Trung Quốc là một đất nước trải qua thời kỳ phong kiến lâu dài dưới sự thống trị của hoàng đế nên sự phục tùng mệnh lệnh quân vương đã ăn sâu vào xương tủy thường dân, không cách nào nghịch lại người mang mệnh thiên tử.
Chôn người sống làm vật tùy táng trong lăng mộ là điều có thật vào thời cổ đại. Trong những bộ phim truyền hình cổ trang không khó để bắt gặp cảnh này. Vào thời nhà Ân, hình thức tùy táng ác độc này phát triển hưng thịnh. Trong những đại lăng của giới quý tộc đều phát hiện có người sống tuẫn táng.
Triều Ân sụp đổ, các triều đại sau đều rút ra được bài học, hiểu rằng tuẫn táng người sống là việc làm tàn độc nên đã bãi bỏ hủ tục này. Đến thời Xuân Thu chiến quốc, những bức tượng làm bằng gỗ hoặc gốm ra đời để thay thế cho người sống.
Có lẽ lăng mộ có số lượng tượng binh mã lớn nhất được phát hiện trong lịch sử chính là lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. So với việc tuẫn táng người sống, hình thức tuẫn táng bằng tượng binh mã này lại càng hùng tráng.
Tần Thủy Hoàng Doanh Chính bắt đầu xây lăng mộ cho mình kể từ khi ông kế vị năm 13 tuổi. Sau khi thống nhất Lục quốc, ông đã đưa hơn 100.000 người bị trục xuất từ khắp nơi trên đất nước về để xây lăng mộ cho mình. Cho đến tận khi Tần Thủy Hoàng qua đời ở tuổi 50, tổng cộng đã xây cất đến 37 năm. Có thể mường tượng được quy mô của công trình này hoành tráng đến mức nào.
Khoảng 50 năm trước, một người dân đã đào giếng cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng khoảng 1,5km và vô tình phát hiện rất nhiều mảnh gốm vỡ. Sau một quá trình thăm dò và khai quật, lăng mộ vĩ đại bị chôn vùi hàng ngàn năm đã một lần nữa hiện ra khiến toàn thiên hạ ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tượng binh mã vẫn chưa hoàn toàn được khai quật vì bản thân Trung Quốc vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện về công nghệ cũng như cơ sở vật chất để bảo tồn thật tốt di sản văn hóa này nên đã chọn cách tạm dừng.
Hầu hết các tượng binh mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều được chế tạo bằng phương thức nung, mỗi khâu đều có sự phân công rõ ràng. Có thể khẳng định những bức tượng này được tạo ra với công nghệ tân tiến và quy trình nghiêm ngặt nhất thời bất giờ.
Khi vừa khai quật, những bức tượng chiến binh và ngựa nung này toàn thân đều có màu sơn tươi sáng sắc nét. Ai cũng không nghĩ đến việc nó đã được tạo ra từ thời nhà Tần cách đây 2000 năm.
Các nhà khảo cổ chưa kịp nghiên cứu kỹ lưỡng thì tất cả các bức tượng ngay khi vừa khai quật không lâu đã bắt đầu quá trình oxy hóa. Thời gian ấy không có bất cứ một công nghệ nào có thể bảo tồn được sự tươi sáng về màu sắc của các bức tượng nên chúng đã nhanh chóng phai màu.
Trong số hơn 7.000 bức tượng chiến binh được khai quật, có một bức tượng rất đặc biệt. Đó là bức tượng duy nhất mà người chiến binh mang khuôn mặt màu lục. Khác với những bức tượng khác có khuôn mặt đỏ hồng hoặc trắng hồng, “chiến binh” này trừ phần tóc, râu và con ngươi có màu đen thì tất cả đều là màu lục.
Bức tượng “mặt xanh” bí ẩn này khiến tất cả đều kinh ngạc. Trong số 7000 mà chỉ có duy nhất một bức tượng như vậy, chắc chắn sẽ có điều bí ẩn xuất hiện bên trong.
Đáng tiếc, do công nghệ khảo cổ khi ấy không phù hợp, bức tượng “mặt xanh” đã bị hư một số chỗ. Chỉ vừa kịp chụp lại một bức ảnh sau đó liền “biến mất”. Sau khi được các chuyên gia làm sạch và bảo vệ thì mới lại xuất hiện trước mắt mọi người.
Có nhiều ý kiến khác nhau về binh sĩ “mặt xanh” này, ví dụ như nó là một trò chơi khăm của người thợ thủ công, để dọa những kẻ có ý định trộm mộ, cũng có thể người này bị mù màu hoặc là biểu tượng của một dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ quan điểm nào chính thức được xác nhận.
Cho dù nguồn gốc thực sự của bức tượng này là gì thì nó vẫn mang một ý nghĩa tồn tại đặc biệt trong số tất cả tượng binh mã đã được tìm thấy. Chắc chắn sẽ có một ngày, chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân thực sự.
Theo Phạm Trang/Doanh nghiệp & Tiếp thị