Bí ẩn không lời giải về thành phố giữa rừng hoang

Google News

Mặc dù không ít nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, nhưng thành phố cổ Gedi vẫn còn là một dấu hỏi vẹn nguyên.

Sâu bên trong khu vực rừng rậm Arabuko Sokoke trên bờ biển phía Bắc Kenya, ẩn chứa một trong những kho báu bí ẩn nhất của ngành khảo cổ học châu Phi. Đó chính là thành phố cổ Gedi huyền thoại cùng với những câu chuyện chưa bao giờ được giải thích của nó.
Ngay từ khi mới được phát hiện, Gedi đã là một câu đố hóc búa gây ra nhiều tranh cãi cho các nhà sử học. Cho đến tận ngày nay, mặc dù không ít cuộc khảo sát quy mô đã được tiến hành, song vẫn không ai dám chắc điều gì đã xảy ra với Gedi và cư dân của nó.
 Cổng vào còn khá nguyên vẹn của một tòa lâu đài tại Gedi. 
Người ta chỉ biết nơi đây từng là một thành phố đông đúc, phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa và chính trị của người Swahili. Dân số của thành Gedi ước chừng 2500 người. Thành phố được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 và đạt tới sự cường thịnh trong vòng 2-3 trăm năm sau đó.
Bằng chứng về sự phát triển của thành phố Gedi cho đến ngày nay vẫn còn giữ lại được khá nhiều. Đó là dấu tích của rất nhiều ngôi nhà, lâu đài, nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ hay thậm chí là cả các nghĩa trang.
Tất cả trải rộng trên một diện tích chừng 45 mẫu Anh (khoảng 18 cây số vuông), một quy mô không hề nhỏ đối với các thành phố ở châu Phi thời Trung Cổ.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là Gedi lại không hề được đề cập đến trong bất cứ một ghi chép lịch sử nào của địa phương, thậm chí nó còn chẳng bao giờ xuất hiện trong các câu chuyện dân gian vốn là phương tiện “chép sử” phổ thông và rất phổ biến nơi đây.
Sau gần 4 thế kỷ bị bỏ hoang, khu rừng rậm bao quanh đang “gặm nhấm” dần cả một tòa thành từng hưng thịnh.  
Ngay cả những người Bồ Đào Nha đã có mặt tại khu vực Malindi gần đó từ rất sớm, dường như cũng chưa bao giờ tiếp xúc hay có lẽ là cũng chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của một thành phố Gedi hưng thịnh.
Chẳng lẽ cư dân Gedi sinh sống biệt lập và không bao giờ giao tiếp với các cộng đồng lân cận trong vùng?
Một điều khó hiểu nữa là thành phố Gedi mang dáng vẻ của một nơi giao thương buôn bán, với sự xuất hiện của những con đường lớn cùng nhiều kho hàng, cửa hiệu… Thế nhưng vị trí của nó lại dường như không phù hợp: nơi đây cách xa biển và thậm chí còn ẩn khuất trong rừng rậm.
 Những khu nhà với đường sá khang trang cùng một giếng nước.

Bức tường còn sót lại của một nhà thờ Hồi giáo tại khu vực thành cổ Gedi. 
Tuy nhiên bí ẩn lớn nhất của thành phố cổ này chính là lý do vì sao toàn bộ cư dân của nó lại đột ngột bỏ đi? Các nhà nghiên cứu xác định được rằng việc di dân diễn ra vào khoảng thế kỷ 17, nhưng nguyên nhân thì hoàn toàn mù tịt.
Không có bất cứ dấu hiệu nào của chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai… những tác nhân thường gặp với một cuộc di cư đồng loạt. Toàn bộ cư dân Gedi đã vội vàng tháo chạy, bỏ lại thành phố to đẹp của họ cho thời gian và rêu phong tàn phá.
Chính điều này càng làm cho Gedi tăng thêm phần bí ẩn. Người dân địa phương cũng chỉ biết về Gedi một cách rất mơ hồ, họ cho rằng nó là thành phố ma đáng sợ, nơi cư trú của những linh hồn độc ác.
Dấu tích của một nghĩa trang tại Gedi.
Thành cổ Gedi được giới khoa học phương Tây lần đầu tiên biết đến vào năm 1948 và nhanh chóng gây được sự chú ý của nhiều nhà sử học. Rồi cũng chính vì những bí ẩn chưa có lời giải đáp của mình mà Gedi trở thành một địa điểm khám phá ưa thích của du khách thập phương.
Ngày nay Gedi là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Kenya. Du khách viếng thăm nơi đây có thể khám phá những tàn tích của tòa thành để hình dung về một quá khứ bí ẩn xa xưa. Hay đơn giản hơn là đắm mình vào một không gian hoang sơ, tươi đẹp.
Theo VTC