Kỳ 1: Cụ đồ Đàm và hành động trượng nghĩa chết thay dân làng
Ngày 27/6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Hương (Giám đốc Trung tâm truyền thông tâm linh), cùng một số nhà nghiên cứu tâm linh, gọi tôi cùng đi, thắp nhang tưởng nhớ các vị đầu bếp đặc biệt nhân 106 năm ngày nổ ra vụ nổi dậy chấn động
Hà thành đầu độc.
Vụ các đầu bếp dũng cảm Hà thành lập mưu tính kế đầu độc quan pháp ở thành Hà Nội được sử sách nhắc đến nhiều. Tấm ảnh bêu đầu các chí sĩ yêu nước trong rọ tre có lẽ là một trong số những bức ảnh gây ám ảnh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm nước nhà. Tuy nhiên, thân phận các chí sĩ yêu nước ấy thì ít người biết.
|
Anh Phạm Văn Túy và chị Nguyễn Thị Thu Hương.
|
Tôi rất ấn tượng với một thành viên trong đoàn hôm đó, là anh Phạm Văn Túy. Anh Túy năng nổ đưa đón mọi người, chăm lo hương khói, hoa lễ. Tôi đoán anh là con cháu của vị chí sĩ nào đó, nhưng hóa ra không phải. Anh chỉ là người cùng làng với cụ đồ Đàm, người làng Tạ Xá (xã Đại Thắng, Phú Xuyên, Hà Nội).
Anh Túy mở cốp xe, lấy trong chiếc cặp da màu đen, đưa cho tôi một tập tài liệu rất dày. Thật ngạc nhiên khi biết bao nhiêu năm nay, anh nghiên cứu tài liệu, chạy đôn chạy đáo, nhằm mưu cầu Nhà nước có sự quan tâm thích đáng đến những nhân vật trong vụ Hà thành đầu độc đã chết một cách oanh liệt từ hơn 100 năm trước.
Trong tập tài liệu ấy, có cả những văn bản của người Pháp, được anh lấy từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia, là văn bản hiếm hoi chính thống về sự kiện này.
|
Hình ảnh chặt đầu chí sĩ yêu nước trong vụ Hà thành đầu độc.
|
Anh Túy xúc động: “Hồi bé, vào đình chơi, thấy có ban thờ nho nhỏ, tôi hỏi, bố tôi bảo đó là bàn thờ cụ đồ Đàm. Tôi đã được bố kể cho nghe về sự hy sinh của cụ đồ Đàm. Vì giặc Pháp đe dọa sẽ giết cả làng, nên cụ đã phải lộ diện và chịu chết. Cụ đã chết để cứu mạng dân làng chúng tôi.
Chuyện về cụ ám ảnh tôi từ bé, nên khi có điều kiện, tôi bỏ thời gian tìm hiểu kỹ hơn. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy đau lòng. Các cụ là những chí sĩ yêu nước, là những người mang khát vọng giải phóng đất nước, nhưng vì đất nước mà vong mạng. Thế nhưng, các cụ chưa được đền đáp xứng đáng. Đến nơi tưởng niệm các cụ, cũng thật đáng buồn”.
Để tôi hiểu hơn về cụ đồ Đàm, người mà theo anh Túy, có đóng góp rất lớn trong vụ Hà thành đầu độc, là người cứu mạng cả làng, song bị lãng quên, anh đã đưa tôi về tận làng Tạ Xá.
|
Đình làng Tạ Xá.
|
Đình làng Tạ Xá cổ kính nằm dưới những tán cây um tùm, bên hồ nước rộng mênh mang. Trong đình, các cụ già đã có mặt đầy đủ tiếp đón chúng tôi.
Ban thờ cụ đồ Đàm ở góc nhỏ ngôi đình khói hương nghi ngút. Cụ Tảo, chi hội người cao tuổi thôn Tạ Xá nhấp chén trà, rồi bắt đầu câu chuyện về cụ đồ Đàm.
Cụ đồ Đàm, tên thật là Đỗ Khắc Nhã, là con một nhà nho nghèo ở làng Tạ Xá, xưa thuộc làng Lương Xá, tổng Tạ Xá, tỉnh Hà Đông. Bố mẹ cưới cho cô vợ tên Nguyện, người Vân Nội, làng bên. Lấy vợ, đẻ 2 người con, thì cụ rời làng về Hà Nội làm gì không rõ.
Sau này, dân làng mới biết, cụ tham gia tổ chức nhà nho yêu nước do cụ Đề Thám lập ra. Cụ được tổ chức phân công cùng một số cụ ở Hà Nội tổ chức vụ đầu độc các quan chức cao cấp người Pháp. Cụ nhận nhiệm vụ cắm cờ và chỉ huy một cánh quân tiến vào Hà Nội.
|
Ban thờ cụ đồ Đàm trong đình Tạ Xá.
|
Kế hoạch diễn ra như đã phân công, cụ đồ Đàm dẫn quân ém ở khu vực cột cờ Hà Nội, chờ tín hiệu của cụ đội Nhân. Theo quy định, nếu đến giờ, có tín hiệu thì nổi dậy tấn công, còn không có tín hiệu thì tự động giải tán. Tuy nhiên, khi đến giờ nghe tiếng báo động, biết kế hoạch đã bại lộ, cụ giải tán quân.
