Gừng là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp. Ngoài việc giúp tăng hương vị món ăn, bạn có thể dùng gừng để pha trà, làm mứt, làm kẹo với tác dụng làm ấm cơ thể, xua tan cảm lạnh.
Tuy nhiên, nhiều người gặp phải tình trạng gừng nhanh thối hỏng hoặc để qua vài hôm là gừng mọc mầm, teo lại. Dưới đây là một số mẹo đơn giản giúp bạn giải quyết vấn đề này:
Bảo quản gừng trong ngăn mát tủ lạnh
Trước khi cho gừng vào tủ lạnh, bạn cần rửa sạch, để ráo nước sau đó dùng một lớp giấy bạc bọc kín củ gừng hoặc gói gừng vào một chiếc khăn khô rồi cho vào túi nhựa kín, giữ lạnh ở ngăn mát.
Cũng có thể dùng một tờ giấy bạc hoặc màng bọc thực phẩm, sau đó quấn chặt quanh củ gừng tươi rồi để nơi thoáng mát. Với cách này, bạn có thể bảo quản gừng trong thời gian khá lâu mà vẫn giữ được mùi thơm.
Bảo quản gừng trong tủ đông
Gừng là một trong những gia vị có thể bảo quản tốt bằng phương pháp đông lạnh. Để bảo quản gừng trong ngăn đông, bạn cần gọt vỏ, rửa sạch cả củ gừng, đặt vào các hộp đựng kín và trữ đông hoặc có thể dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh củ gừng. Nếu dùng các loại túi zip, cần ép hết không khí ra khỏi túi rồi mới cho vào ngăn đông để bảo quản.
Gừng tươi bảo quản trong ngăn đá không cần mất thời gian rã đông trước khi sử dụng. Nên dùng dụng cụ để bào củ gừng đông lạnh với lượng vừa đủ theo nhu cầu và cất phần còn lại vào tủ đông.
Bảo quản gừng bằng muối
Gừng mua về rửa sạch cho hết bùn đất bám bên ngoài. Chuẩn một một bát nước nhỏ và thêm muối vào khuấy đều. Cho gừng vào ngâm trong nước muối khoảng 10 phút sau đó vớt gừng ra và để ở nơi thoáng mát cho thật khô. Phải để gừng khô hết nước trước khi bảo quản.
Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm gói từng củ gừng lại. Dùng tay vuốt và ép hết không khí bên trong màng bọc thực phẩm ra ngoài sao cho màng bọc bọc càng sát vào củ gừng càng tốt.
Muối có tác dụng diệt khuẩn, giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển làm hỏng gừng. Màng bọc thực phẩm sẽ giúp ngăn cách củ gừng với không khí bên ngoài. Cách này giúp gừng để lâu vẫn tươi ngon.
Với những miếng gừng cắt dở, bạn có thể thoa một chút muối lên bề mặt lát cắt. Sau đó, để gừng ở nơi khô thoáng. Làm như vậy, miếng gừng dùng dở sẽ không bị hỏng.
Bảo quản gừng trong cát
Bảo quản gừng trong cát rất đơn giản, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Bạn chỉ cần chuẩn bị một chiếc đĩa hay rổ rộng sau đó cho đầy cát sạch và thật khô vào rổ hay đĩa, vùi gừng xuống đó rồi để nơi thoáng mát. Cách này giúp bảo quản gừng rất tốt, giúp gừng tươi lâu và tránh bị khô.
Bảo quản gừng bằng giấm
Với phương pháp này, nên sử dụng gừng non rồi rửa sạch, thái lát mỏng. Sau khi bóp với muối, nên chần gừng qua nước sôi để giảm vị cay. Vớt gừng ra, vắt bớt nước, để ráo.
Đun sôi hỗn hợp nước, đường, giấm theo tỉ lệ 1:1:1. Gừng cắt lát sau đó cho vào lọ thủy tinh sạch, khô ráo, đổ hỗn hợp đường, nước, giấm đã đun sôi vào. Để ở nhiệt độ phòng vài ngày, sau đó mới nên đặt trong ngăn mát tủ lạnh.
Bảo quản bằng cách ngâm nước
Gừng rửa kỹ, loại bỏ vết bẩn trên bề mặt và các bộ phận chuyển sang màu đen. Cho gừng vào một hộp chứa đầy nước. Chú ý nước phải phủ ngập toàn bộ gừng, đóng chặt nắp và bảo quản trong tủ lạnh. Thay nước sạch mới mỗi tuần một lần. Cách bảo quản này có thể khiến gừng tươi trong khoảng một tháng.
Sấy khô
Với cách bảo quản gừng này, gừng được rửa sạch, để ráo nước sau đó thái thành từng miếng nhỏ đem trải đều lên khay rồi phơi khô hoặc sấy bằng lò nướng. Gừng sấy khô có thể sử dụng trong thời gian dài mà không làm mất đi mùi vị hay đặc tính cay nóng của gừng tươi.
Lưu ý, sau khi phơi hoặc sấy khô nên cho gừng khô vào các hộp thủy tinh đậy kín và bỏ cùng túi hút ẩm.
Theo Minh Hoa/ Người Đưa Tin