Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) mới gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
|
Phối cảnh hai bên bờ sông Tô Lịch sau khi được cải tạo. |
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan chuyên môn, ban ngành của thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Tô Lịch.
Ngược dòng lịch sử, trước khi bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, sông Tô Lịch là một dòng sông đẹp, có ý nghĩa đối với người Việt và gắn liền với những giai thoại thú vị.
Cụ thể, theo sách “Việt điện u linh”, Tô Lịch là tên một vị trưởng làng có nhiều công với dân làng. Khi ông mất, người dân nhớ ơn công lao nên lấy tên ông đặt tên làng. Tiếp đến, ông được phong là Long Đỗ thần hay “Tô Lịch giang thần”.
Hồ Tây thông với sông Tô qua cống Đõ ở đầu làng Hồ Khẩu (cửa hồ). Vì nước sông Tô có lúc lại chảy ra sông Hồng nên người phương Bắc cho rằng sông Tô “nghịch thủy”, lo sợ sự không bình thường nên dân chúng tổ chức tế lễ “Tô Lịch giang thần” ở đền Bạch Mã và phong ông là “Đô Phủ Thành hoàng thần quân”.
Trong Lĩnh Nam Chích Quái có ghi chép về sông Tô Lịch: “Năm Hàm Thông thứ 6, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền làm Đô Hộ Tướng Quân, đem binh đánh quân Nam Chiếu. Lúc Biền trở về, nhà vua đặt Tĩnh Hải Quân ở thành Lĩnh Nam, cho Biền làm Tiết Độ Sứ. Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La ở phía tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở. Có dòng sông con từ Lô Giang chảy vào phía Tây bắc, cuốn quanh phía nam, ôm lấy thành Đại La rồi lại nhập vào sông Cái.
Hồi đó đang giữa tháng 6, nước mưa lên cao. Cao Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông con, đi khoảng một dặm bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn hở.
Biền hỏi họ tên. Đáp: ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: nhà ông ở đâu? ông già đáp rằng: nhà ta ở trong sông này. Nói xong, ông già cười lớn và đập tay cho nước bắn mù mịt và biến mất. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch".
Là người giỏi phong thủy, Cao Biền nhận thấy sông Tô Lịch của thành Đại La có nước chảy ngược. Trong khi các sông miền Bắc đều chảy hướng tây bắc - đông nam thì riêng có sông Tô Lịch chảy ngược theo hướng tây bắc. Theo đó, Cao Biền lập đàn trấn yểm.
|
Cảng sông Tô Lịch thế kỷ 14. Tranh của họa sĩ Thành Phong. |
Dưới thời Lý Trần, sông Tô được biết đến là một dòng sông hiền hòa, sạch sẽ với nước trong xanh và lòng sông rộng. Hai bên bờ sông có nhiều làng mạc, dân cư đông đúc, công trình kiến trúc chùa, quán...
Các vua chúa thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô cũng như ghé thăm chùa, đình, các làng nghề thủ công nằm hai bên bờ. Cũng từ sông Tô, các thuyền dừng tại bến Giang Tân (nay là Nghĩa Đô) để vào thành.
Không những thơ mộng, sông Tô còn rất nhiều cầu và giao thương hàng hóa tấp nập. Ca dao đã có câu miêu tả sông Tô như sau: Sông Tô nước chảy quanh co/Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya. Hay, “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh...”
Như vậy có thể thấy, sông Tô ngày xưa là một con sông đẹp, được các vua chúa đi thuyền thưởng cảnh thư giãn, giao thương. Điều này khác hoàn toàn với sông Tô Lịch ngày nay với sự tù đọng, nước đen và ô nhiễm.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, sông Tô Lịch có nhiều tên gọi khác như: Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo. Thế nhưng, dân chúng Thăng Long thường gọi con sông này là sông Tô.
Mời độc giả xem video: Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh". Nguồn: VTV24
Tâm Anh (TH)