Cuộc sống lập dị của 8 thiên tài nổi tiếng thế giới dưới đây càng chứng minh điều đó.
1. Pythagoras – nhà khoa học không ăn đậu
Nhà toán học Hy Lạp Pythagoras là người phát minh ra những định lý hình học cơ bản, nổi tiếng nhất là định lý Pythagore. Nhưng một số tư tưởng của ông đã không đứng vững được trước thử thách của thời gian, ông tán thành triết lý ăn chay, nhưng một trong những nguyên lý là cấm tiếp xúc hay ăn các loại đậu.
Truyền thuyết kể rằng đậu là một phần nguyên nhân gây ra cái chết của Pythagoras. Sau khi bị kẻ thù tấn công phải chạy ra khỏi nhà, ông đã gặp một cánh đồng trồng đậu, nơi ông bị cho rằng thà chết chứ không chạy vào cánh đồng trồng đậu và kẻ tấn công đã nhanh chóng cắt cổ của ông (ghi chép lịch sử không nói rõ vì sao ông bị kẻ thù tấn công).
2. Oliver Heaviside – nhà khoa học kỳ cục nhất
Nhà toán học và kỹ sư điện người Anh Oliver Heaviside đã phát triển các kỹ thuật toán học phức tạp để phân tích mạch điện và giải phương trình vi phân. Nhưng thiên tài này lại được bạn bè đặt cho biệt danh “người kỳ cục nhất”.
Nhà kỹ sư thiết kế nhà ở bằng các khối đá granite khổng lồ, sơn móng tay của ông màu hồng chói, thậm chí ông chỉ uống sữa để tồn tại trong vài ngày. Nhà khoa học này bị mắc chứng bệnh hypergraphia, một bệnh ở não khiến người ta ham viết lách quá độ.
3. Nhà vật lý vui tính Richard Feynman
Ông là một trong những nhà vật lý lỗi lạc nhất và nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ông từng tham gia dự án Manhattan, nỗ lực tối mật của Mỹ để tạo ra một quả bom nguyên tử. Feynman còn là người thích nghịch ngợm.
Lúc buồn chán khi thực hiện dự án Manhattan ở Los Alamos, ông thường dành thời gian rỗi chơi với các ổ khóa và chìa khóa để xem các hệ thống này có thể bị vô hiệu hóa dễ như thế nào. Không những vậy, trên con đường phát triển lý thuyết mang lại cho ông giải Nobel về động lực học lượng tử, ông hay đi chơi với các cô gái biểu diễn ở Las Vegas.
Bên cạnh đó, ông còn là chuyên gia về ngôn ngữ của người Maya và tham gia điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ nổ của tàu con thoi vũ trụ Challenger vào năm 1986.
4. Nhà toán học vô gia cư Paul Erdős
Nhà lý thuyết số người Hungary đã rất tận tâm với công việc của mình và không kết hôn, ông sống phiêu bạt cùng một chiếc vali, thường xuất hiện trước cửa nhà các đồng nghiệp mà không bao giờ báo trước.
Ông nói rằng “bộ não của tôi rất thoải mái”, sau đó ông sẽ làm việc giải toán liên tục trong vòng một, hai ngày. Về sau, ông nghiện cà phê, uống thuốc caffeine, các chất kích thích để tỉnh táo nghiên cứu toán học suốt 19 đến 20 giờ mỗi ngày. Ông đã công bố khoảng 1.500 bài báo quan trọng cho đến cuối cuộc đời mình.
5. Buckminster Fuller và nhật ký cuộc đời
Kiến trúc sư và nhà khoa học nổi tiếng Buckminster Fuller đã sáng tạo ra các kiến trúc mái vòm. Đây là những hình dung mang tính viễn tưởng của các thành phố trong tương lai và một chiếc xe được gọi là Dymaxion trong những năm 1930.