Gặp một người làng kéo xe tay, cụ liền nhảy lên xe đi trốn. Chỉ biết rằng, cụ đã trốn về khu bãi sậy thuộc đất Hưng Yên, vùng Kim Động. Hiện vẫn chưa rõ ở làng nào, xã nào.
Thân thế bại lộ, thực dân Pháp lùng sục ráo riết khắp vùng. Thời gian sau, thực dân Pháp đưa giấy về tỉnh Hà Đông. Tỉnh xức giấy về làng. Nội dung tờ thông báo có nội dung sẽ chặt đầu toàn bộ dân cư hai làng, là làng Tạ Xá quê cụ Đàm và làng Vân Nội quê vợ cụ, nếu cụ Đàm không ra trình diện chính quyền Pháp.
|
Cụ Tảo kể lại chuyện về cụ đồ Đàm. |
Cụ Nguyễn Văn Hát, ở thôn cạnh, đi đò qua sông Hồng, sang Hưng Yên buôn bán, đã gặp được cụ Đàm, cải trang thành ông lão râu tóc bạc phơ. Cụ Hát nhận ra cụ đồ Đàm qua dáng người, nốt son lớn ở tay và những ngón tay búp măng đặc trưng của thầy đồ ngày đó.
Cụ Hát thuật lại chuyện dân hai làng lo lắng ngày đêm mất ngủ, vì sắp bị thực dân Pháp xử tử. Cụ đồ Đàm bảo cụ Hát cứ về làng, cụ sẽ ra trình diện chính quyền.
Cụ Hát về làng, kể lại chuyện gặp cụ đồ Đàm, tuy nhiên, không biết cụ Đàm trú ngụ ở đâu. Quan chức phong kiến muốn mời cụ Đàm về, nhưng không dám sang, sợ cụ trốn mất, nên cử cụ Hát sang Hưng Yên gặp gỡ.
Gặp lại ở điểm hẹn, cụ đồ Đàm bảo cụ Hát: “Ông cứ về nói với quan Pháp là tôi sẽ ra trình diện chính quyền. Tuy nhiên, tuyệt đối ông không được tiết lộ nơi tôi ở, kẻo giặc sát hại những người cưu mang tôi”.
Vài ngày sau, cụ đồ Đàm về thật. Dân làng gặp cụ thì buồn thảm, khóc lóc ghê gớm. Cha cụ đồ Đàm cùng nhân dân làm lễ tế sống suốt 3 ngày. Hội đồng môn, học trò cũng mổ lợn làm lễ tế sống rất to, bởi ai cũng biết rằng, cụ sẽ bị chặt đầu.
Xong lễ tế sống, dân làng đưa cụ lên nhà lao Hà Đông, chỗ chợ Hà Đông bây giờ. Lấy khẩu cung xong, chúng đưa cụ về nhà giam Hỏa Lò. 6 ngày sau, chúng đưa cụ ra pháp trường Bãi Bàng (giờ là chỗ chợ Bưởi) xử tử. Hôm chặt đầu cụ, dân làng, cụ Nguyện (vợ cụ đồ Đàm) cũng có mặt. Cụ đồ Đàm cởi chiếc khăn the đưa cho vợ, dặn rằng, dùng chiếc khăn the may áo cho con trai.
Chặt đầu xong, giặc Pháp bêu đầu cụ ở chợ, xác quẳng xuống hố chôn tập thể những người bị bắt trong vụ Hà thành đầu độc.
Cụ Nguyễn Văn Quế, người làng Tạ Xá kể: “Ông nội tôi là người chứng kiến tận mắt cuộc hành quyết cụ đồ Đàm. Ông tôi kể rằng, cụ đồ Đàm có vóc dáng thư sinh, tóc dài búi sau lưng. Vì búi tóc to quá, nên đồ tể chặt mấy lần mới đứt đầu cụ, nhìn thương tâm lắm. Lúc ra pháp trường, cụ đồ Đàm không hề sợ hãi, mà ngẩng cao đầu cười nhạo chúng.
Ngày đó, giặc Pháp giấu thông tin ghê lắm. Chúng chỉ thông cáo rằng đây là hành động bạo loạn của một nhóm người, nhằm thu nhỏ sự kiện, tránh gây bức xúc, manh động trên diện rộng.
Tuy nhiên, thực tế, đây là sự kiện chính trong âm mưu cướp chính quyền của cụ
Đề Thám. Nếu vụ đầu độc thành công, cụ Đề Thám sẽ đưa quân về đánh chiếm Hà Nội, có thể sẽ thay đổi cục diện khi đó, mà không chừng sẽ giải phóng được dân tộc. Vì vậy, tôi đánh giá sự kiện Hà thành đầu độc là sự kiện lớn, cần được lịch sử đánh giá, ghi nhận xứng đáng”.
Còn tiếp…
Theo VTC