Mời độc giả xem video Phát hiện khẩu thần công từ thế kỷ 19
“Rất nhiều khách từ các nơi đến tham quan muốn biết gốc tích, lai lịch và những câu chuyện xung quanh 4 khẩu súng thần công này như thế nào. Nhưng vì không có bất cứ một tư liệu gì liên quan nên chúng tôi rất ngại. Hiện vật quý đặt ở bảo tàng đấy, nhưng không có cơ sở khoa học gì nên chúng tôi rất mong được giải mã và mời các nhà khoa học, lịch sử đến nghiên cứu”, ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang khẩn thiết.
Minh Mệnh thập tam niên tạo
Ngay trước cửa, phía bên trái của bảo tàng, 4 khẩu thần công vẫn còn khá nguyên vẹn được đặt trên 4 bệ xây bằng gạch trát xi măng. Rất nhiều khách tham quan qua lại đều ngó đến 4 khẩu súng thần công này.
Nhưng theo ông Hợp, dù 4 khẩu thần công ấy là hiện vật quý giá của lịch sử nhưng cũng gần như chỉ để làm cảnh. Không có tư liệu lịch sử nên các hướng dẫn viên cũng đành im lặng trước những thắc mắc của khách tham quan.
|
Bước đầu xác định 4 khẩu súng này được trang bị bảo vệ thành Hà Giang. |
Ông Hợp tỉ mỉ dẫn chúng tôi xem từng khẩu. Trên thân súng vẫn còn nguyên dòng chữ Hán đúc nổi, ghi rõ: Minh Mệnh thập tam niên tạo, tức là: súng được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 13. Chiếu với lịch sử thì năm Minh Mệnh thứ 13 ứng với năm 1832, tức cách đây đúng 183 năm.
Theo đo đạc, 4 khẩu súng có độ dài đều nhau, khoảng 120cm, nặng trên 200kg. Quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy 4 khẩu thần công này đều được đúc bằng hợp kim gang.
Súng có hình trụ, lớn dần từ miệng đến chuôi súng, có 3 phần rõ rệt gồm nòng, bầu và chuôi. Đường kính miệng súng rộng trên 20cm, chu vi chỗ tiếp lửa gần 90cm, chuôi dài 7cm.
Hai bên súng đều có hai mấu nhô ra, có tác dụng giữ vững khi đặt trên bệ. Những mấu này vẫn còn nguyên vẹn. Qua quan sát, thấy hình dáng súng giản đơn, chắc chắn nhưng không màu mè. Có thể bước đầu đánh giá là súng chiến chứ không phải súng thờ.
Súng đặt thành Cán Tỷ?
Như vậy, qua những dòng chữ ghi trên 4 khẩu súng thần công, có thể bước đầu xác định chúng được đúc vào năm 1832 thời vua Minh Mệnh. Nhưng câu chuyện súng được đặt ở đâu, xem ra vẫn là một dấu hỏi lớn.
Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho rằng, 4 khẩu thần công từng được đặt ở thành cổ Cán Tỷ - nơi có vị trí hiểm yếu, án ngữ hẻm vực sông Miện với con đường huyết mạch ở biên giới Việt – Trung.
Theo ông Hồng, năm 1887, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Giang đã xây thành Cán Tỷ và đem 4 khẩu súng thần công, là những chiến lợi phẩm sau khi hạ thành Hà Giang để đặt ở bốn hướng. 4 súng thần công này vốn là súng chiến, nhưng với công nghệ của Pháp bấy giờ thì chúng trở nên vô dụng nên chỉ dùng để trang trí.
Khi súng thần công không để phòng thủ, tất nhiên chúng được coi như súng thờ, như “cửu vị thần công” còn lại ở Huế. Súng được lấy tên bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hiện nay, 9 khẩu súng thần công này được đặt ở hai vị trí khác nhau trong khu di tích cố đô. 5 khẩu thần công: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được đặt ở phía phải Ngọ Môn (phía cửa Quảng Đức), 4 khẩu: Xuân, Hạ, Thu, Đông được đặt ở phía trái Ngọ Môn (phía cửa Thể Nhân).
