Đin nằm ở khu vực đó, có thể đó là hài cốt của người còn sót lại.

Bà Sâm chỉ về phía hòn đá, nơi Quan Đin xưa kia bị giặc Pháp giết hại. 

Linh thiêng hòn đá Quan Đin

Đối với người dân thôn Nà Đon, phải dịp lễ Tết mới được đến gần hòn đá để hành lễ. Có lẽ vì thế, khi chúng tôi muốn mục sở thị hòn đá, bà Lục Thị Lý xua tay: "Các anh muốn đến hòn đá thì tôi dẫn đến gần thôi, tôi không dám đến gần nó vào những ngày bình thường đâu. Không phải một mình tôi không dám tới gần mà nhiều người cũng thế. Chỉ có trẻ con chăn trâu không biết mới đến nô đùa nơi đây".

Bà Lý và người dân nơi đây ngày bình thường không dám tới gần hòn đá cũng có lý của họ, bởi trước đây có người từng bị ốm, phát bệnh vì hòn đá. "Em dâu tôi là Lục Thị Ngân trước đây đang khoẻ mạnh bình thường, nhưng bỗng nhiên trong người thấy buồn nôn, bụng đau quặn thắt. Đi khám các bác sĩ không tìm ra bệnh. Nhưng khi đến nhờ thầy mo chữa, ông đã phán rằng chị Ngân bị Quan Đin nhập vào người, do đã đến gần tảng đá và xúc phạm người. Khi gia đình hỏi Ngân có đến khối đá đó bao giờ không, Ngân đáp trước đó mang búa ra đập vào khối đá, lấy ít đá về làm chuồng trâu. Không biết thực hư Ngân bị Quan Đin hành hạ thế nào, nhưng khi cô ấy làm lễ nhờ thầy mo ra cúng, thời gian sau thì cơ thể không còn đau đớn nữa", bà Lý kể.

Bà Lý kể về việc em dâu từng bị Quan Đin phạt. 

Người dân nơi đây nói rằng, sau vụ việc của chị Ngân không ai còn dám xâm phạm đến hòn đá Quan Đin nữa. Kể cả những tay săn đá cảnh, thấy khối đá đẹp, đã mang mìn lên đánh. Nhưng khi nghe người dân kể về truyền thuyết của khối đã phải cao chạy xa bay.

Theo quan sát của chúng tôi bên góc của khối đá được khắc chữ Quan Đin, theo người dân, chữ khắc trên đá đã có hàng trăm năm nay. Trên đỉnh khối đá là những những bụi hoa phong lan rừng nở xum xuê, thơm ngào ngạt. Bà Lục Thị Tình (75 tuổi) cho hay, dân trong thôn bản cũng không biết được phong lan trên đó có từ bao giờ. Các cụ cao niên trước đây bảo nó có từ lâu rồi, khi tảng đá có thì phong lan cũng có. Và điều đặc biệt ai nhìn thấy hoa phong lan nở cũng muốn lên lấy mang về trồng. Nhưng có lấy rồi cũng mang trả lại. 

Trước đây, có một đoàn sinh viên học ở Thái Nguyên về đây tham quan, thấy hoa phong lan nở đẹp, một cậu đã lên lấy về nhà trồng. Thời gian sau người dân thấy cậu ta cùng người thân đến làm lễ, trèo lên tảng đá để trồng lại vị trí cũ. Bởi, từ khi mang cành phong lan về trồng công việc học hành của cậu ta gặp nhiều trắc trở, gia đình gặp chuyện không hay.

Hoa phong lan có hàng trăm năm, nhưng không ai dám lấy về trồng. 

Đào gốc cây đa cổ tìm vàng

Bà Sâm kể, trước đây không biết nghe tin ở đâu, có một nhóm người Tàu đã bí mật về thôn ra gốc đa cổ gần với hòn đá Quan Đin để đào vàng. Có người còn nhìn thấy bọn chúng mang cả tấm bản đồ, dò xét từng vị trí xung quanh gốc đa để đào bới. Khi người trong làng về báo tin thì bọn chúng đã tẩu thoát. Các cụ cao niên trong làng cho hay, trước đây cũng nghe kể khi Quan Đin chạy nạn về Nà Đon, quân lính cũng gánh theo đồ đạc hành lý, trong đó mang theo nhiều vàng bạc châu báu. Nhưng việc chôn cất vàng ở đâu thì bao đời nay người dân trong thôn không hay biết. Có người thì bảo, số vàng người Tàu lấy đi là do người xưa chôn cất bên cây đa cổ làm thần giữ của cho dân làng. Tuy có người trong làng biết nhưng không dám lấy.

Trở lại chuyện nhóm người Tàu đào trộm vàng rồi tẩu thoát trong đêm. Sáng hôm sau dân làng ra gốc đa thấy những hốc đất đào xung quanh cây đa sâu vài mét, đào đến đâu bọn chúng vét toàn bộ đất mang đi. Nhiều người dân nơi đây phán đoán, khả năng bọn chúng đã lấy được khối lượng lớn vàng. Thấy vậy, dân làng tiếc nuối, mang cuốc thuổng ra đào bới tận sâu vào gốc cây đa, khiến gốc cây bật lên và đổ nhào xuống đất. "Khi đó bố chồng tôi thấy nhiều người ra đào vàng cũng đào theo, nhưng đào nát của khu ruộng mà vàng chả thấy đâu. Dân làng trước đây đi làm đồng có cây đa để nghỉ mát, vì đào vàng mà cây đa bị đổ và chết", bà Sâm tiếc nuối.

"Những năm về trước khu vực hòn đá Quan Đin linh thiêng, chỉ người dân trong vùng những dịp lễ Tết mới vào hành lễ. Nhưng từ dạo đồn đại khu vực này có vàng, nhiều người lén lút đêm tối mang máy dò để tìm kiếm vàng. Việc đó khiến người dân trong thôn rất bức xúc".

Bà Hoàng Thị Hải Sâm


BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Đại Cát