Điệp viên mèo
Vào thập niên 1960, trong thời
chiến tranh lạnh CIA và KGB tìm mọi cách để do thám lẫn nhau. Trong cuộc đấu đó, có người đã đưa ra ý tưởng dùng mèo làm điệp viên. Nếu thử nghiệm thành công, đó sẽ là một gián điệp rẻ tiền và hiệu quả.
Cuốn sách
100 câu chuyện thú vị nhất về chiến tranh chưa từng kể của Nxb Từ điển Bách Khoa cho biết: Các tài liệu được giải mật gần đây cho thấy trong suốt thập niên 1960, Ban giám đốc Khoa học và Công nghệ của
CIA đã tìm cách biến những con mèo thành những thiết bị gắn chip nghe trộm di động để theo dõi các nhà ngoại giao Liên Xô ở nơi công cộng. Theo báo cáo, dự án mèo nghe trộm đã mất 5 năm hình thành và tiêu tốn hàng triệu đô la Mỹ.
|
Mèo đã từng được CIA thử nghiệm để trở thành điệp viên. Ảnh minh họa. |
Các thiết bị thu phát nhỏ được cấy ghép vào trong cơ thể mèo. Một cựu nhân viên CIA nói: “Họ mổ banh con mèo ra, đưa pin vào bên trong, kết nối với nó. Đuôi của mèo được sử dụng như một cần ăng ten”.
Thế nhưng CIA đã khám phá ra 1 điều mà tất cả những người nuôi mèo đều biết, đó là mèo rất khó huấn luyện. Chúng thường bỏ bê công việc khi bị đói hay bị sao nhãng, mà việc này lại thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên CIA vẫn rất kiên trì. Một tài liệu mật đã ca ngợi sự kiên nhẫn của những người làm việc cùng những con mèo dễ nổi cạu này: “Công việc trong những dự án này được tiến hành là nhờ công lao to lớn của những người huấn luyện mèo”.
Khi 1 con mèo được nối thiết bị nghe trộm đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm, nó được đưa tới công viên và được thả từ trong thùng xe ra. Thế nhưng thảm họa đã xảy ra, điệp viên mèo bị chiếc xe cán qua. Cựu nhân viên CIA kia kể tiếp: “Họ ngồi đó, phía trong thùng xe với tất cả thiết bị nghe trộm trong khi con mèo đã chết” và dự án mèo cũng chịu chung số phận.
Chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa
Trong thời kỳ
Chiến tranh Thế giới thứ II, điều làm quân Đồng minh đau khổ nhất là không thể điều khiển tên lửa đánh trúng mục tiêu vì hệ thống dẫn đường thường xuyên bị gây nhiễu.
Nhằm giải quyết vấn đề này, quân Đồng minh đã phải nát óc nghĩ ra một phương thức dẫn đường mới, thoát khỏi mọi thủ đoạn gây nhiễu của đối phương. Đó là dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa. Thực chất là dùng bồ câu dẫn đường cho tên lửa bay từ trận địa tới mục tiêu.
|
Loài chim đại diện hòa bình cũng suýt nữa trở thành sứ giả chết chóc khi được dùng để dẫn đường tên lửa nhưng rất may thí nghiệm điên rồ đó đã thất bại. Ảnh minh họa. |
Cuốn sách Lật lại những trang hồ sơ mật của Nxb Thông tấn cho hay: Ý tưởng này do nhà tâm lý học người Mỹ tên là B.F Skinner khởi xướng. Nhưng cuối cùng nó đã bị vứt vào sọt rác bởi việc huấn luyện bồ câu mất quá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không ai dám đảm bảo 100% rằng trên hành trình xác định tuyến bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu, con bồ câu ấy sẽ không tạt ngang tạt ngửa và có thật là chặng dừng chân cuối cùng của nó là mục tiêu.
Cuốn sách bình luận: “Cuối cùng bồ câu đã không trở thành kẻ dẫn đường cho chiến tranh mà vẫn là sứ giả của hòa bình và thực hiện nhiệm vụ cao cả nhất là đưa thư”.
Súng trời – ý tưởng điên rồ
Cũng theo tài liệu của Nxb Thông tấn, các nhà khoa học quân sự phát xít Đức từng có một ý tưởng cực kỳ điên rồ về một vũ khí giết người hàng loạt dựa vào sức nóng mặt trời. Tài liệu viết: Nhằm thực hiện ý đồ thảm sát chủng tộc, các nhà vật lý học phát xít Đức từng có ý tưởng chế tạo “súng trời”. Những nhà khoa học Đức tin rằng khi đưa được một thấu kính siêu lớn lên quỹ đạo thì họ có thể điều khiển để nó hội tụ ánh sáng tiêu diệt một khu vực rộng lớn trên mặt đất.
Để thực hiện ý tưởng sát nhân này, đầu tiên cần phải chế tạo một thấu kính siêu lớn từ 1 triệu tấn kim loại. Sau đó phóng thấu kính vào quỹ đạo và lắp đặt trên một trạm không gian. Khi đó, bọn phát xít có thể hủy diệt cả một thành phố rộng lớn trong nháy mắt bằng cách hướng ánh sáng hội tụ của thấu kính vào vùng đó. Sức nóng khủng khiếp của ánh sáng mặt trời sau khi đi qua thấu kính có thể khiến một chiếc tầu ngầm như rơi vào tình trạng hoạt động trong nước sôi và thường dân bất hạnh thì trở thành miếng thịt hun khói.
Tuy nhiên
phát xít Đức đã bị đánh bại khi chưa kịp thực hiện ý tưởng điên rồi này. Và dù cho Đức có không bị đánh bại năm 1945 thì cũng còn lâu họ mới thực hiện được việc đưa tấm thấu kính nặng 1 triệu tấn vào không gian và ngay việc chế tạo tấm thấu kính 1 triệu tấn cũng còn quá nhiều trở ngại.
Khánh Nam