Bạch công tử và cô đào Phùng Há

Google News

Gần cùng thời với gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho còn có gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử cũng đình đám ngang nhau.

Bạch công tử cũng cất một rạp hát cho riêng mình ngay bên cạnh nhà ông ở tại P.3, TP Mỹ Tho bây giờ.
Sở dĩ gánh hát Huỳnh Kỳ gây tiếng vang là vì có dàn diễn viên hùng hậu, đi lưu diễn khắp nơi bằng thuyền máy chứ không phải thuyền chèo như các gánh hát khác. Ngoài ra, gánh hát này còn thu hút mọi người bởi sự hiện diện của cặp vợ chồng rất nổi tiếng thời bấy giờ: Bạch công tử và cô đào Phùng Há.
Công tử nhà giàu mê cải lương
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước (sinh năm 1897), là con ông đốc phủ Lê Công Sũng ở Mỹ Tho. Nhà giàu nên Phước được cho đi du học tại Pháp bảy năm và nhập quốc tịch Pháp, lấy tên là Phước George. Thời ấy ở miền Tây có hai công tử giàu có, nức tiếng ăn chơi là công tử Bạc Liêu (Hắc công tử) và công tử Mỹ Tho chính là Phước George (Bạch công tử).
 Nghệ sĩ Phùng Há trong vở Tô Ánh Nguyệt, năm 1958. Ảnh tư liệu.
Ông Vương Hồng Sển kể trong hồi ký của mình thế này: một năm nọ ở chợ Sóc Trăng xảy ra cuộc đụng độ giữa hai công tử, một người đen là Hắc công tử ở Bạc Liêu, một người là Bạch công tử ở Mỹ Tho nổi tiếng đào hoa, ăn chơi hào phóng. Khi buổi hát đã về khuya, Hắc công tử lấy ví thuốc ra hút. Loay hoay thế nào mà tờ giấy con công 5 đồng bạc lúc ấy từ trong túi rơi xuống đất nên phải sờ soạng, mò mẫm dưới đất tìm như lão thợ may đánh mất kim. Bạch công tử thấy mắc cỡ giùm nên hỏi:
- Toa (Toi - tiếng Pháp có nghĩa là anh, mày...) làm gì kỳ cục vậy?
- Moa (Moi - tiếng Pháp có nghĩa là tôi, tao...) kiếm tờ giấy con công. Đ.M. mới rớt xuống đây là mất tiêu như có ma giấu.
- Nè, để moa cho mượn cây đuốc.
Nói rồi Bạch công tử lấy tờ giấy Vingt (20 đồng bạc) đốt lên soi sáng cho Hắc công tử tìm tờ 5 đồng bạc.
Sau khi thầy Năm Tú mở gánh hát cải lương, vùng đất Mỹ Tho cũng rộ lên phong trào lập gánh hát. Bạch công tử cũng rất mê cải lương và quen nhiều đào, kép ở xứ này nên cùng với ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương năm 1926. Thế nhưng chỉ khoảng một năm thì Bạch công tử tách ra thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và cưới cô đào nổi danh lúc bấy giờ là Phùng Há làm vợ (bà Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 và mất năm 2009). Sau đó Bạch công tử đầu tư tiền của xây dựng rạp hát Huỳnh Kỳ vào năm 1928 và sắm bốn chiếc thuyền lớn chạy bằng máy được trang bị đầy đủ để đi lưu diễn khắp nơi. Gánh hát Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch công tử-Phùng Há nổi danh không thua gì gánh hát Thầy Năm Tú lúc bấy giờ vì quy tụ lực lượng đào, kép đình đám như Phùng Há, Ba Vân, Tám Du, Năm Phỉ...
GS-TS Trần Văn Khê cho biết thêm thời ấy chỉ có duy nhất gánh hát Huỳnh Kỳ đi lưu diễn bằng ghe máy, dùng cờ vàng làm hiệu. Chiếc đi đầu dành riêng cho chủ gánh có lầu, giống như một du thuyền hay dinh thự trên bờ với nhiều phòng đầy đủ tiện nghi như: phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí. Ba chiếc sau dành riêng cho đào-kép hát và chở đạo cụ. Để tạo khí thế, mỗi lần thuyền rời bến Bạch công tử cho đốt pháo vang dội rồi cả ba chiếc ghe hụ còi inh ỏi. Bạch công tử bắn chỉ thiên một phát súng lục, ra lệnh khởi hành. Khi đến nơi diễn thì Bạch công tử cho kéo cờ lên, bắn ba phát súng, đào kép cùng ca bài Đoàn ca viết về đoàn Huỳnh Kỳ. Gánh hát này đi đến đâu gây tiếng vang đến đó, khán giả tới xem rất đông. Bạch công tử còn thuê võ sĩ quyền anh người Philippines theo bảo vệ đoàn cùng với các thân hữu là võ sĩ người Việt.
Hết tiền thì bán đất để hát tiếp
Một trong số ít người còn sống hiện nay biết khá rõ về cuộc đời của bà Phùng Há chính là người cháu gọi bà bằng ngoại-bà Nguyễn Thị Bích Hoa (52 tuổi, thường gọi là Thủy) đang sống ở chùa Nghệ sĩ tại Gò Vấp, TP.HCM. Bà Hoa kể rằng từ nhỏ bà đã theo phụ giúp bà Phùng Há nên biết và được nghe kể lại nhiều chuyện từ rất xưa. Bà Hoa cũng là người ghi chép lý lịch và các sự kiện liên quan đến bà Phùng Há khi bà còn sống.
 Nghệ sĩ Phùng Há chuẩn bị ra sân khấu. Ảnh tư liệu.
