Kho báu khổng lồ của vua Chăm
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi vốn là lãnh thổ của đế chế Chăm Pa ngày xưa, giờ đây vẫn còn lưu truyền những lời đồn đại về kho báu khổng lồ được chôn giấu trong lòng đất của các bậc vua chúa Chăm.
Dân gian đã thêu dệt nên những huyền thoại kì bí về kho báu này, như việc nó gồm những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng vàng, bạc, ngọc ngà... được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để làm thần giữ của.
Theo những biến thiên lịch sử, những báu vật ấy đã bị mất mát rất nhiều. Nhưng rất có thể một phần của nó vẫn còn nằm trong lòng đất. Điều này được minh chứng bằng việc đôi khi lại rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng... tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó.
|
Vương quốc Chăm Pa từng trải qua nhiều thế kỷ phát triển rực rỡ.
|
Quay ngược lại lịch sử, hơn 170 năm trước, các bảo vật Chăm vẫn do các thế hệ con cháu vua Chăm giữ. Số phận lưu lạc của chúng bắt đầu năm 1831, khi Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn, chiếm 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.
Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp con cháu vua Chăm vì tội hợp tác với quân nổi loạn. Một bộ phận người Chăm phải di cư sang Campuchia lánh nạn, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Churu và Raglai. Đến đời Vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dù vậy con cháu của vua Chăm không mang báu vật cha ông xuống núi mà gửi lại cho những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn.
Số báu vật này lúc đầu rất nhiều, nhưng do chiến tranh, loạn lạc, cướp bóc mà không còn lưu giữ được bao nhiêu bảo vật. Tấn bi kịch của kho báu này đã xảy ra cuối thập niên 1970, khi 3 ngôi đền Sóp, Krayo và Sópmadronhay do người Churu xây dựng để thờ các vua chúa Chăm và lưu giữ kho báu đã bị máy bay Mỹ ném sập và các toán quân Mỹ tràn vào chiếm đóng.
Đến nay người Raglai vẫn cất công lưu giữ các báu vật còn lại mà vua chúa Chăm ngày trước gửi lại, và người Chăm cũng không có ý định thu hồi là vì giữa hai tộc người có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh với em.
Kho báu của người Tàu ở Hoài Đức, Hà Nội
Theo giai thoại được truyền từ đời trước của người dân xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, Hà Nội), khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh thua chạy về nước, tướng giặc không thể đem theo số vàng bạc khổng lồ vơ vét được về nước nên đã nghĩ ra cách chôn và trấn yểm tại núi Vân Côn và chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của.
Kể từ đó, không ít người tìm cách xâm nhập kho báu này, nhưng thuật trấn yểm của người Tàu quá cao tay, không những không đạt được mục đích mà những kẻ săn lùng kho báu còn liên tiếp gặp chuyện bất hạnh, khuynh gia bại sản.
Một giai thoại khác thì cho rằng, 700 năm trước người Tàu đã qua đây làm ăn, buôn bán rồi trở nên giàu có. Sau đó, người ở quê nhà có việc lớn, họ buộc phải để lại cơ nghiệp và một đống châu báu để về nước. Không đành lòng để mất của cải, những người Tàu này đã chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành kéo dài vào núi Vân Côn để chôn giấu của cải. Để bảo vệ kho báu, họ bắt một thiếu nữ đem chôn sống để trấn yểm.
Những lời đồn đại về kho báu ở núi Vân Côn khiến không biết bao người dân đã bỏ công sức, tiền bạc mong một ngày khám phá ra kho báu ở nơi đây. Trong số đó có ông Nguyễn Tài Hận, một người giàu có ở địa phương.
Ông Hận đã bỏ tiền của thuê hàng chục trai tráng trong làng làm nhân công khai quật kho báu và mua các các loại máy móc hạng nặng như máy xúc, máy khoan. Bản thân ông luôn hăng hái dẫn đầu nhóm người tìm kho báu luồn sâu vào trong hang núi. Dù vậy, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm không có kết quả, họ đã phải chấp nhận bỏ cuộc.
Từ ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “hồn ma trinh nữ”, mà chuyện làm ăn của ông Hận liên tiếp gặp vận rủi. Từ một người giàu có nhất làng, ông gần như phá sản.
Kho báu Ioshida ở Vũng Tàu
Năm 1971, nhà săn lùng kho báu Trần Văn Tiệp tình cờ quen một trung úy thông ngôn cho quân đội Nhật tại Việt Nam trước 1945 là ông Năm Thuận. Theo ông Thuận, tại Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu có một kho báu khá lớn do đại tá Ioshida, thuộc cấp của tướng Yamashita, chỉ huy chôn giấu.
Hai năm sau, khi khánh thành ngôi chùa trên Núi Lớn ở Vũng Tàu, ông Tiệp thấy khoảng 50 người Nhật, trong đó có một nhà sư tên Ioshida xuất hiện. Sau khi tham gia lễ khánh thành chùa, những người Nhật này đến một nhà nguyện của Giáo hội Tin Lành ở số 60 Bình Giã, phường 8, TP Vũng Tàu ở gần đó đo đạc, quay phim và ghi chép.
Tìm hiểu thêm ông Tiệp biết ngôi nhà nguyện xây vào năm 1971 và khi san ủi mặt bằng đã bật lên một nắp hầm bê tông lớn. Sau đó mục sư cai quản cho lấp lại và xây dựng ngôi nhà nguyện lên trên.
Đặc biệt, trong thời gian bám đuổi kho báu này, ông Tiệp còn được một người giấu tên đưa cho một cuốn kinh thánh mà chỉ cần nhúng nó vào nước thì toàn bộ sơ đồ chỉ những vị trí của kho báu trong khuôn viên nhà nguyện Bình Giã sẽ hiện lên. Vì chưa đủ điều kiện nên ông Tiệp xếp mật đồ vào vali chờ cơ hội.
Tháng 12/1989, ông Tiệp có đơn xin thăm dò, khai thác tài sản nghi chôn giấu dưới nhà nguyện Bình Giã. Sau khi ông Tiệp làm cam kết, Hội thánh Tin Lành không phản đối và tháng 2/1990, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép ông Tiệp khảo sát, tìm kiếm kho báu.
Ròng rã gần bốn năm tìm kiếm, “kho báu” Bình Giã vẫn không được khai mở. Do việc truy tìm kho báu ngay trong khuôn viên nhà nguyện gây nhiều phiền phức cho các giáo dân, năm 1994 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định đình chỉ việc tìm kiếm.
H.P (tổng hợp)