Đó là chiếc giếng cổ xưa của
người Tàu để lại, tương truyền còn giấu cả trăm ngàn tấn vàng phía dưới khiến những kẻ truy tìm kho báu không lúc nào rời mắt khỏi giếng thiêng.
Tận mắt thấy giếng Tàu
Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2014, khắp tỉnh Bắc Giang đặc biệt ở huyện Lục Nam ở đâu cũng bàn tán chuyện giếng Tàu hàng ngàn năm tuổi ở xã Vô Tranh. Câu chuyện sẽ chẳng có gì ly kỳ nếu như cái giếng ấy không gắn liền với nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực.
Để tận mắt chứng kiến giếng Tàu, chúng tôi xuôi từ thị trấn Đồi Ngô vượt qua 20 cây số đường đất trơn trượt đang trong thời gian nâng cấp về xã Vô Tranh. Ở địa phương này, người ta gọi giếng Tàu bằng cái tên thuần Việt là giếng Bà Cô hay giếng Chợ.
Chiếc giếng nằm sát đường liên thôn cạnh góc vườn nhà ông Nguyễn Văn Phụng ở thôn Tranh. Ông Phụng thấy chúng tôi đến nhưng vẫn không giấu vẻ nghi ngờ vì trước đó, rất nhiều kẻ mạo danh làm trong ngành này ngành nọ đến để âm thầm dò tìm kho báu phía dưới chiếc giếng.
Ông Phụng dẫn chúng tôi ra mục sở thị giếng Tàu. Chiếc giếng đã được xây bằng bê tông ở phía trên và có một chiếc nắp đậy rất cẩn thận. Khi lật nắp giếng lên đã thấy rõ đáy vì nước rất trong. Theo đo đạc, từ đáy giếng tới mặt nước sâu chưa đầy 2m nhưng lúc nào phía đáy cũng có một mạch nước phun trào rất rõ.
Ông Phụng bảo: "Ở đây ngày trước là một khu chợ rộng lớn, năm 1960 khi thành lập hợp tác xã thì người ta dùng giếng làm nguồn nước tưới tiêu ruộng đồng. Để mở rộng giếng, các bô lão cho người tháo gỗ lim xung quanh thành giếng và thấy rõ những dòng chữ Nho trên đó. Người làng cứ ước lượng giếng hơn một nghìn năm tuổi".
Sau đó trường Đại học Thủy lợi sơ tán lên Vô Tranh, đồng thời mở mang mương máng nội đồng dẫn nước và đã lấp chiếc giếng này đi. Cho mãi đến năm 1990, chiếc giếng mới được khai quật lại và sử dụng cho nước đến ngày nay.
|
Tương truyền đáy giếng chứa rất nhiều vàng. |
Chuyện liêu trai có thật
Xung quanh giếng Tàu có những câu chuyện mang tính liêu trai chí dị nhưng lại có thật mà người xã Vô Tranh ai cũng gật đầu chứng nhận. Đó là chuyện người Tàu đã xây dựng giếng để yểm long mạch.
Cụ Nguyễn Văn Nội (90 tuổi) cho hay, ngay từ khi còn nhỏ các cụ trong làng đã kể, để yểm được bùa ngải ma thuật thì ngày đó thầy phù thủy Trung Quốc đã tìm chọn và bắt trong làng một cô gái trinh nguyên để làm "thần giữ của".
Trước khi yểm bùa, phù thủy đã bắt cô gái đó ngậm một loại sâm khoảng chừng 3 tháng rồi sau đó mới nhấn chìm xuống giếng nước trong. Sau khi cô gái bị nhấn chìm xuống giếng nước thì chưa thể chết ngay mà còn sống được một thời gian bằng khoảng thời gian được ngậm sâm. Tên gọi giếng đình đổi thành giếng chợ Bà Cô cũng không phải bỗng dưng mà có. Nó xuất phát từ việc yểm bùa này.
Chính vì giếng bị yểm bùa nên rất thiêng. Theo cụ Nội, nhiều người ngoài làng không biết nên khi đi đến giếng tự tiện múc nước uống. Kẻ thì chết, người lại điên dại nên người làng Vô Tranh phải làm cái nắp đậy lại để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra.
