Bí ẩn tộc người biển từ bản khắc đá 3.200 năm tuổi

Google News

Một nhóm các nhà khảo cổ Thụy Sĩ và Hà Lan đã công bố việc phát hiện thêm một bản sao khắc chữ cổ đại Luwian dài 29m và cũng hé lộ bí ẩn tộc người biển.

Một trong những học giả này là Fred Woudhuizen, một nhà nghiên cứu độc lập, tuyên bố rằng ông đã giải mã được ý nghĩa của dòng chữ dài và phức tạp nói trên. Theo Woudhuizen, bản khắc này kể lại câu chuyện về một hoàng tử có tên Muksus đến từ Troy và các cuộc chiến quân sự của ông, trong đó có đề cập đến liên minh "Hải nhân" (Sea People) đầy bí ẩn. Các bản khắc khác cũng có nhắc đến tộc người biển này.
 Bản khắc về người biển được tìm thấy.
Cũng theo Woudhuizen, bản khắc về tộc người biển còn cho biết Mira, nằm ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ và kiểm soát Troy, được cai trị bởi một vị vua Kupanta-kuruntas. Còn Hoàng tử Trojan, Muksus, đã dẫn đường cho cuộc viễn chinh của Mira, chinh phục được Ashkelon, hiện nay là Israel, và xây dựng một pháo đài ở đó.
Bản khắc còn kể về sự vươn lên giành ngai vàng ở Mira của Vua Kupanta-kuruntas. Sau khi một vị vua Trojan tên là Walmus bị lật đổ, cha của Kupanta-kuruntas, Vua Mashuittas, nắm quyền kiểm soát Troy. Mashuittas nhanh chóng phục hồi ngôi vị cho Vua Walmus để đổi lấy sự trung thành của ông ta với Mira.
Khi Vua cha Mashuittas qua đời, Kupanta-kuruntas trở thành vua của Mira, mặc dù ông không bao giờ là vị vua chính thức của Troy. Nhà lãnh đạo cổ đại này luôn như một người giám hộ của Troy, yêu cầu các nhà cầm quyền tương lai bảo vệ Wilusa (một cái tên cổ đại của Troy) giống như vị vua vĩ đại của Mira đã làm.
Thực ra người ta đã khám phá ra dòng chữ Luwian cổ đại dài 29m từ năm 1878, tức là cách đây 140 năm. Khi đó dân làng ở Beyköy - một thị trấn nhỏ thuộc huyện trung tâm của tỉnh Düzce ở Thổ Nhĩ Kỳ - phát hiện ra một phiến đá lớn và đặc biệt: nó có những hình khắc họa trên đó theo kiểu hình tượng và chữ viết nhưng họ không đọc được, và có lẽ họ cũng không thể hình dung được tầm quan trọng về khảo cổ học của khám phá này nên đã quyết định sử dụng nó làm vật liệu xây dựng một nhà thờ Hồi giáo. Thật may mắn, nhà khảo cổ học người Pháp Georges Perrot đã sao chép cẩn thận bản khắc trước khi các hiện vật bị phá hủy hoàn toàn.
Thế nhưng, nhiều người vẫn hoài nghi về tính xác thực của dòng chữ. Một trong những lý do chính là bản khắc đó không còn tồn tại, nó bị phá hủy vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, các hồ sơ ghi lại, bao gồm một bản sao của nó, đã được tìm thấy trong di sản của nhà khảo cổ học James Mellaart, ông mất năm 2012.
Bản giải mã của nhóm các nhà khảo cổ trên là bản sao chép của Mellaart, mà Mellaart sao chép lại từ một học giả khác tên là Bahadır Alkım, người khám phá ra bản sao chép của nhà khảo cổ người Pháp Georges Perrot. Việc sao chép “tam sao thất bản” như vậy cũng là nguyên nhân để người ta hoài nghi về tính xác thực của những dòng chữ cổ. Thậm chí nhiều người còn cho đó là một trò lừa bịp của Mellaart.
Trong thực tế, Woudhuizen, một nhà địa chất học, là Chủ tịch của Quỹ nghiên cứu Luwian, cho rằng không còn cách nào để chứng minh các bản khắc đó là có thật hay không. Theo ông Woudhuizen, chẳng có lý do gì để Mellaart tạo ra một sự giả mạo phức tạp như vậy, vì ông ấy chưa bao giờ xuất bản bất cứ thứ gì hoặc có lợi nhuận từ vụ việc này.
Theo CAND