Trong khi đó, Đại tướng Zhukov cần có
thời gian ít nhất là 45 ngày để chuẩn bị cho chiến dịch “Sao Thiên
vương”. Chính vì vậy mà ông đã bác bỏ yêu cầu tăng viện cho Tập đoàn
quân 62 của tướng Chuikov đang tử thủ ở Stalingrad. Sau này, trong cuốn
hồi ký “Nhớ lại và suy ngẫm” của mình, Nguyên soái Zhukov tiết lộ rằng
Tập đoàn quân 62 chính là “mồi nhử” đại quân Đức kéo đến Stalingrad.
Âm thầm chuẩn bị phản công
Chiến dịch phản công mang tên “Uranus” (Sao Thiên vương) đã được chuẩn
bị kỹ càng trong vòng hai tháng. Trong điều kiện bí mật cao độ, các đơn
vị từ Tây Siberia được điều động về mặt trận Stalingrad, tạo thành lực
lượng tấn công hùng mạnh.
Khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô cũng chạy hết công suất.
Chỉ riêng 6 tháng cuối năm 1942, Liên Xô đã sản xuất được 13.000 xe
tăng, trong khi phía Đức chỉ sản xuất được 6.000 xe tăng.
Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi, Hồng quân Liên Xô đã
tập trung được hơn 1 triệu quân, 14.000 trọng pháo, 1.000 xe tăng và
1.350 máy bay chiến đấu để tiến hành chiến dịch “Sao Thiên vương”. Đây
là một đạo quân tinh nhuệ được huấn luyện kỹ càng và thậm chí các phi
công còn được tập luyện thuần thục các phương án tấn công mục tiêu
trong đêm.
Thành tích lớn nhất của các nhà hoạch định chiến lược Liên Xô thời đó
là âm thầm vận chuyển bộ máy chiến tranh khổng lồ nói trên ra mặt trận.
Các cuộc chuyển quân đều được thực hiện trong đêm và mệnh lệnh được
các liên lạc viên truyền trực tiếp, chứ không qua máy vô tuyến điện.
Đồng thời, Hồng quân cũng tăng cường hoạt động ở các mặt trận khác nhằm
đánh lạc hướng sự chú ý của Bộ chỉ huy quân đội Đức.
Chiến dịch Sao Thiên vương
Ngày 19/11/1942, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch Sao Thiên Vương, một
đợt tấn công vu hồi gồm hai gọng kìm đánh vào cạnh sườn của Tập đoàn
quân Đức số 6 ở Stalingrad. Đòn tấn công này đã hoàn toàn thay đổi cục
diện của trận đánh: cạnh sườn yếu kém của quân Đức nhanh chóng sụp đổ
tan tành và 33 vạn quân của Tập đoàn quân số 6 bị bao vây trong nội đô
Stalingrad. Đầu tháng 2 năm 1943, sức kháng cự của khối quân này hoàn
toàn bị dập tắt, và Tập đoàn quân số 6 bị tiêu diệt hoàn toàn vào ngày
2/2/1943.
Trong hồi ký “Nhớ lại và suy ngẫm”, Nguyên soái G.K.Zhukov đưa ra con
số tổn thất của quân Đức trong cả Mặt trận Volga (bao gồm Stalingrad và
phụ cận) là gần 1,5 triệu người, khoảng 3.500 xe tăng và pháo tự hành,
12.000 khẩu đại bác và cối, gần 3.000 máy bay, một số lớn khí tài quân
sự.
Về việc cả một tập đoàn quân chủ lực như Tập đoàn quân số 6 bị bắt và
tiêu diệt ở Stalingrad, Hitler và Bộ chỉ huy quân đội Đức đã bị bất
ngờ. Trước đó, phía Đức vẫn cho rằng Hồng quân không còn khả năng phản
công. Theo phân tích của tình báo Đức, tất cả các lực lượng dự bị chiến
lược của Hồng quân đã bị đánh tan tác trong các cuộc tấn công của quân
Đức trong năm 1942.
Do quá chủ quan khinh địch, hồi tháng 9/1942, Hitler đã cách chức lãnh
đạo Bộ Tổng tham mưu lục quân Đức của Đại tướng Franz Halder, sau khi
viên tướng này ra sức cảnh báo hiểm họa ngày càng gia tăng dọc theo hai
bên sườn vốn được dàn ra quá rộng của Tập đoàn quân 6 và Tập đoàn xe
tăng 4.
Đại thắng Stalingrad được xem là bước ngoặt quyết định về chính trị,
quân sự và tâm lý của Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là lần đầu tiên
quân phát xít Đức “bách chiến, bách thắng” bị đánh bại trong một trận
đánh tiêu diệt lớn, với gần 1/4 quân số toàn chiến trường Xô-Đức bị
tiêu diệt. Tổn thất về lực lượng và phương tiện chiến tranh đó đã làm
rung chuyển tận gốc cỗ máy chiến tranh của nước Đức.