Bí mật chiếc trực thăng gián điệp trong chiến tranh Việt Nam (2)

Google News

Sau khi có được động cơ mới, kỹ sư của CIA phải tìm cách để phi công có thể điều khiển loại trực thăng gián điệp thâm nhập vào miền Bắc VN. 

Cả ARPA và Lục quân Mỹ đều cho rằng máy bay Model 500P của Hughes, hay còn được gọi là "Số 1 thầm lặng", là thiết kế hứa hẹn nhất. Sau khi kiểm tra một chiếc Model 500P đã hoàn thành, CIA đã đồng ý chọn loại trực thăng này làm trực thăng gián điệp. “Số 1 thầm lặng” có bộ cánh quạt chính 5 cánh so với 4 cánh của trực thăng OH-6.
Tuy nhiên, CIA cần một loại máy bay trực thăng có thể bay một quãng đường dài mà không cần tiếp nhiên liệu và các phi công sẽ phải điều khiển trong bóng tối khi mà GPS chưa ra đời. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của CIA là tìm một động cơ mới, hiệu quả hơn cho loại máy bay trực thăng này (Phòng Allison thuộc Tổng công ty Motor đã cố tình hạn chế công suất động cơ của trực thăng OH-6 chỉ tới 250 mã lực vì lý do an toàn). Cuối cùng, CIA đã chọn được 6 động cơ có hiệu suất cao nhất với công suất gần gấp đôi động cơ của trực thăng OH-6.
Bi mat chiec truc thang gian diep trong chien tranh Viet Nam (2)
 Trực thăng và binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. 
Với động cơ mới, chiếc trực thăng nặng 500 kg này có thể mang theo tổng trọng lượng hơn 900 kg, bao gồm người, nhiên liệu và thiết bị chuyên dụng. Để hạ cánh một cách an toàn trong trường hợp khẩn cấp, Hughes đề nghị CIA giới hạn tổng trọng lượng khoảng 1.100 kg. Để có thể mang đủ nhiên liệu nhằm thâm nhập sâu vào miền Bắc Việt Nam, các kỹ thuật viên đã chế tạo một bồn chứa nhiên liệu đặc biệt - giống như một cặp túi thồ trên yên ngựa, gắn liền với nhau thông qua cabin chính.
Nhằm làm giảm tiếng ồn xuống mức tối thiểu, CIA đã chỉnh sửa các động cơ để các bộ phận không phát ra tiếng động hoặc cọ xát vào nhau. Ngoài ra, các kỹ thuật viên cũng thiết kế một bộ giảm thanh được cải tiến.
Sau khi có được một động cơ mới với độ ồn thấp, các kỹ sư của CIA còn phải tìm cách làm thế nào để các phi công có thể điều khiển loại máy bay nhỏ này thâm nhập vào miền Bắc Việt Nam. Họ đã quyết định kết hợp camera hồng ngoại và thiết bị nhìn đêm. Khi bay ở độ cao 30 m so với mặt đất hoặc thấp hơn, phi công sẽ phải điều khiển trực thăng bay đúng tuyến đường thông qua một màn hình tivi nhỏ. Phi công đeo kính nhìn ban đêm để phát hiện ra những vật cản khác. Bên cạnh đó, chiếc trực thăng này còn được trang bị một hệ thống dẫn đường quán tính. Đây là một máy tính nhận dữ liệu từ một sự kết hợp của các bộ cảm biến, cho biết vị trí, hướng, tốc độ của trực thăng.
Hai năm sau khi ARPA bắt đầu Chương trình “Số 1 thầm lặng”, CIA bí mật đăng ký mua bốn chiếc trực thăng của Hughes thông qua công ty Air America. Được sự chấp thuận của Nhà Trắng, CIA chở 2 chiếc trực thăng tối mật trên tới một căn cứ được mã hóa là "PS-44" ở Lào. Tuy nhiên, một tháng sau đó, một trong hai chiếc trực thăng trên đã gặp sự cố sau khi hạ cánh ở phía trước gara máy bay.
Trước khi tai nạn diễn ra, các phi công Đài Loan - những người được Washington huấn luyện trong các chương trình bí mật khác - được giao nhiệm vụ tập lái 2 chiếc trực thăng đặc biệt này bay tới thành phố Vinh. Sau sự cố trên, CIA đã sa thải các phi công Đài Loan và thay thế bằng các phi công Mỹ.
Vào đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7/12/1972, phi công của CIA đã lái chiếc “Số 1 thầm lặng” còn lại tới Vinh và trở về mà không gặp sự cố. Sau chuyến đi này, Air America đã bí mật đưa 2 chiếc trực thăng đặc biệt tiếp theo lên máy bay vận tải
C-130 và bay ra khỏi nước Mỹ. CIA sau đó điều 2 chiếc Model 500 bình thường sang Lào như là một cách để ngụy trang.
Nhiệm vụ gián điệp này được CIA báo cáo là đã thành công, nhưng không ai biết chính xác những thông tin mà CIA thu được thực sự có hữu ích đối với chính phủ Mỹ lúc đó hay không, vì đến năm 1973, Mỹ buộc phải ký vào Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Được gọi tắt là Hiệp định Paris, hiệp định buộc đó toàn bộ binh lính Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Sau này, CIA đã chuyển giao ít nhất một trong những chiếc “Số 1 thầm lặng” cho Lục quân Mỹ. Không ai biết các đơn vị mặt đất của quân đội Mỹ đã sử dụng những chiếc trực thăng đặc biệt này trong bao lâu, nhưng có một điều chắc chắn rằng Lầu Năm Góc và CIA đã tiếp tục phát triển các loại máy bay trực thăng có độ ồn thấp và khả năng “tàng hình” cao sau nhiệm vụ bay tới thành phố Vinh.
Trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Pakistan, một chiếc trực thăng “siêu bí mật” của Mỹ đã bị rơi tại khu phức hợp của thủ lĩnh Al Qaeda. Máy bay trên - có biệt danh là "Stealth Hawk" và nó dường như là một biến thể của UH-60 Black Hawk - có lẽ không phải là chiếc duy nhất của loại trực thăng này trong kho vũ khí của Washington.

Theo Công Thuận/Báo tin tức