Tết là dịp để chúc mừng, thăm hỏi, giao lưu... những may mắn, hạnh phúc, thành công luôn được mọi người chúc tụng lẫn nhau. Sau đây là những điều may mắn nên làm trong 3 ngày Tết.
Hoa mai:
|
Chậu mai vàng thường được trưng bày trong mỗi gia đình của người miền Trung và miền Nam. Ảnh Nguyễn Tý |
Nhân dân ta quan niệm rằng sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may.
|
Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh. Ảnh Nguyễn Tý |
Cây đào:
|
Cành đào không thể thiếu trong mỗi gia đình người miền Bắc. Ảnh minh họa |
Nếu như ở miền Nam, người dân đón Tết với cái nắng xuân ấm áp và những cành mai tươi tắn sắc vàng thì ở miền Bắc vẫn có những bông hoa đào khoe sắc thắm để xua tan cái không khí lạnh lẽo xứ bắc.
|
"Cành đào tim tím bé xinh xinh đón Xuân về..." đi vào ca từ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Ảnh minh họa |
Quan niệm đối với cây mai như thế nào thì cây đào cũng như thế ấy: nếu hoa trổ bông có nhiều cánh kép (hoa kép) 3 lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.
Mai...
|
và đào là 2 thứ hoa phổ biến nhất và đã được coi là đại diện cho ngày Tết của Việt Nam. |
Cây quất:
|
Cây quất tượng trưng cho sự an lành |
Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân là lẽ tự nhiên, nên nếu nhà bạn có thứ cây xanh nhiều lộc nhiều lá như thế này trong nhà thì hãy để ý đến cành lá của chúng nhé, nếu cây có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc.
Nếu có đủ Tứ quý: Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn và thành đạt cả năm.
Tục lì xì đầu năm:
Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là “tiền mừng tuổi”. Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước.
|
Bà mừng tuổi cho cháu. Ảnh minh họa. |
Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Lạy xong con cháu phải biết “thơm thảo” với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thơm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là “tiền mở hàng”.
|
Bà mừng tuổi, lì xì cháu. Ảnh minh họa |
Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi này đến nay vẫn còn.
Tục mua muối đầu năm:
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vẫn là câu nói cửa miệng truyền biết bao nhiêu đời nay, cuối năm để chuẩn bị cho các bà các mẹ cơi trầu đầy đủ, con cháu vẫn thường sắm cả chút ít vôi cho miếng trầu thêm đậm đà, rồi mỗi sáng mùng 1, khi thấy cô hàng muối rao qua nhà, các bà các mẹ sẽ gọi lại để mua thêm ít mặn mà cho gia đình một năm thêm mặn mà bền chặt.
Tục này ở miền Bắc rất phổ biến theo quan niệm của người xưa, muối mặn có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó, tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, sự mặn mà trong các quan hệ làm ăn... như vị đậm đà của muối.
Tục đi chùa cầu may:
|
Bà và cháu đi chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh Nguyễn Tý |
Đi chùa lễ lạc đầu năm trở thành một thói quen không chỉ của các tăng ni phật tử mà là của hầu hết dân ta tự bao giờ.
|
Vào chùa, mọi người đều kính cẩn cúi đầu trước tượng phật uy nghiêm mà hành lễ. Ảnh Nguyễn Tý |
Mọi người đều khấn lạy, cầu xin đức phật từ bi hỉ xả phù hộ cho gia đình, cho bạn bè, cho toàn bộ người thân yêu bên mình và cả mọi người kể cả người không quen biết được một năm đủ đầy hạnh phúc.
|
Trẻ em cũng cùng cha mẹ đi lễ Phật. Ảnh Nguyễn Tý |
Ngoài ra gia chủ nào cũng mong muốn "Chó lạ vào nhà", vì theo các cụ xưa này có câu tục ngữ “Mèo vào nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang”.
Đầu năm dường như những chú cún luôn được mọi người yêu mến chào đón, còn họ hàng nhà tiểu hổ lại thường bị buộc hoặc nhốt lại để các anh chàng/cô nàng không chạy rong chơi Tết vì lỡ chúng chạy vào nhầm nhà nào sẽ lại khiến gia chủ nhà ấy bất an cả năm.
Cũng có quan niệm cho rằng, khi xuất hành đầu năm "Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về". Nghĩa là rắn thì nhanh nhẹn, còn "Quy" là rùa, chậm chạp làm ăn không khấm khá, tiến lên...
|
Đầu năm nhiều gia đình còn Ăn khổ qua để qua cái khổ. |
|
Ăn rau muống để muống gì được nấy. |
|
Trưng cây bắp để làm ăn, đầu tư đều… chắc như bắp... |
Theo PL TPHCM