Fuller cũng là người lập dị, ông nổi tiếng đeo ba chiếc đồng hồ cùng lúc để xem giờ ở ba khu vực khác nhau khi ông bay khắp trái đất. Ông chỉ ngủ khoảng hai tiếng mỗi đêm và thường gọi là giấc ngủ Dymaxion.
Điều đặc biệt, tất cả những gì diễn ra xung quanh đều được ông ghi lại. Từ năm 1915 tới năm 1983 khi ông qua đời, Fuller luôn giữ bên mình quyển nhật kí chi tiết mô tả cuộc sống của ông được cập nhật đều đặn 15 phút một lần. Kết quả là, các sổ nhật ký của ông chất đống cao 82 mét, được lưu trữ tại trường Đại học Stanford.
6. Nhà vật lý Robert Oppenheimer - khó diễn đạt ý mình
Đây là một nhà bác học thông thạo 8 ngôn ngữ và am hiểu nhiều lĩnh vực bao gồm thơ, ngôn ngữ học và triết học. Chính điều này khiến Oppenheimer đôi khi gặp khó khăn trong việc giúp người khác hiểu điều ông nói.
Ví dụ, năm 1931, ông nhờ đồng nghiệp Leo Nedelsky từ trường Đại học California Berkeley chuẩn bị bài giảng cho mình. Ông lưu ý rằng việc làm này không khó vì nội dung có sẵn trong một quyển sách mà Oppenheimer đưa cho Leo Nedelsky.
Sau đó, người đồng nghiệp không biết phải làm thế nào vì cuốn sách viết hoàn toàn bằng tiếng Hà Lan và người bạn mang trả lại. Phản ứng của Oppenheimer là: “Nhưng tiếng Hà Lan dễ thế kia mà”.
7. Trợ lý của Edison - Nikola Tesla và bệnh sạch sẽ quá độ
Quê ở Serbia, sau đó ông di chuyển đến Mỹ vào năm 1884. Ông làm việc cho Thomas Edison và thực hiện những bước đột phá quan trọng trong đài phát thanh, người máy và điện học. Bị mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ông không chạm vào bất cứ thứ gì hơi bẩn, tóc, bông tai, ngọc trai hoặc những vật tròn tròn.
Ngoài ra, ông bị ám ảnh bởi số 3. Ông đi bộ xung quanh một tòa nhà ba lần trước khi bước vào bàn và trong mỗi bữa ăn, ông sử dụng chính xác 18 khăn ăn để lau bóng dụng cụ ăn cho đến khi sáng lấp lánh mới thôi.
8. Tycho Brahe – chết vì nhịn đi tiểu
Vào thế kỷ 16, nhà thiên văn Đan Mạch Tycho Brahe là một nhà quý tộc nổi tiếng với cuộc sống lập dị và cái chết khác thường. Ông đã mất mũi trong một trận đấu kiếm ở trường đại học và phải đeo một chiếc mũi giả bằng kim loại.
Ông thích những bữa tiệc, ông có một hòn đảo của riêng mình và hay mời bạn bè đến lâu đài vui chơi, hành động phiêu lưu, hoang dã. Ông thường khoe với khách một con nai sừng tấm do mình thuần hóa và một chú lùn tên Jepp ông giữ làm “thằng hề” ngồi dưới gầm bàn, nơi Brahe tỉnh thoảng cho nó một chút thức ăn thừa.
Nhưng niềm vui với các cuộc tiệc tùng đã vô tình dẫn đến cái chết của ông. Trong một buổi tiệc ở Prague, Brahe khăng khăng đòi ở lại tại bàn khi cần đi tiểu, vì rời khỏi bàn đồng nghĩa với kém cỏi và thua cuộc trong một trò chơi. Chính điều này khiến ông bị nhiễm trùng thận, bàng quang của ông bị vỡ sau đó 11 ngày, vào năm 1601.
Theo Nhân Mã/Gia đình Việt Nam