Sau những giây phút linh thiêng của nghi lễ, trò chơi tạo nên không khí tưng bừng, náo nhiệt, kích thích niềm hứng khởi của cả người chơi và người xem. Trò chơi là nội dung chiếm phần lớn thời gian của lễ hội Việt Nam, có ý nghĩa củng cố tinh thần tập thể, ý thức cộng đồng làng xã.
Các trò chơi có tính
phồn thực được chia thành trò chơi nghi lễ và các trò chơi luyến ái, giao duyên. Trong đó, trò chơi nghi lễ đậm tính phồn thực trong các
lễ hội ở Việt Nam bao gồm:
cướp phết, cướp cầu, bắt chạch trong chum...
Cướp phết cầu may
Cướp phết là một trò chơi nghi lễ, một sinh hoạt tín ngưỡng trong nghi thức cầu mưa nắng, sự thuận hòa của thời tiết ở các làng quê Bắc Bộ. Tùy từng nơi, trò chơi được gọi bằng các tên khác nhau như cướp cầu, tung cầu, vật cầu, hất phết, vật cù... và mang ý nghĩa khác nhau: thờ mặt trời hoặc là tục cầu nước cho trồng trọt.
Dụng cụ và phương tiện chơi cướp phết mang hình ảnh của sinh thực khí và ý nghĩa của sự kết hợp âm-dương. Người chơi chia thành hai phe tranh cướp quả cầu tung vào sọt hoặc lỗ. Quả cầu/phết thường có hình tròn, đường kính khoảng 15-30cm được làm bằng gỗ hay bằng củ chuối, mặt ngoài phủ sơn đỏ. Quả cầu luôn là
linh vật của làng và thường ngày được thờ trong đình. Khi hội đến, trước khi đem cầu ra chơi, phải tiến hành làm lễ tế thần rồi rước cầu ra sân và đọc lời giáo nói rõ nội dung, mục đích của việc cướp cầu/đánh phết.
|
Thanh niên tranh nhau cướp phết. |
Làng Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một trong những nơi có tục chen lẫn nhau để cướp những quả cầu mang ý nghĩa phồn thực. Hàng năm, làng mở hội vào ngày 3 tháng Giêng. Mỗi năm dân làng cử một người may bộ cầu để tung cho dân làng cướp trong dịp hội. Bộ cầu gồm 9 quả, một quả cầu mẹ, 8 quả cầu con, bên trong cầu là bông, bên ngoài cầu bọc vải ngũ sắc có gắn dải lụa màu.
Sáng mồng 3 Tết, những quả cầu này được rước tới đình để làm lễ tế cầu, sau đó là cuộc tung cầu để cướp. Cầu tung ba quả một, được buộc vào ba cành tre, giơ cao lên để sau đó một vị quan chức tháo ba quả cầu ném xuống cho trai gái làng tranh nhau cướp.
|
Thành quả sau cuộc “chiến” tranh cướp phết. |
Người ta hò reo, xô đẩy nhau để lấy bằng được quả cầu từ tay người khác. Chen lấn, giằng co cho đến khi quả cầu được một người nắm chặt thì sự ầm ĩ mới lắng xuống để tiếp tục cho lần tung cầu tiếp theo. Người ta tranh cướp cầu vì tin rằng, nếu cướp được cầu quanh năm sẽ gặp may mắn, và trong lúc tranh cướp cầu sẽ có sự va chạm nam nữ.
Hiện nay, trò chơi cướp phết còn xuất hiện trong một số lễ hội ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Tuy nhiên, nếu như trước đây, yếu tố phồn thực là linh hồn căn bản của lễ hội thì do sự biến đổi về thời gian và suy nghĩ, yếu tố này biến đổi hoặc đã biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, lễ hội cướp phết ngày nay mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao các vị tướng, hoặc để tôn vinh tinh thần thượng võ trong quần chúng nhân dân.
Bắt chạch trong chum
Bắt chạch trong chum cũng là một trò chơi nghi lễ mang đậm tính phồn thực có thể tìm thấy trong lễ hội làng Hoa Sơn (tỉnh Hà Tây trước đây), Văn Trưng, Thạc Trục, Bạch Trữ (Vĩnh Phúc), Đường Yên (Hà Nội), Tiên Du, Mẫn Xá (Bắc Ninh), Phan Xá (Hà Tĩnh)...
Nội dung trò chơi là từng cặp nam nữ, người nọ ôm lưng người kia cùng nhau thọc tay vào chum bắt chạch. Thực chất của trò chơi này nhằm lôi kéo nam nữ gần gũi với nhau để cuộc đời sinh sôi nảy nở.
|
Trai gái làng chơi trò bắt chạch trong chum ở lễ hội. |
Tục lệ này hiện nay vẫn còn thấy trong lễ hội làng Văn Trưng (Dưng) huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm.
Trong ngày hội, theo lệ làng, sau những buổi rước xách tế lễ, người ta tổ chức bắt chạch ngay trước sân đình, trước sự chứng giám của Thành hoàng làng như để báo cáo với các vị
thần linh, rằng họ đang tiến hành tục lệ linh thiêng của làng, mong ngài chứng giám và phù hộ độ trì cho dân làng một năm thóc lúa đầy bồ, gà vịt đầy sân, người người khỏe mạnh, an khang thịnh vượng.
|
Không chỉ người chơi mà những người xem cũng tỏ ra rất hào hứng.
|
Trong cuộc thi, trước đình làng bày một dãy chum từ năm đến bảy cái đựng bùn và nước trong đó có thả chạch. Người chơi phải bắt được những con chạch thả trong đó. Phần thưởng cao nhất chính là sự thỏa mãn của người chơi bởi những phần thưởng mang tính vật chất thường rất ít, có khi chỉ là chiếc khăn lụa hồng, trầu cau, lộc thánh...
Cuộc thi bắt chạch trong chum được giành cho tất cả mọi người trong và ngoài làng. Tuy nhiên những người muốn tham gia cuộc thi phải có được cặp đôi của mình, tức là phải có hai người, một nam, một nữ để cùng hỗ trợ nhau trong cuộc bắt chạch. Cuộc thi được giám sát bởi một ban giám khảo gồm các vị bô lão, quan viên trong làng.
Chạch trơn nên luôn chạy thoát, thành ra đôi trai gái thường chỉ bắt được tay nhau. Dân làng đứng xung quanh reo hò cổ vũ và trêu đùa các đôi, nhắc nhở đôi nào mải bắt trạch mà quên ôm nhau. Tiếng cười nói, tiếng chiêng trống náo động. Khi bắt được trạch, cả hai cùng giơ cao tay lên để mọi người xem đồng thời tiến lên lĩnh thưởng. Năm nào cũng vậy, cuộc thi luôn cuốn hút đông đảo người xem.
Phạm Thủy