Bà Hoa kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chi tiết về gánh hát Huỳnh Kỳ và mối tình ngắn ngủi của Bạch công tử - Phùng Há. Tài sản mà bà Hoa cất rất kỹ và nâng niu như báu vật mấy chục năm nay chính là album hình thời trẻ của ngoại Phùng Há. Chỉ tay vào bức ảnh cô gái trẻ đẹp mặc áo dài có ghi chú “Phùng Há 17 tuổi - gánh Huỳnh Kỳ”, bà Hoa nói rằng bà Phùng Há làm vợ Bạch công tử khi chỉ mới 16-17 tuổi. Trước đó, năm 15-16 tuổi bà Phùng Há đã làm vợ của nghệ sĩ Tư Chơi nhưng chia tay sau đó không lâu.
Tuy nhiên mối lương duyên Bạch công tử-Phùng Há chỉ kéo dài được bảy năm. Hai người sinh hai con nhưng cả hai đều chết khi chỉ được vài tháng tuổi. “Ngoại kể lại là khi sống với Bạch công tử bà rất hạnh phúc, được xem như bà hoàng lúc bấy giờ. Có điều Bạch công tử nổi tiếng đào hoa, ăn chơi xả láng nên nhiều lúc ngoại cũng buồn. Ngoại là người rất mê hát, được Bạch công tử bỏ tiền lập gánh hát rồi đi diễn khắp nơi nên dù buồn ngoại cũng không phiền hà chồng bởi bà quan niệm về hạnh phúc rất giản đơn là được hát cải lương phục vụ khán giả là vui rồi” - bà Hoa kể.
Vở cải lương ra mắt của gánh hát Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình do thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh dựng. Trong vở này, Phùng Há đóng vai Bạch Thu Hà, Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ. Ngoài ra, gánh hát Huỳnh Kỳ còn diễn nhiều vở gây tiếng vang là: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Người đàn bà không tên, Kim Tinh nương xuất thế, Tình chung tình...
Ghe hát của đoàn Huỳnh Kỳ đi các tỉnh miền Tây thường chọn các sân đình lớn để dựng sân khấu, bán vé, biểu diễn. Mỗi nơi như vậy gánh hát thường ở lại hát liên tục 7-10 ngày vì mỗi lần dựng và tháo dỡ sân khấu rất cực nhọc. Phùng Há chỉ mê ca hát, không quan tâm chuyện làm ăn của gánh hát Huỳnh Kỳ. Bạch công tử cũng không quan tâm mà giao cho người quản lý. Nhiều lúc bán vé ế, gánh hát khó khăn thì Bạch công tử về Mỹ Tho bán đất. Cách bán đất của Bạch công tử cũng không giống ai vì bán lần một “mớ” chứ không đo đạc gì hết. Nếu người mua đất than thở thiệt thòi thì Bạch công tử cho thêm một “mớ” nữa như bán rau ở chợ vậy.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Lê Ái Siêm, Bạch công tử luôn mang theo một đội bóng để thi đấu giao lưu với địa phương nơi gánh hát Huỳnh Kỳ tới. Ban ngày đội Huỳnh Kỳ đấu với đội bóng địa phương. Dù thắng hay thua Bạch công tử cũng chiêu đãi tiệc và mời xem hát cải lương buổi tối. Vì vậy buổi diễn nào cũng rất đông người xem. Một bằng chứng khác cho thấy gánh hát Huỳnh Kỳ có khán giả rất đông là hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu của nghệ sĩ Bảy Nhiêu. Trong hồi ký này ghi: “Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hoa, lúc sinh thời bà Phùng Há hay nhắc nhiều đến Bạch công tử dù hai người chia tay nhau từ lâu. Bà bảo thời ấy người ta còn gọi Bạch công tử là “công tử Uy” (oui, tiếng Pháp có nghĩa là đồng ý). “Bạn bè đến nhà chơi, thấy bộ salon đẹp nên ngỏ ý xin, Bạch công tử lập tức nói: “Uy, toa cứ lấy về xài đi!”. Rồi bất cứ thứ gì trong nhà, thậm chí đang mang trên người mà bạn bè xin ông cũng trả lời ngay “Uy”. Cũng vì xem trọng bạn bè, ăn chơi xả láng, phóng khoáng như vậy nên chẳng mấy chốc tài sản, của cải của Bạch công tử “đội nón ra đi” hết và trở thành người trắng tay. Khoảng năm 1930, hầu hết gánh hát cải lương ở VN rơi vào khó khăn. Gánh hát Huỳnh Kỳ của đại công tử Bạch công tử cũng không ngoại lệ.
Đến năm 1935 Bạch công tử cho phục hồi gánh hát Huỳnh Kỳ nhưng không còn gây tiếng vang nữa. Một thời gian ngắn sau gánh hát này tan rã và mối tình trai tài gái sắc Bạch công tử - Phùng Há cũng kết thúc. Sau khi chia tay Phùng Há, Bạch công tử tiếp tục ăn chơi đến mức phải sống nhờ bạn bè. Ông được Nguyễn Hoàng Phi (con trai Huyện Chung) ở Chợ Gạo, Tiền Giang đưa về cưu mang, chăm sóc. Khoảng năm 1950 Bạch công tử qua đời. Còn Phùng Há sau khi chia tay Bạch công tử đã được gánh hát Trần Đắc của ông Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ mời về làm đào cho gánh hát này.
Theo Tuổi Trẻ