Ngày 30/3, WHO công bố kế hoạch cập nhật cho COVID-19, đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra về cách đại dịch sẽ phát triển trong năm nay.
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin: "Dựa trên những gì chúng ta biết hiện tại, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh do virus này gây ra sẽ giảm theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên do tiêm chủng và từng nhiễm bệnh".
Người dân đổ xô đi ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cảnh báo, số ca bệnh và tử vong có khả năng tăng đột biến khi khả năng miễn dịch suy giảm nên có thể cần phải tiêm vắc xin tăng cường định kỳ cho các nhóm dân số có nguy cơ cao.
Ông Tedros cho biết, kịch bản thứ 2 là các biến thể ít nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện và không cần tiêm tăng cường hoặc vắc xin công thức mới. Kịch bản còn lại là một biến thể độc hại hơn sẽ xuất hiện và khả năng miễn dịch có từ vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh sẽ suy yếu nhanh chóng.
Trong báo cáo hàng tuần, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết số ca nhiễm COVID-19 đã giảm ở khắp mọi nơi, kể cả ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi đại dịch bùng phát kể từ tháng 12.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Thượng Hải, Trung Quốc
Trong tuần qua có khoảng 10 triệu ca COVID-19 mới, hơn 45.000 người tử vong.
Nhiều quốc gia trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác gần đây đã dỡ bỏ gần như tất cả các giới hạn phòng chống COVID-19 dựa trên cơ sở tỷ lệ tiêm chủng cao.
Các nhà chức trách Anh cho biết họ dự đoán sẽ có nhiều ca nhiễm hơn nhưng không thấy sự gia tăng tương đương về số ca nhập viện và tử vong.
Trong khi đó, Mỹ đã mở rộng việc sử dụng vắc xin tăng cường. Theo đó, người dân từ 50 tuổi trở lên có thể tiêm nhắc lại lần thứ 2 ít nhất 4 tháng sau mũi thứ 3.
Một cuộc thăm dò ghi nhận, chưa đến một nửa số người Mỹ hiện nay thường xuyên đeo khẩu trang, tránh đám đông và bỏ qua các chuyến đi không cần thiết.
Theo An Yên/Vietnamnet