Tuy nhiên, giả thuyết cho rằng 4 khẩu thần công ở Hà Giang từng được đặt ở thành Cán Tỷ bị bác bỏ. Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang cho rằng: “Năm 1996, cán bộ bảo tàng đã thu thập được 4 khẩu súng nằm rải rác ở khu vực thị xã. Như vậy, có thể xác định 4 khẩu thần công được trang bị để bảo vệ thành Hà Giang chứ không phải từng được đưa lên thành Cán Tỷ”.
Chế súng ở Cao Bằng?
Cũng theo một nghiên cứu của ông Hoàng Minh Hồng thì những khẩu thần công ở Hà Giang được đúc tại một làng nghề truyền thống là Phúc Sen của tỉnh Cao Bằng, tức châu Quảng Nguyên xưa.
Lý do ông Hồng đưa ra là: Đúc súng tại đây vừa tiện lợi trong việc vận chuyển sang Hà Giang. Hơn nữa, làng Phúc Sen vốn là nơi làm súng chuyên nghiệp.
Theo ông Hồng, người Phúc Sen đã dùng kỹ thuật đúc súng theo lò. Mỗi lò một khẩu. Lò được đào sâu xuống lòng đất. Khi đúc, người ta phải làm khuôn đúc trước theo mẫu, tạo khuôn, nung khuôn, nấu chảy gang, rót gang và làm nguội.
Quá trình này đòi hỏi có phải có kỹ thuật cao. Khi bóc khuôn ra phải sửa lại sản phẩm và hàn những lỗ rỗ bọt biển, đánh bóng khẩu súng. Các khâu này đều được làm theo kỹ thuật thủ công. Các yếu tố kỹ thuật phương Tây được áp dụng chủ yếu ở hình thức, kiểu dáng, cấu tạo nòng và cò súng.
Kỹ thuật đúc súng đòi hỏi phải cao hơn khi đúc những sản phẩm khác. Vì khi sử dụng súng là quá trình thử thách độ bền của sản phẩm bởi sự phá hoại của thuốc súng.
Tuy nhiên, giả thuyết của ông Hồng không mấy thuyết phục. Vì khi súng đã được đúc liền, công tác chế tạo súng thần công đòi hỏi rất phức tạp. Một làng nghề của châu Quảng Nguyên không thể đạt tới tiến bộ của phương Tây. Hơn nữa, việc đúc vũ khí là hệ trọng và phải do nhà nước trực tiếp điều hành.
Theo ông Âu Văn Hợp, súng thường được đúc bằng đồng, sau này được đúc bằng sắt và gang. Dưới thời nhà Nguyễn, các xưởng đúc khí giới được điều khiển bởi Sở đốc công thuộc Vũ khố, đặt trực tiếp dưới quyền Bộ Binh. Hầu hết vũ khí đều do Sở đốc công làm ra rồi vận chuyển đến các vị trí quan trọng.
Như loại đại bác cỡ lớn dùng trong trang trí thị uy ở kinh thành được đúc ở Huế với nguyên liệu khá đặc biệt. Tất cả gồm 24 khẩu, qua 3 lần đúc. Năm 1803, vua Gia Long đã ra lệnh, đem các vật dụng bằng đồng của Tây Sơn nấu lại để đúc “cửu vị thần công”.
Sau đó, năm 1821, vua Minh Mệnh cũng cho đúc ngay 3 cỗ đại bác ngay trong công trường Vũ khố ở Kinh thành. Rồi năm Thiệu Trị thứ 7, nhà vua ra lệnh “noi uy đời trước” và chọn chỗ rộng rãi ở đất Dương Xuân làm trường đúc súng. Chưa thấy có tài liệu lịch sử nào chứng minh đất Phúc Sen làm súng thần công.
Vì vậy, 4 khẩu súng thần công ở Hà Giang phải được đúc tại Kinh thành rồi vận chuyển lên thành Hà Giang trong hoặc sau năm 1832.
“Để có căn cứ lịch sử chính xác và khoa học, chúng tôi rất mong muốn các nhà sử học, các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ ràng về bốn khẩu súng thần công này. Tôi cho rằng, bốn khẩu này được trang bị để bảo vệ thành Hà Giang. Bốn khẩu súng thần công cũng là hiện vật di tích duy nhất của thành Hà Giang còn sót lại”. Ông Âu Văn Hợp (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang)
Trần Thế