Xương hầm là món được rất nhiều người Việt yêu thích. Nhiều người còn hay hầm xương để nấu cho con ăn vì món này mang lại giá trị dinh dưỡng cao.
Nước hầm xương có chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Xương động vật chứa nhiều axit amin khác nhau, collagen và gelatin. Đây cũng là nguồn cung cấp canxi, magie, photpho, kali... Các chất này rất cần thiết để củng cố xương, dây chằng và gân.
Nhưng nên hầm xương bao lâu để các chất dinh dưỡng tiết ra đầy đủ, có phải hầm càng lâu càng tốt không?
Các chuyên gia nói rằng: Nước hầm xương có nhiều chất dinh dưỡng nhưng hàm lượng dinh dưỡng phụ thuộc vào thành phần trong nước dùng cũng như thời gian ninh. Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong nước hầm xương thay đổi tùy theo thời gian ninh xương và các loại rau củ hay thảo mộc được sử dụng.
Hầm xương bao lâu thì tốt nhất?
Tủy xương chứa nhiều vitamin A, vitamin K2 cùng các khoáng chất như sắt, kẽm, selen, mangan. Tất cả các bộ phận của động vật đều chứa collagen, chất này biến thành gelatin khi được nấu chín và giải phóng ra các axit amin thiết yếu vào trong nước. Khi xương được ninh nhừ, các chất dinh dưỡng này hòa vào trong nước và tồn tại ở dạng dễ hấp thụ vào cơ thể.
Với điều kiện nấu ăn trong gia đình thì việc ninh xương quá lâu là không phù hợp. Vậy thời gian hầm xương (không phải là ninh sườn như sườn vai, sườn thăn có nhiều thịt) trong bao lâu là thích hợp?
Các chuyên gia cho biết khi bạn ninh xương thì ninh trong 12 - 24 giờ là thích hợp. Bạn có thể thêm rau củ, thảo mộc và gia vị để tạo hương vị. Theo kinh nghiệm nấu ăn của họ, bạn hãy ninh và nấu theo thính giác và vị giác của bản thân. Nước dùng thành phẩm có vị ngọt đậm và màu sắc không nhợt nhạt. Và thực tế có nhiều người giàu kinh nghiệm thường hầm xương trong 12 - 24 giờ để nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ xương.
Với nước hầm xương, bạn nên uống trực tiếp hoặc chế biến thành các món cháo, phở, bún, miến, bánh canh, súp rau củ... Nếu người bị mệt mỏi, ốm thì nên dùng kết hợp với rau củ hoặc thảo mộc để bổ sung dinh dưỡng. Đặc biệt, món súp gà dùng nước hầm xương là món ăn giàu dinh dưỡng, có công dụng chống viêm nhẹ, giảm triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Lưu ý khi sử dụng nước hầm xương:
Không cần dùng nước hầm xương để nấu cháo cho trẻ vì bản thân các thực phẩm như thịt, cá, tôm, rau củ... đã có vị ngọt và độ ngon tự nhiên.
Nên ăn cả phần thịt chứ không nên lọc mỗi phần nước hầm xương để sử dụng.
Mặc dù ngon nhưng nước hầm xương không thích hợp để ăn hàng ngày mà nên cân đối ăn uống đa dạng. Hơn nữa, bạn cũng nên thay đổi các loại xương hom, xương sườn lợn, xương gà, đầu tôm... chứ không nhất thiết là xương ống.
Theo Tường San/Thương hiệu và Pháp luật