Theo thông tin trên PLO về vụ VN Pharma, VKS Tối cao xác định trong quá trình điều hành Công ty Cổ phần VN Pharma, Nguyễn Minh Hùng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, đã có chủ trương chi tiền để trình dược viên sử dụng chi phí cho việc bán thuốc của công ty.
Cụ thể, theo cáo trạng, giai đoạn 2013 đến tháng 9/2014, Hùng cùng Võ Mạnh Cường và đồng phạm đã dùng giấy tờ giả để đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc. Sau đó, các bị cáo làm giả hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, qua đó nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet giả chữa bệnh ung thư. VKS xác định số thuốc này không rõ nguồn gốc, không thể sử dụng cho người bệnh.
Cũng theo cơ quan chức năng, kết quả điều tra lại cho thấy Hùng và Ban giám đốc VN Pharma có chủ trương chi tiền cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng để tiếp cận việc bán thuốc. Trong hơn nửa năm (từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015), VN Pharma đã chi hơn 14 tỷ đồng "hoa hồng', lấy từ nguồn tiền nâng khống giá thuốc nhập khẩu.
Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này không hoạch toán vào sổ sách kế toán, không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc nhận tiền, quà của các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện mà Công ty VN Pharma bán thuốc. Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định không đủ căn cứ để kết luận hành vi cụ thể trong việc nhận tiền, quà của các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện.
14 tỷ đồng có thể nói là con số khủng cho việc chi “hoa hồng”, nhưng giờ lại không có chứng cứ thì coi như “chìm xuồng”. Mặc dù có một thực tế đang diễn ra hiện nay, các công ty thuốc, các hãng dược muốn tiếp thị thuốc tới người bệnh nhân đều thông qua bác sĩ. Bác sĩ kê đơn “ưu tiên” sử dụng loại thuốc được trình dược viên giới thiệu là “automatic” có "hoa hồng". Cách thức “lại quả” dường như hiển nhiên và rất rõ ràng này đã bị cấm ở nhiều bệnh viện; tuy nhiên qui định là thế nhưng thực tế thì khó có thể kiểm soát. Việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ khi kê đơn thuốc đã trở thành căn bệnh nan y, gây bức xúc trong dư luận.
Chiến thuật của các hãng dược là làm sao để các bác sĩ kê đơn những loại thuốc đắt tiền của mình, thay vì những loại thuốc khác cùng loại cũng tốt không kém nhưng rẻ hơn. Việc này thực sự là nỗi đau đối với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân mắc bệnh nan y như ung thư. Đối với những bệnh nhân này, việc các bác sĩ nhận “hoa hồng” và bị tác động từ những đồng tiền “hoa hồng” này để quyết định đơn thuốc, đó là tội lỗi.
Một phần trách nhiệm nằm ở cách thức quản lý của bệnh viện, nhưng nếu bác sĩ không rèn luyện y đức, không đặt tình thương và quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết thì rất dễ trở thành “kẻ tiếp tay” làm tổn hại đến người bệnh, không chỉ là tài chính, sức khỏe, tinh thần, mà đôi khi là cả tính mạng.
Theo thông tin từ một tờ báo lớn, một bác sĩ đang công tác tại Bình Dương từng cho biết mức "hoa hồng" thuốc phổ biến hiện nay anh nhận được khoảng 20-30%, tùy chính sách tiếp thị của từng hãng dược. Khoản chiết khấu này thường gặp ở những công ty sản xuất thuốc generic còn các công ty bào chế biệt dược gốc thì rất ít. "Nếu bác sĩ kê toa cho bệnh nhân với thực phẩm chức năng thì chiết khấu còn cao hơn nữa", nam bác sĩ bày tỏ.
Thực tế từng có trường hợp một bác sĩ của Bệnh viện Quận 5, TP HCM móc nối với một công ty dược để hưởng hoa hồng và kê đơn thuốc cho bệnh nhân có cả thực phẩm chức năng. Thậm chí vị bác sĩ này đã viết thư tay cho công ty dược phẩm đòi chia đúng hoa hồng dựa trên số lượng bán hàng mà ông kê trong đơn thuốc cho bệnh nhân. Trước vụ việc này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ra văn bản chỉ đạo xác minh thông tin bác sĩ, yêu cầu nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm) và có các biện pháp để giám sát, quản lý tình trạng này.
An Lê