Ngôi chùa này, được xem là nơi thờ vọng cụ Lê Trung Nghĩa, nên nhiều người hay gọi là chùa hoạn quan. Tương truyền, ngôi chùa được xây dựng trên thế đất có chứa nhiều
vàng bạc. Trước ngôi chùa, có treo chiếc chuông đồng quý giá, kẻ xấu tìm đủ mọi cách nhưng không tài nào lấy được.
Ngôi chùa xây dựng trên kho báu?
Cụ Thìn cho hay, trước khi vua Khải Định truyền thánh chỉ cho dân làng xây dựng khu lăng mộ cho cụ Lê Trung Nghĩa, thì từ thế kỷ XVI vua nhà Lê đã cho người xây dựng chùa Hinh Sơn là nơi thờ vọng cụ Nghĩa. Để xây dựng chùa, những thầy địa lý nơi đây phải chọn những nơi có địa thế phong thủy phù hợp.
Sau rất nhiều thời gian lựa chọn, cuối cùng nhóm thầy phong thủy thống nhất xây dựng ngôi chùa này ở phía Đông núi An Hoạch (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa). Nhưng có tư liệu nói rằng, đây là ngôi đền Thượng, được xây dựng khi Quận công Lê Trung Nghĩa, làm quan Tổng trấn Thanh Hóa. Trong đền có rất nhiều pho tượng được các thợ đá nơi đây khắc chân dung cụ trên núi để sau này đời đời mọi người còn nhớ đến cụ.
Nhiều người dân nơi đây còn tương truyền các câu chuyện huyền bí liên quan đến ngôi chùa này. "Trước đây, không biết người dân lấy thông tin ở đâu bảo rằng xưa kia các thầy phong thủy tư vấn cho Quận công Lê Trung Nghĩa xây dựng ngôi chùa ở thế đất này, không chỉ vì có địa thế đẹp mà nơi đây có một kho báu xưa kia của người Tàu để lại. Có người thì nói cụ Nghĩa làm chùa để chôn giấu của nả trong đó. Thông tin đó tới tai nhiều người, có nhóm người đã tìm về dò tìm một thời gian, nhưng không thấy họ mới bỏ đi", cụ Thìn kể.
Theo quan sát của chúng tôi chùa có kiến trúc gồm tiền đường, trung đường và hậu cung. Ngay tiền đường có đặt tấm bia "Hinh Sơn cổ tự bi" dựng vào mùa xuân năm đầu vua Kiến Phúc (1884) ghi về việc tu tạo chùa. Ở hậu cung là tượng Khổng Minh được khắc vào vách hang, cao gần 2m. Các pho tượng khác cũng được tạc vào thành vách của hang, các đồ thờ đều được khắc bằng đá rất tinh xảo.
|
Chùa Hinh Sơn nằm trong lòng núi An Hoạch. |
Chuông treo 500 năm trên vách núi
Cụ Thìn bảo, ngôi chùa này chứa đựng rất nhiều điều ly kỳ. Người dân nơi đây chưa thể lý giải việc xưa kia bằng cách nào mà các thợ đá nơi đây có thể đẽo núi, xẻ đá xây dựng ngôi chùa trong lòng núi. Nhiều bức phù điêu, khắc bằng chữ Hán được nằm cheo leo trên lưng chừng núi khiến người dân không khỏi tò mò. Những bức hình đó trải qua mấy thế kỷ qua, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Theo cụ Thìn, cụ đã tìm nhiều nguồn tư liệu, hỏi nhiều cụ cao niên trong làng, nhưng đều không lý giải được chiếc chuông treo chiếc cửa chùa có từ bao giờ, bằng cách nào mà người xưa treo được chuông. Cụ Thìn chỉ nhận được câu trả lời của các cụ cao niên rằng, nó có từ lâu đời, khi ngôi chùa Hinh Sơn ra đời, thì chiếc chuông cũng được treo trên núi. "Chiếc chuông này ước lượng khoảng 1 tạ, được treo trên sườn núi.
|
Người dân nơi đây chưa thể giải thích vì sao người xưa có thể treo chiếc chuông trên vách núi. |
Đa số đều thắc mắc rằng, tại sao thời đó, con người có thể gắn một chiếc chuông trên sườn núi cheo leo như vậy. Bởi từ dưới cầu thang ngôi chùa lên đến chiếc chuông ước tính vài trăm mét. Làm cách nào người xưa có thể đứng để treo chuông được. Còn nếu trèo lên đỉnh núi An Hoạch, đứng trên núi để gắn chuông thì cũng khó làm được. Vì vách núi hiểm trở, không có chỗ tựa để người có thể đứng được, chưa nói là đứng để gắn chiếc chuông nặng cả tạ trên sườn núi. Để giải mã những thắc mắc đó, có người mời cả các nhà sử học lẫn kiến trúc xây dựng về giải thích, nhưng cuối cùng họ cũng không thể lý giải xác đáng. Điều đó, vẫn là điều bí ẩn đối với người dân chúng tôi", cụ Thìn kể.
