Được biết đến ngay từ vai diễn đầu tiên trong phim “Hồi chuông Thiên Mụ”, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh trở thành một trong những cái tên được săn đón nhất tại Sài Gòn trước 1975. Bà cũng là một trong số ít diễn viên Việt Nam tham gia phim truyền hình và điện ảnh Mỹ.
Giai nhân Sài Gòn Kiều Chinh sinh năm 1937, là con út trong một gia đình có 3 người con, mẹ mất sớm... Cô bé Nguyễn Thị Chinh được gia đình người bạn của bố đưa vào di cư tại miền Nam.
16 tuổi, Chinh đã lập gia đình. Hai năm sau, đúng vào lúc nhan sắc rực rỡ nhất của “gái một con” bà được nhóm làm phim của ông Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân phát hiện trong một buổi tiệc và đưa bước vào điện ảnh qua phim “Hồi chuông Thiên Mụ” với nghệ danh Kiều Chinh. Vai diễn tạo được ấn tượng với công chúng.
|
Kiều Chinh có vẻ đẹp thánh thiện. |
Sau lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh, Kiều Chinh tiếp tục gặt hái được thành công với nhiều bộ phim: “Mưa rừng”, “Ngàn năm mây bay”, “Người tình không chân dung”, “Chờ sáng”, “Chiếc bóng bên đường”...
Với một gương mặt thánh thiện, thần thái sang trọng, quý phái hiếm có cùng cách nhập vai bình dị, sâu sắc và vốn tiếng Anh lưu loát, Kiều Chinh có lợi thế hơn các bạn diễn khi các đoàn phim nước ngoài cần diễn viên bản xứ.
|
Thần thái quý phái hiếm có. |
Năm 1968, Kiều Chinh đóng phim “Chuyện năm Dần” (Year Of The Tiger) do Mỹ sản xuất với nam tài tử nổi tiếng Marshall Thompson cùng một số diễn viên khác như: Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Năm Châu, Kiều Hạnh…
|
Sánh đôi cùng Alan Alda trên màn ảnh. |
Năm 1971, vượt qua nhiều người đẹp điện ảnh của Ấn Độ, Kiều Chinh đã giành được vai vai công chúa Kamar Souria trong bộ phim “Inside Out”. Bạn diễn chính với Kiều Chinh là hai nam diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ: Rod Perry (Mỹ) và Dev Anand (Ấn Độ). Vai diễn này đã từng được bàn tán như một hiện tượng giải trí tại Ấn Độ lúc bấy giờ vì người vào vai công chúa không phải là diễn viên bản xứ.
|
Kiều Chinh xuất hiện trên bìa báo nước ngoài. |
Vinh quang đã đưa Kiều Chinh đi đến nhiều LHP thế giới như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…Năm 1973 Kiều Chinh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc.
|
Nữ minh tinh chụp với người hâm mộ tại sân bay |
Ngoài tài năng diễn xuất, Kiều Chinh còn là nhà sản xuất phim rất năng động. Giao Chỉ phim là hãng phim riêng do Kiều Chinh thành lập trước năm 1975 tại Sài Gòn đã sản xuất nhiều phim được đầu tư kinh phí cao và đoạt nhiều giải thưởng.
Bản lĩnh nơi xứ người
Sau năm 1975, Kiều Chinh cùng gia đình chuyển sang sinh sống tại Canada. Từ một diễn viên gốc Sài Gòn danh tiếng nổi như cồn, bà phải làm đủ các nghề cơ cực ở xứ người với số tiền công ít ỏi để nuôi gia đình.
Năm 38 tuổi, bà được bảo lãnh qua Mỹ. Đó cũng là thời điểm Kiều Chinh quyết định quay trở lại với điện ảnh dù phải bắt đầu từ con số 0 và Hollywood vốn là mảnh đất cực kỳ khắc nghiệt đối với những diễn viên, đặc biệt là những diễn viên gốc Á.
|
Ngoài 70 tuổi, Kiều Chinh vẫn đẹp. |
Bắt đầu từ những vai diễn nhỏ với dăm ba lời thoại, hai năm sau Kiều Chinh đã nhận được các vai chính trong các bộ phim truyền hình và có cơ hội diễn xuất cùng những tài tử của Hollywood.
Tính tới thời điểm hiện tại, Kiều Chinh đã có mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như "The Letter" (1986), "Welcome Home (1989), "Vietnam-Texas" (1989), "What Cooking" (2000), "Face" (2001)... Với vai diễn trong phim "Joy Luck Club", bà lọt vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.
|
Giai nhân một thuở. |
Ngoài điện ảnh, tài năng của Kiều Chinh còn được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực khác. Bà được mời làm diễn giả chuyên nghiệp cho The Greater Talent Network, Inc - một tổ chức chuyên cung cấp những diễn giả nhà nghề cho các trường đại học và các tổ chức văn hoá trên toàn nước Mỹ.
|
Kiều Chinh và đạo diễn Cường Ngô. |
Năm 1995, sau hơn 20 ở xứ người, Kiều Chinh đã trở về Việt Nam lần đầu tiên. Năm 2012, Kiều Chinh xuất hiện trong bộ phim "Ngọc Viễn Đông" của đạo diễn Việt kiều Cường Ngô. Bà đã lột tả thành công sự giằng xé, cô đơn của một nghệ sỹ sân khấu chìm vào im lặng và lãng quên khi ánh hào quang lùi xa.
|
Người mẹ trong phim "Ngọc Viễn Đông". |
Ban đầu, bộ phim này được Cường Ngô thực hiện với mục đích vinh danh cuộc đời và sự nghiệp của Kiều Chinh. Tuy nhiên, với mong muốn "hướng sự vinh danh tới toàn bộ các nữ nghệ sĩ đã một đời say mê nghệ thuật", bà đã đề nghị vị đạo diễn này điều chỉnh lại nội dung của phim.
Cho đến bây giờ, Kiều Chinh vẫn được nhắc đến như một trong những tuyệt sắc giai nhân của điện ảnh Việt Nam. Không như nhiều giai nhân xưa sau thời vàng son đã lựa chọn đời sống ẩn dật, Kiều Chinh vẫn rất năng động, đam mê với nghề nghiệp, cuộc sống. Có lẽ đây là một trong những bí quyết khiến bà giữ gìn được nét trẻ trung và diện mạo xứng với danh hiệu “Giai nhân Sài Gòn một thuở”.
Theo Gia Đình & Xã Hội