“Con cà con kê” chỉ người hay chuyện, nói dai, nói dài dòng hết chuyện này đến chuyện khác. Số người “con cà con kê” không hiếm, nhưng “con cà con kê” là con gì, liệu cả hai từ đó đều có nghĩa là con gà?
Đều là con gà
Trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, NBX Đà Nẵng năm 2000 thì Cà kê nghĩa là dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác như “nói cà nói kê mãi”, “ngồi cà kê suốt buổi”... “Con cà con kê” cùng chung nghĩa đó nhưng với mức độ nhấn mạnh hơn.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam lý giải, trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường gặp một số người có thói quen nói dài, nói dai, nói hết chuyện này lại lan man sang chuyện khác. Thói quen đó đã được dân gian ta đúc kết lại bằng một thành ngữ rất cô đọng: Con cà con kê. "Ông này rách việc lắm. Chuyện nhỏ như con thỏ mà ông ta cứ rề rà, con cà con kê mãi, sốt cả ruột". Chắc nhiều người trong số chúng ta, thắc mắc về sự xuất hiện của thành tố “con” trong tổ hợp này. Không hiểu con cà, con kê là hai con gì? Từ vấn đề này mà từ trước đến nay vẫn có hai cách hiểu khác nhau về thành ngữ đó.
Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng ý nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” trong tiếng Việt cổ thì ca nghĩa là “gà” và kê (phiên Hán Việt), cũng có nghĩa là “gà”. Như vậy thì nghĩa đen của thành ngữ này sẽ được hiểu một cách nôm na là: dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại... con gà”, thế thì có ích gì? Mà như thế thì nghĩa đen này không phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ theo cách dùng phổ biến hiện nay.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải, “con cà con kê” là nói đi nói lại cùng một chuyện. Con gà âm Hán là kê, tiếng Mường là Kha, tiếng Nghệ Tĩnh là Ga, cổ âm đồng hóa với ca, cà. Các cách gọi đó đều là chỉ con gà trong phổ thông chúng ta vẫn dùng.
|
Ảnh minh họa. |
Là một loại cây
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, con cà, con kê, con gà... thể hiện sự bới móc, không có mục đích rõ ràng, không có trọng tâm... là hình ảnh ví von ẩn dụ nhưng rất sâu sắc. Dù là cây hay con thì sự so sánh gần gũi với cuộc sống là một lời nhắc nhở khôn khéo, để ai cũng nhớ và tự răn mình không được sa đà vào những câu chuyện dài dòng mất thời gian vô bổ.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, có người giải thích theo một cách khác, rằng: “cà” và “kê” trong thành ngữ nêu trên không phải là “gà” mà là cây cà và cây kê. Cà gieo thành đám. Trăm nghìn cây con mọc lên kín luống. Kê cũng gieo thành đám như mạ. Cây cà, cây kê đến tuổi trồng, người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi cấy dặm từng cây một. Công việc trồng cà, trồng kê tỉ mẩn, vào những ngày mưa, với việc tỉa ra từng cây, rề rà, chậm chạp. Từ đó, nghĩa đen của thành ngữ này là: dài dòng, hết cây cà lại sang cây kê, kéo dài như không dứt.
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, cách giải thích này xem ra có cơ sở hơn là vì quả thật nó phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ “con cà con kê” như cách dùng phổ biến hiện nay trong dân gian: “Hết kê rồi lại đến cà/Nhổ lên, trồng lại mãi mà không xong” (ca dao).
