Từ truyền thuyết đến thực tế
Từ xa xưa, kinh sách chép rằng khi Phật Thích Ca viên tịch, các đệ tử hỏa thiêu thân xác Ngài và thu được 84.000 hạt xá lị. Số hạt xá lị này chia ra 3 phần. Một thăng thiên, một nhập vào Long cung và một phần ở lại nhân gian. Phần đó được chia ra cho 8 nước cất giữ.
Năm 1997, ông W.C Peppé – nhà khoa học người Pháp đã phát hiện ra một hộp bằng đá đựng những viên xá lị trong một cuộc khảo cổ tại vùng Piprava, phía nam Nepal. Qua phân tích, người ta biết rằng trên hộp có khắc văn tự Brahmi. Nội dung của nó nói rằng: “Đây là xá lị của Đức Phật. Phần xá lị này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ”.
|
Hình ảnh một dạng hạt xá lị. Ảnh: Internet |
Khi mở hộp, người ta thấy các hạt xá lị vẫn nguyên hình nguyên sắc như trong mô tả của kinh sách. Như vậy chứng tỏ sự việc chép trong kinh là sự thật.
Ở Việt Nam, sử sách chính thống cũng ghi nhận nhiều trường hợp xuất hiện hạt xá lị khi hỏa thiêu các tăng nhân. Đại Việt Sử ký toàn thư, kỷ Lý Thái Tông cho biết: Tháng 4 năm 1034 triều vua Lý Thái Tông có 2 nhà sư là Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm viên tịch. Khi hỏa thiêu xác thân 2 vị này thấy trong đám tro cốt có những hạt xá lị. Nhà vua xuống chiếu đem những hạt này vào thờ ở chùa Trường Thánh.
Trong kỷ Trần Anh Tông cũng có chép khi Trần Nhân Tông tịch, đệ tử là Pháp Loa hỏa thiêu xác thân của ông có thu được 3.000 hạt xá lị. Pháp Loa mang xá lị về chùa Từ Phúc ở kinh sư. Vua Trần Anh Tông có ý nghi ngờ thì chợt Thái tử Mạnh thấy mấy hạt ở trước mặt mình bèn đưa cho mọi người xem. Khi kiểm lại các hạt trong hộp thì thấy quả có thiếu mấy hạt. Nhà vua thấy thế xúc động đến phát khóc. Từ đó mới bỏ ý nghi ngờ. Cũng là câu chuyện này nhưng trong Nam ông mộng lục, Hồ Nguyên Trừng chép rằng có mấy hạt xá lị bay vào tay áo Thái tử Mạnh.
Sử sách với sự ngăn cách của lớp bụi thời gian đôi khi khiến người thời nay nghi ngờ về tính xác thực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi hỏa thiêu một số cao tăng, người ta cũng thu được các hạt xá lị. Như trường hợp Hoằng Huyền pháp sư ở Singapore. Vào tháng 12/1990, vị này viên tịch, sau khi hỏa thiêu xác ông thấy có 480 hạt xá lị nhỏ. Một năm sau, khi hỏa táng pháp sư Khoan Năng, trụ trì Tây Sơn Tẩy Thạch Am ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, người ta lại thấy có 3 hạt xá lị có đường kính lên tới 3 – 4 cm tựa như những viên ngọc.
Về hình dáng, các hạt xá lị thường có độ lớn bằng hạt đỗ với nhiều màu sắc đẹp mắt. Đặc biệt là nó rất cứng rắn. Cá biệt cũng có các trường hợp các cao tăng để lại xá lị là một bộ phận nào đó của thân thể mình. Ví như trường hợp sư Viên Chiếu ở Trung Quốc và hòa thượng Quảng Đức của Việt Nam. Cả hai vị này sau khi hỏa thiêu và tự thiêu, trái tim đều vẫn còn nguyên vẹn.
Vẫn còn là bí ẩn
Giải thích về sự hình thành hạt xá lị, Sử thần Ngô Sĩ Liên có viết trong Đại Việt Sử ký rằng: “Thuyết nhà Phật gọi là xá lị, là tinh túy do tinh khí tụ lại khi đốt xác, lửa không đốt cháy được cho nên gọi là bảo. Tương truyền người nào học Phật thành thì thân hóa như thế. Có lẽ vì sự đoạn tuyệt tình dục thì tinh khí kết lại thành ra như thế ấy”. Cách giải thích này chỉ là chủ quan theo suy nghĩ cảm tính của Ngô Sĩ Liên nên cũng chưa rõ rệt cho lắm.
|
Những dạng xá lị khác nhau. Ảnh: Internet |
Thời nay, dưới con mắt khoa học thực nghiệm, sự hình thành hạt xá lị có nhiều cách giải thích khác nhau. Trong cuốn Những điều bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc do Nxb Thế giới ấn hành có dẫn ra mấy quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng trong quá trình luyện khí công với 3 yêu cầu điều thần, điều khí và điều khiển thân thể, hoạt động tư duy của con người trong trạng thái yên tĩnh tuyệt đối tự do vận khí, thanh thoát hư vô nên có thể thu hút được tối đa nguồn năng lượng từ tự nhiên, đạt tới cảnh giới con người và đất trời hòa làm một, trong và ngoài cơ thể dung hợp hài hòa, tinh, khí, thần chuyển hóa lẫn nhau từ đó xuất hiện trạng thái hỗn nguyên (âm dương trộn lẫn). Như vậy tinh lực và sức mạnh vật chất toàn thân sẽ ngưng đọng mà hình thành hạt xá lị.
Cách giải thích này tỏ ra rất trừu tượng và huyền hoặc vì các tài liệu khí công của cả Trung Quốc hay Yoga của Ấn Độ đều không đề cập đến việc tạo xá lị như một thành quả của luyện khí công.
Một quan điểm khác cho rằng hạt xá lị của nhà Phật chỉ là viên sỏi canxi hóa tức là giống dạng các viên sỏi thận, sỏi mật trong cơ thể con người vốn có nguồn gốc do sự tích tụ canxi mà thành. Người chủ xướng thuyết này giải thích rằng vì các tăng nhân sinh thời cơ thể luôn ở trạng thái ngồi là chủ yếu. Thức ăn đưa vào cơ thể chủ yếu là thực vật giàu xenlulo không tốt cho tiêu hóa mà ngồi nhiều sẽ khiến cơ thể tích tụ canxi tạo nên sỏi thận, sỏi mật.
Tuy nhiên thuyết này ít có sức thuyết phục. Bởi lẽ những viên sỏi thận, sỏi mật mà ta nhìn thấy trong các cuộc phẫu thuật không có màu sắc như các viên xá lị. Và nhiều người sỏi thận sỏi mật khi hỏa thiêu cũng không xuất hiện xá lị.
Tựu chung lại, sự tồn tại của hạt xá lị là điều đã được thừa nhận dưới mắt khoa học nhưng con đường nào để hình thành nên xá lị thì vẫn còn là một mảng bí ẩn thuộc về thế giới tâm hồn mà khoa học thực nghiệm chưa chạm tới được.
Vũ Tiến Đức