Giải phóng miền Nam 30/4/1975 thật đặc biệt trong phim tài liệu Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Bộ phim tài liệu Last Days in Vietnam dựa trên hồi ức có thật của một số nhân chứng trong bối cảnh trước khi giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975.

Bộ phim tài liệu xuất sắc của đạo diễn người Mỹ Rory Kennedy có tựa đề Last Days in Vietnam (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam) đã kể về những câu chuyện bên lề cuộc chiến ở Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975. Tác phẩm trên đã sử dụng nhiều tư liệu quý giá ghi dấu những ngày cuối cùng trước khi giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975 và những ngày tháng lịch sử tại Việt Nam trong tháng 4/1975. Bộ phim tài liệu này cũng tập trung vào cuộc rút quân của Mỹ khỏi Sài Gòn vào tháng 4/1975, thời điểm chính quyền đồng minh miền Nam Việt Nam sụp đổ khi bộ đội miền Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Nhiều nhân chứng còn sống gồm cả người Mỹ và người Việt Nam đã kể lại những câu chuyện của mình trong bộ phim Những ngày cuối cùng ở Việt Nam một cách ngắn gọn và hấp dẫn. Những hình ảnh hàng ngàn quân nhân Mỹ, sĩ quan miền Nam Việt Nam, cũng như một số gia đình thường dân Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn trước khi miền Nam giải phóng cũng xuất hiện trong bộ phim tài liệu trên. Trong số những người tận mắt chứng kiến những ngày tháng lịch sử tại Việt Nam vào thời điểm lịch sử đó, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry A.Kissinger cũng được đạo diễn Rory Kennedy cố gắng thuyết phục để ông nói về những điều đã xảy ra khi đó.
Trong bộ phim Những ngày cuối cùng ở Việt Nam, đạo diễn Rory Kennedy cũng đề cập đến đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khi đó là Graham Martin. Vị đại sứ này dường như chậm chạp trong việc nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình lúc bộ đội miền Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thậm chí, có thời điểm đại sứ Graham Martin còn trì hoãn kế hoạch di tản công dân Mỹ khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối trước khi chiến tranh kết thúc. Vị đại sứ này dường như vẫn có niềm tin rằng, chính quyền Sài Gòn vẫn sẽ trụ vững và đi qua giai đoạn khó khăn này. Thực tế đã chứng minh nhận định trên của đại sứ Graham Martin hoàn toàn sai lầm.
Cũng chính vì vậy mà đại sứ Graham Martin đã trì hoãn việc di tản của mình trước khi nhận ra chiến tranh ở Sài Gòn sắp đến hồi kết thì ông mới chấp nhận di tản khỏi Việt Nam.
Giai phong mien Nam 30/4/1975 that dac biet trong phim tai lieu My
Hình ảnh những công dân Mỹ và Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn trước khi miền Nam Việt Nam được giải phóng năm 1975. 
Bà Rory Kennedy - nhà làm phim tài liệu có tiếng tại Mỹ. Bà Rory Kennedy chính là con gái của thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và là cháu gái của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, đạo diễn Rory Kennedy chia sẻ khi làm bộ phim, bà đã rút ra vài bài học. Một trong số đó là đến thời điểm tháng 4/1975, chính phủ Mỹ chỉ còn rất ít lựa chọn tốt.
"Điều đó nói với tôi rằng, thời điểm chúng ta có vị trí chiến lược nhất là thời điểm trước khi bước vào các cuộc chiến, và rằng chúng ta cần phải nêu lên những câu hỏi mà bộ phim đặt ra: Chúng ta có trách nhiệm gì với người dân ở những đất nước mà chúng ta rút khỏi? Chiến lược rút lui của chúng ta là gì? Đây là những câu hỏi cơ bản và quan trọng, và tôi hy vọng bộ phim của mình là một lời nhắc nhở về cái giá về con người của một cuộc chiến. Bộ phim trên đã đề cập đến một thời điểm đen tối trong lịch sử nước Mỹ. Khi nhìn lại những gì đã xảy ra ở Việt Nam, chúng ta có thể sẽ rút ra được một vài bài học thoát khỏi một cuộc chiến mà chúng ta rõ ràng không chiến thắng", bà Rory Kennedy chia sẻ.
Bộ phim tài liệu Last Days in Vietnam là 1 trong 5 đề cử giải Oscar cho hạng mục phim tài liệu dài xuất sắc nhất (cùng với Finding Vivian Maier, The Salt of the Earth, Virunga, Grain Media Citizenfour) vào năm 2015. Đến cuối cùng, bộ phim Citizenfour được xướng tên giành chiến thắng ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất.
Video trailer phim tài liệu Last Days in Vietnam:
Tâm Anh (tổng hợp)