Một câu chuyện khác và còn là thảm họa của làng là trước những năm chiến tranh. Do xúc phạm đến giếng nên mạch nước dưới đáy phun trào không ngớt khiến nước tràn ra khắp ruộng đồng. Hằng tháng trời như vậy khiến cả một vùng rộng lớn ngập trong nước lũ. Người và gia súc chết không biết bao nhiêu mà kể, đó là cơn "đại hồng thủy" khủng khiếp nhất mà giếng Tàu gây ra cho người địa phương.
Hiện nay, ở làng Tranh có một loại rượu hảo hạng mà người ta lấy nước để nấu từ chính chiếc giếng cổ kỳ quái này. Theo người địa phương, chỉ có nước trong giếng cổ mới có thể cho loại rượu thơm ngon. Nếu lấy nước ở nơi khác để nấu thì rượu sẽ biến chất hoặc mùi vị sẽ kém hơn. Cho nên, giếng Tàu hiện nay không chỉ là nỗi ám ảnh mà còn là kho báu đối với người Vô Tranh.
|
Người thôn Tranh phải làm nắp đậy tránh sự đào bới. |
Giếng giấu bao nhiêu vàng?
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, giếng Tàu còn liên quan đến chuyện giấu kho báu nên thu hút rất nhiều kẻ hám của đến tìm kiếm. Chuyện bắt đầu từ năm 1990 khi ông Phụng khai quật chiếc giếng đã bị lấp. Khi đào sâu xuống dưới thì phát hiện một con chó đá nặng 150kg.
Ông Phụng liền để con chó đá bên vệ đường nhưng một thời gian sau lại bị lấy trộm. Đúng một năm sau thì con chó đá lại xuất hiện ở chỗ cũ nhưng phía dưới đã bị đục khoét để lấy đi vật gì đó phía trong. Một thời gian sau thì con chó đá tiếp tục bị lấy trộm cho đến nay chưa thấy ai trả.
Từ đó, thỉnh thoảng lại có những nhóm người Trung Quốc xuất hiện quanh quẩn bên giếng. Họ đem máy dò vàng rồi đào khoét phía dưới. Dân làng phát hiện ra đuổi thì họ chạy. Cứ như thế năm lần bảy lượt họ đến rồi lại chạy chỉ vì kho báu phía đáy giếng.
|
Ông Trần Văn Mạnh (Chủ tịch UBND xã Vô Tranh). |
Cụ Nội cho hay: "Các cụ ngày xưa kể lại là người Tàu có vơ vét được rất nhiều vàng của Việt Nam nên chôn xuống giếng để giấu. Họ yểm bùa bằng cô gái trinh nguyên để giữ của. Đồng thời, nhét bản đồ kho báu vào trong con chó đá để con cháu sau này biết lối mà tìm".
Có lẽ vì thế, mà từ khi con chó đá bị lấy trộm và đục lấy di vật bên trong nên các nhóm truy tìm kho báu đến giếng quấy rầy. Ông Phụng tiết lộ: "Vì nhà tôi ở gần giếng nên có đêm nghe tiếng động, khi chạy ra thì thấy một nhóm người đang đào bới phía cạnh giếng. Tôi tri hô cho dân làng biết thì nhóm đào bới này chạy hết".
Hôm sau, ông Phụng cùng dân làng thuê 3 máy bơm công suất lớn để bơm nước hòng tìm kiếm xem có gì hay không. Ba chiếc máy bơm liên tục 1 tuần lễ nhưng nước trong giếng không cạn chút nào. Càng bơm, mạch ngầm dưới đáy càng phun trào dữ dội hơn.
Thấy lạ, ông Phụng cùng các cao niên bàn bạc với chính quyền địa phương cho xây dựng lại giếng bằng cách đổ bê tông, kè đá 4 xung quanh hòng ngăn chặn sự đào bới của người Trung Quốc.
Câu chuyện giếng giấu vàng cho đến nay còn là bí mật dài. Và câu hỏi bao nhiêu tấn vàng được giấu dưới đáy giếng vẫn là một bí ẩn không lời giải đáp.
"Rất nhiều chuyện mang tính tâm linh xảy ra xung quanh chiếc giếng cổ thôn Tranh mà theo tôi chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Việc máy dò vàng phát ra tín hiệu là có thật nhưng có lẽ, do tục lấy nước đầu năm phải vứt xuống vài đồng xu nên thấy kim loại, máy phát ra tín hiệu là có lý. Chứ việc giấu kho báu phía dưới đến nay chỉ do tin đồn từ xưa truyền lại chứ không có gì chứng thực".
Ông Trần Văn Mạnh (Chủ tịch UBND xã Vô Tranh)
Trần Hoà