Theo người dân kể lại, trước đây có nhóm người ở xa đến không biết nghe ai nói, bảo rằng chiếc chuông đó làm bằng đồng đen thời Lý, nếu lấy được sẽ bán với giá cao. Thế nên, trong đêm khuya bọn họ mang theo rất nhiều dụng cụ để lên núi lấy chuông. Dùng thang không được, bọn chúng bắc thêm giàn giáo tự chế để đứng lấy chuông. Có người trong nhóm dùng dây bảo hiểm buộc vào người để trèo lên, nhưng vừa chạm tới chuông thì trượt tay ngã xuống đất, hãi quá nhóm người bỏ đồ đạc mang đồng bọn đi cấp cứu. Từ sau vụ việc đó, nhiều kẻ trước đây có mưu đồ trộm chuông đã bỏ hẳn ý định đó.
|
Ông Thìn cho hay, xung quanh chùa có nhiều ấn tín được khắc trên vách núi. |
56 tuổi mới được lên chùa
Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường An Hoạch cho hay, ông đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi đâu có ngôi chùa kiến trúc độc đáo như quê mình. "Ngôi chùa được bao bọc bởi dãy núi An Hoạch, chùa nằm trong hốc núi đá. Từ dưới chân núi lên chùa là 56 bậc cầu thang được làm bằng đá.
Trước đây, ngôi chùa này là nơi rất tôn nghiêm, người trong dòng tộc cụ Nghĩa mới được vào chùa thắp hương cầu nguyện. Nếu không phải dòng tộc, người đó phải được công nhận tuổi lão mới được vào chùa, tức phải tuổi 56 trở lên. Đây là quy định bắt buộc đối với mọi người. Chiếc chuông trước chùa, dùng trong dịp đặc biệt nhất trong năm. Khi đánh chuông vang đi rất xa, người dân dưới Sầm Sơn còn nghe thấy", ông Lợi kể.
Ông Lợi cho hay, từ trước đến giờ, ông tìm hiểu các tư liệu nói về ngôi chùa này, nhưng cũng chỉ được các cụ truyền lại, không có sự lý giải rõ ràng. Ông chỉ biết rằng, nó có từ thế kỷ XVI được xây dựng từ thời vua Lê. Những câu đối khắc trên núi, thể hiện quyền uy của Quận công Lê Trung Nghĩa. Nhưng ông cũng không thể giải thích tại sao người xưa có thể khắc chữ trên những tảng đá đó. Chiếc chuông đồng, gắn trên vách núi chính là đỉnh cao của sự tài trí hơn người của người xưa.
Cụ Thìn và người dân nơi đây, rất mong các nhà khoa học vào cuộc, để lý giải về những chữ Hán cổ khắc trên núi, cũng như lý giải vì sao người xưa có thể khắc được trên những tảng đá đó.
Cụ Thìn cho biết, thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ngôi chùa là kho chứa quân lương cho lực lượng quân đội địa phương. Biết được điều đó, quân Mỹ thả nhiều bom đạn xuống để phá hoại. Nhưng lạ kỳ thay, đạn bom của kẻ thù chỉ làm hư hỏng một ít mái chùa. Còn những pho tượng và vật dụng trong chùa vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều người bảo, chính sự linh thiêng của ngôi chùa khiến cho kẻ thù không thực hiện được ý đồ xấu.
Trước khi cụ Thìn đưa chúng tôi lên thăm chùa Hinh Sơn, cụ muốn giãi bày tâm sự của mình rằng, các con cháu của cụ Lê Trung Nghĩa chỉ hưởng tiếng tăm của cụ để lại. Những năm cải cách ruộng đất nhiều con cháu cụ Nghĩa bị chính quyền đưa vào giới địa chủ. Họ tịch thu hết tài sản, ruộng đất, nhà thờ họ cũng bị tịch thu và chia cho dân ở. Nhiều gia đình trong gia tộc phải ly tán đi nơi khác sinh sống.
Quần thể khu di tích lăng mộ, chùa Hinh Sơn thờ cụ Lê Trung Nghĩa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1993. Đây được đánh giá là công trình nghệ thuật điêu khắc bằng đá mang tính thẩm mỹ cao.
Ông Nguyễn Đình Lợi (Phó Chủ tịch UBND phường An Hoạch, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa)
Đức Lợi