Chu Ân Lai và Nixon trước giải pháp về chiến tranh VN

Google News

Đến Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Richard Nixon nâng cốc chúc mừng giờ phút “băng giá đã tan” giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc…

Nixon phát biểu:
“Ở một số thời kỳ trong quá khứ, chúng ta đã thù địch nhau. Ngày nay còn tồn tại giữa chúng ta nhiều mối tranh chấp nghiêm trọng. (Tuy vậy) lý do chúng ta xích lại với nhau là vì chúng ta có những lợi ích chung vươn lên trên các tranh chấp đó (…) Thế giới đang nhìn chúng ta. Thế giới đang lắng nghe chúng ta. Thế giới đang chờ xem điều chúng ta sẽ làm. Không có lý do gì cho chúng ta thù địch nhau. Không ai trong hai chúng ta thèm muốn lãnh thổ của người kia”. Cuối cùng, Nixon ý nhị nhắc đến Mao Trạch Đông: “Mao Chủ tịch đã viết: “Biết bao kỳ tích lớn tiếng đòi được hoàn tất (…). Quả đất tiếp tục quay. Thời gian cứ trôi. Một vạn năm, quả là dài. Hãy nắm lấy ngày ấy, hãy nắm lấy giờ ấy” - Đó là giờ, đó là ngày để hai dân tộc chúng ta lớn lên đến tầm cỡ có thể kiến thiết được một thế giới tốt hơn” (Richard Nixon, sđd. tr.694).
 Nixon và Mao Trạch Đông.
Nixon dứt lời, món khai vị dọn ra và dàn nhạc Trung Quốc hòa tấu bài America the Beautiful (Nước Mỹ đẹp xinh). Đây là điệu nhạc Nixon đã chọn để chào mừng ngày nhậm chức tổng thống của mình năm 1969. Trong vòng một tuần tiếp đó, từ 22 đến 28/2/1972, các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Nixon với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai về “giải pháp” cho cuộc chiến đang diễn ra ác liệt tại Việt Nam, về việc quân Mỹ chiếm đóng Đài Loan và về cán cân lực lượng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Liên Xô đang vươn lên khỏi thế “cân bằng về vũ khí hạt nhân”.
Luật gia J. Amter - được tổng thống Mỹ chỉ định làm đồng Chủ tịch của Hội nghị Nhà trắng nghiên cứu về công tác quốc tế của Mỹ (thời Johnson 1965) - người nắm nhiều tài liệu đặc biệt quan trọng của cuộc chiến Việt Nam qua các đời tổng thống Mỹ - đã viết trong cuốn Lời phán quyết về Việt Nam, Nguyễn Tấn Cưu dịch, 524 trang, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội 1985 về chuyến đi Bắc Kinh của Nixon:
“Trên thực tế, Nixon gợi ý Trung Quốc ép Hà Nội chấp nhận những điều kiện hòa bình của Mỹ và tổng thống Nixon muốn Bắc Kinh giúp ông ta thương lượng với Hà Nội những điều kiện hòa bình thuận lợi (cho phía Mỹ) đó” (Amter, sđd tr. 375). Ở đoạn khác: “Nixon nói rằng nếu Bắc Kinh giúp làm giảm các căng thẳng ở Việt Nam thì Nixon thấy không có lý do tại sao các lực lượng Mỹ ở Đài Loan lại không thể rút đi”.
Những lời ấy là “thông điệp” của Nixon trực tiếp gởi bằng miệng đến Trung Quốc, nói trắng ra: “Mỹ hoàn toàn sẵn sàng thỏa hiệp vấn đề Đài Loan để đổi một giải pháp ở Việt Nam” ! (sđd, tr.374).
Nhưng thủ tướng Chu Ân Lai, đảm đương đàm thoại với Nixon về “vấn đề Việt Nam”, trả lời: “Lập trường của chúng tôi như sau: dù ngài có tiếp tục chính sách Việt Nam hóa, Lào hóa, Campuchia hóa cuộc chiến tranh lâu dài bao nhiêu đi nữa và nếu họ (Việt Nam) còn tiếp tục chiến đấu thì chúng tôi không thể làm khác hơn là tiếp tục chi viện cho họ” (Richard Nixon, sđd tr.699).