GS.TS Vũ Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam lại nhìn nhận, gà là con vật hay lang thang bới móc tìm kiếm thức ăn. Chúng đi chỗ này, chạy chỗ kia tìm mồi nên đường đi của chúng cũng lòng vòng. Con cà hay con kê thì đều là con gà sẽ phù hợp với cách lý giải nói lòng vòng, nhăng cuội, không có chủ đích, mất thời gian. Còn trong khoa học, không có con gì tên là con cà, và chắc chắn là không ai biết con cà là con gì. “Tôi nghĩ dân gian ví von hình ảnh đó trước tiên là vì đọc chệch đi, con gà thành con cà, sau đó là ám chỉ những người rảnh nhảm nói chuyện la cà, không ra việc gì, ý thức lao động kém thì cũng chỉ giống như lũ gà kia mà thôi. Đó là một hình ảnh so sánh rất hay nhưng lâu nay chúng ta lại không để tâm con cà con kê cụ thể là con gì. Đến bây giờ, người bị coi là có tác phong “con cà con kê” được hiểu ở hàm nghĩa tiêu cực, những người hay chuyện gây mất thời gian, vô bổ.
Xuất xứ từ Pháp
Trong tiếng Việt không có con kê, không có con cà. Chỉ có vài con có tên kép như cà đúi, cà tong, cà cuống, cà kếu, cà niễng... Nếu chỉ nói là con cà thì khó mà đoán biết là con gì. Cố GS Nguyễn Lân cho biết trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, cà là do từ cổ ca nghĩa là gà. Chữ Nôm, gà được viết bằng chữ ca (người anh) và bộ Điểu. Về mặt ngữ nghĩa, thành ngữ con cà con kê tương đương với con gà con kê. Nôm na là con gà con gà.
Cũng có quan điểm cho rằng, trong số những từ có âm gần giống cà kê thì chữ Hán có từ ca kệ nghĩa là nhà sư tụng bài kệ. Người xưa kính trọng nhà sư. Bài kinh, bài kệ cho dù có dài thì cũng không đến nỗi bị coi là dông dài, tầm phào, làm phiền người nghe như kể lể Cà kê . Không ai nỡ nặng lời trách móc nhà sư tụng bài kệ như vậy. Cà kê của dân gian khó có thể là biến âm của ca kệ .
Một số chuyên gia cho rằng, có thể từ “con cà con kê” được du nhập từ Pháp vào Việt Nam, kết quả của giao lưu văn hóa khoảng cuối thế kỷ XIX. Từ điển Robert và Larousse của Pháp cho biết: Caquet (đọc là ca kê, từ tượng thanh, có từ thế kỷ XV): Gloussement de la poule au moment où elle pond (tiếng gà mái kêu lúc đẻ trứng). Nghĩa bóng của Caquet là bavardage indiscret, intempestif (Ba hoa không đúng lúc).
Caqueter (động từ) nghĩa là nói không ngừng, nói dông dài, nói chuyện tầm phơ khiến người nghe phải khó chịu. Vậy là cà kê của tiếng Việt và Caquet của tiếng Pháp có nghĩa giống nhau là nói dông dài. Phát âm cũng giống nhau theo quy luật âm "ca" của tiếng Pháp chuyển sang tiếng Việt thành "cà”. Xét về mặt ngôn ngữ thì cà kê không phải là từ thuần Việt, cũng không phải là thuần Hán. Cách giải thích thoả đáng là ta đã nhập cảng Caquet của Pháp và Việt hoá thành Cà kê.
Trong các tài liệu ghi chép lại, việc lý giải “con cà con kê” là con gì được nhiều nguồn giải thích khác nhau. “Con cà con kê” nghĩa là kể chuyện tấm mẳn (nói những điều nhỏ mọn, không đáng nói). Kể lể nhiều chuyện (Huỳnh Tịnh Của, 1895). Lan man, dông dài, lôi thôi trong khi nói chuyện (Từ điển tiếng Việt, nhóm Văn Tân, 1977). Dài dòng hết chuyện này sang chuyện khác (Từ điển tiếng Việt, nhóm Hoàng Phê, 1988). Nói, kể dài dòng, lan man ít giá trị (Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Thành ngữ tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội, 1978). (Cà là do từ cổ ca nghĩa là gà). Chê người nói dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác (GS Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989).
Phong Lâm