Tôi đọc một bài viết trên mạng, có một bà mẹ viết cho mẹ chồng của con gái mình, đại ý: “Nếu bà không thương con dâu, thì sau này đừng mong nó chăm mình khi tuổi cao, sức yếu. Vì con dâu không có nghĩa vụ yêu thương, lo lắng cho người đối xử tệ với mình, nhất là khi giữa nó với bà không có quan hệ ruột rà, máu mủ”.
Thực ra, không chỉ mẹ chồng - nàng dâu mới cần kiểu tình cảm “có qua có lại”, mối quan hệ giữa các thành viên ruột thịt trong gia đình cũng thế. Ở xóm tôi có nhà nọ, người cha bán hết đất đai cha mẹ để lại, nhưng chẳng chia cho con cái đồng nào. Số tiền bán đất ông ăn nhậu xả láng. Chưa hết, ông còn đem tiền nuôi nhân tình, mua nhà riêng để ở với cô ta, rồi bỏ nhà đi biệt chẳng đoái hoài gì đến vợ con.
|
Ảnh minh họa. |
Ở tuổi thất thập, ông về nhà với đôi tay trắng và bệnh tật, vợ hờ đã cao chạy xa bay cùng ngôi nhà của ông tự bao giờ. Vợ ông thương tình cưu mang, nhưng con cái ông không chấp nhận vì ông đã bỏ rơi mẹ con họ trong lúc nghèo khổ, lại còn bạc đãi khiến mẹ họ bao phen lên bờ xuống ruộng, sống dở chết dở. Con cái, dâu rể khá đông nhưng chẳng ai đưa ông về chăm. Ông nằm viện, các con thỉnh thoảng vào thăm, thuê người nuôi phụ với mẹ.
Người không biết chuyện thì trách con cái nhà họ vô tâm, không biết phụng dưỡng cha già. Người hiểu chuyện lại thấy họ chung tay đóng góp tiền bạc lo thuốc men cho cha đã là tốt rồi. Ông đối xử với vợ con như thế sao dám mong con mình báo hiếu. Nhìn ông cứ lặng lẽ buồn buồn, ra vô lủi thủi một mình chẳng trò chuyện với ai, lúc cuối đời hẳn ông cũng nhận ra bài học: gieo nhân gì, thì gặt quả nấy.
Tôi có người bà con xa gọi bằng dì. Dì sống độc thân, nhưng lần nào đến nhà cũng thấy có cơm canh chuẩn bị sẵn, nhà cửa tươm tất mà dì chẳng phải làm lụng gì. Cô con gái đỡ đầu của dì ở gần đó, ngày hai bữa đem cơm nước qua cho dì, dù dì bảo cứ để dì tự lo. Người ngoài khen khi thấy cô gái tới lui dọn dẹp nhà cửa, lo cho dì hơn cả cách nhiều người lo cho cha mẹ ruột. Nhưng tôi biết, dì lo cho cô ấy đủ thứ, từ việc bảo bọc cô (cô mồ côi từ nhỏ), cho cô số vốn để buôn bán, đến việc chỉ dẫn cô cách chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Thế nên, việc cô gái ấy tận tụy thương yêu, chăm sóc dì như mẹ ruột cũng dễ hiểu.
Một người quen của tôi ở nước ngoài kể một câu chuyện, nghe xong thấy nghẹn đắng. Cô bé ở trọ nhà bạn sau bốn năm du học đã quyết định ở lại nước sở tại để kết hôn và làm việc. Điều này có lẽ đúng ý nguyện của cha mẹ, nhưng trong thâm tâm cô gái ấy, việc này lại mang lý do sâu xa khác. Bạn kể, suốt mấy năm cô bé ở trọ, chẳng hề thấy cha mẹ cô sang thăm con, nhà cũng không có điều kiện cho cô bé về thăm nhà.
Cách họ phớt lờ cảm xúc của đứa con gái mới lớn lần đầu xa gia đình thực sự là một điều quá tàn nhẫn với cô. Cô không cảm nhận được tình cảm yêu thương của cha mẹ dành cho mình, nên dù không dám oán trách, việc cô không muốn về nữa cho thấy hậu quả từ cách cha mẹ cô đối xử với con cái, khiến chúng không cảm thấy quyến luyến, nhớ thương, mong muốn gần gũi cha mẹ nữa.
Thỉnh thoảng, tôi lại thấy có người “dọn dẹp” danh sách bạn bè trên facebook để lọc bỏ những tài khoản ít tương tác. Cuộc sống thực bên ngoài thế giới mạng ảo cũng vậy, những mối quan hệ hoặc tình cảm “một chiều” ít khi dẫn đến những cái kết có hậu. Nhiều người bảo, yêu thương phải “có qua có lại” thì mới tồn tại và bền vững.
Nghe sòng phẳng, phũ phàng, nhưng thực tế là vậy. Cảm xúc con người là thứ vô cùng phức tạp và nhạy cảm, ít ai trao đi mà không mong được nhận về. Thế nên, không chỉ trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái, giữa mẹ chồng với nàng dâu, hay bất kỳ mối quan hệ nào khác trong cuộc sống này, nếu tình cảm thiếu tính tương tác “hai chiều”, thì kết cục buồn sẽ là điều tất yếu.
Theo Đỗ Thu Vân/Phunuonline