Chu Ân Lai cảnh báo: “Nếu chúng ta (Mỹ) càng chậm rút ra khỏi Việt Nam thì cuộc rút lui của chúng ta càng khó khăn, càng bất lợi”. Dường như để “minh họa” cho lập trường của mình, Chu Ân Lai nói thêm: “Hồ Chí Minh là một trong những người bạn vong niên của tôi” (Richard Nixon, sđd, tr. 699). Hồ Chí Minh lớn hơn Chu Ân Lai 8 tuổi, hai người gặp nhau lần đầu tiên tại Paris năm 1922 lúc Chu 24 tuổi. Lên làm thủ tướng đầu tiên của nước CHND Trung Hoa, Chu Ân Lai từng nhắc: “chính Hồ Chí Minh đã dẫn dắt tôi trong những bước đầu tiên tham gia công tác cách mạng và giới thiệu một số đồng chí của chúng tôi vào Đảng Cộng sản Pháp”.
Lập trường khác nhau của hai bên về “vấn đề Việt Nam” nêu rõ trong thông cáo chung Trung - Mỹ công bố tại Thượng Hải ngày 28.2.1972. Dầu vậy, Chu Ân Lai vẫn cẩn thận rời Bắc Kinh bay sang Hà Nội khoảng 5 ngày sau đó để “đoan chắc với người Bắc Việt Nam là ông ta đã không bán rẻ họ trong các cuộc họp cấp cao” (Amter, sđd tr.375).
Amter nhận định: trong chuyến đi đầu tiên đến Bắc Kinh “Nixon đã không thành công trong việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam (theo ý định của mình)” (sđd, tr.376). Về lại Mỹ, khoảng 10 tháng sau, Nixon mở chiến dịch tập kích đường không chiến lược vào Bắc Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ thương lượng trên thế mạnh:
“Trong 12 ngày liên tiếp, từ 18/12 đến 30/12/1972, Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, thả trên 35.000 tấn bom vào bên trong hai trung tâm đô thị lớn. Mỹ dùng 200 pháo đài bay B52 bay từng nhóm ba chiếc, mang bom 500 và 700 cân Anh, mà khi thả xuống, đúng là đã nhận chìm những khu vực hình chữ nhật có bề dài một dặm và bề ngang nửa dặm trong khói lửa (…) chỉ riêng Hà Nội hơn 2.000 dân thường chết, nhà thương Bạch Mai, cơ sở hiện đại nhất của Hà Nội với trên 900 giường biến thành nơi đổ nát” (Amter, sđd tr.423).
Rốt cuộc, 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi (trong đó có 34 pháo đài bay B52 và 5 máy bay chiến thuật F.111), lại bị dư luận quốc tế và ngay nước Mỹ phản đối dữ dội về cuộc tàn sát diễn ra vào mùa giáng sinh ấy. Tiếp đó là Hiệp định Paris 28/1/1973 với nội dung cơ bản là Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh ra khỏi Việt Nam.
Dầu vậy, chuyến đi của Nixon tạo điều kiện để Mỹ và Trung Quốc lập mối quan hệ hữu nghị. Đặc biệt, đã gieo cấy tình bạn giữa Mao Trạch Đông và Nixon. Mao Trạch Đông thể hiện tình cảm thắm thiết của mình bằng cách mời Nixon đến Trung Quốc lần thứ hai vào tháng 2/1976 với tư cách cá nhân (vì lúc đó Nixon đã phải từ chức tổng thống, rời khỏi Nhà trắng bởi “sự kiện Watergate”). Mao ra lệnh điều một chiếc máy bay Boeing 707 mới mua về chưa lâu đến tận sân bay Los Angeles của Mỹ để đón Nixon sang Bắc Kinh. Đây là chuyện chưa từng xảy ra trong ứng xử ngoại giao của Mao Trạch Đông. Lần này, chính Mao đã “bắc cây cầu dài 16.000 dặm đường” từ Bắc Kinh đến Mỹ để đón “người bạn mới” sau buổi tiệc chia tay cách đó vừa đúng 4 năm…
Theo Một thế giới