Người đẹp nọ vỡ mộng khi bước vào hôn nhân với một chàng Tây bởi những khác biệt về văn hoá, suy nghĩ và nếp sống hàng ngày. Nhưng tôi tin rằng nhiều cô gái khác đã vỡ mộng tới mức có thể… vỡ mặt hay vỡ tim khi bước vào hôn nhân với cả người đàn ông thuần Việt nhất!
Tôi chính là ví dụ điển hình nhất đây. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu ngây thơ, trong sáng nhất của thuở học trò và những tháng ngày tay trong tay gây dựng sự nghiệp. Anh ấy chính là thanh xuân của tôi và ngược lại!
Khi sự nghiệp đang đà thăng hoa, tôi bàn bạc với chồng và quyết định “lui về hậu cung” để chăm lo chuyện con cái, gia đình nội ngoại… Chúng tôi có với nhau 3 mặt con cả nếp lẫn tẻ.
Chẳng phải nói quá, chứ tôi nuôi con khoẻ mạnh, dạy con khôn khéo, ứng xử với gia đình nội ngoại gần như chẳng mất lòng ai bao giờ. Nhưng lòng của người thân thiết nhất là chồng thì tôi càng ngày càng không thể nắm giữ.
Ban đầu, tôi chỉ tình cờ nghe thấy anh ấy bảo tôi là “ăn bám”, “mẹ xề”, “chẳng biết gì”… trong một cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè. Tôi cho rằng đó chỉ là lời khi say xỉn, máu sĩ của đàn ông tăng cao nên cũng chẳng để bụng.
|
Ảnh minh họa. (VOV). |
Nhưng càng ngày, những lời như thế càng thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của tôi, trước mặt cha mẹ 2 bên, trước mặt họ hàng và cả con cái tôi!
Tôi cố bình tĩnh để ngồi xuống nói chuyện với chồng nhưng đáp lại chỉ là thái độ khinh khỉnh của anh. Anh cho rằng cả thập kỷ ở nhà nuôi con khiến tôi tụt hậu rất nhiều và chẳng còn giá trị nào ngoài xã hội.
Tôi không thể ngờ cái tư tưởng đó lại xuất hiện ở chính người đàn ông mình từng yêu thương và kề vai sát cánh xây dựng sự nghiệp. Có lần, anh ấy còn thẳng tưng nói vào mặt tôi: “Cô là đồ ăn bám!".
Đôi khi tôi góp ý như thế này, như thế kia ở công việc kinh doanh, chồng tôi lại cười khẩy: “Em biết gì mà nói? Cái kiến thức của em nó quá lạc hậu so với thương trường bây giờ rồi. Đừng có cầm đèn chạy trước ô tô”… Các chị nghe thế có thấy chán nản và đau lòng không?
Chẳng dừng ở đó, tuy cũng là “tiểu gia”, tiền tiêu không cần nghĩ nhưng nhiều lúc, chồng tôi lại ki bo tới mức khó tưởng! Vốn dĩ chồng tôi không thuộc tuýp người đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Ấy thế mà không ít lần chuyển tiền chợ cho tôi hay tôi nhắc đóng tiền học cho con, tiền điện nước.., anh ta lại quắc mắt: “Tiêu pha vừa phải thôi. Tôi không phải chiếc máy in tiền nhà cô”.
Tôi muốn mua cho con một đôi giày xịn bởi nó bền, không bị mùi hôi chân và con có thể bằng bạn bằng bè một chút. Quan trọng hơn nữa là gia đình tôi thừa sức mua cho con những đôi giày như thế.
Có khi chồng chẳng quan tâm nhưng lúc khác lại càu nhàu cả tuần rằng “con hư tại mẹ”, nuông chiều khiến thằng bé đú đởn, thích chưng diện…
Trời ơi, tôi tiêu cho cha mẹ anh ta, tiêu cho các con anh ta đấy chứ! Thậm chí một đồng biếu cha tặng mẹ đẻ mình, tôi cũng không lấy từ các khoản đó.
Và chồng tôi cũng không biết rằng những gì anh ta phải chi cho các con mới chỉ là khoản tiền học ở trường. Còn các lớp ngoại khoá, chuyện tiêm chủng, hay quần áo… của các con, tôi vẫn âm thầm chi tiêu từ khoản lãi do góp vốn đầu tư cùng bạn bè.
Chồng không hề biết cả thập kỷ ở nhà, khi con đi học, con ngủ…, tôi vẫn âm thầm học thêm về kinh doanh, định hướng đầu tư và quản lý doanh nghiệp… Tôi cũng tham gia vào nhiều dự án start-up của bạn bè. Chứ chỉ trông chờ vào việc kinh doanh của anh ta, tôi sợ không đủ lo cho các con một tương lai ổn định.
Càng ngày tôi càng mệt mỏi và chán chường bởi ông chồng chỉ thích soi mói, khinh thường vợ mình. Tôi biết, anh ta đang coi tôi là bảo mẫu trong nhà chứ không còn “tương kính như tân”. Nhiều lúc, tôi mong chồng đi công tác dài ngày và chẳng cần liên lạc về làm gì để mẹ con tôi được thoải mái…
Hôn nhân 10 năm có lẻ. Chặng đường quen biết rồi yêu nhau cũng tới 2 thập kỷ. Tôi không thể ngờ anh chàng từng ngốc nghếch với nụ cười hiền lành, anh chàng từng dịu dàng chăm sóc tôi từng ly từng tí… lại biến thành người đàn ông thế này. Tôi không thể ngờ giấc mộng hôn nhân và cuộc sống gia đình lại đứng trên bờ vực thẳm chỉ bởi những lời soi mói của chính người đàn ông đó… Tôi phải làm sao bây giờ?
Theo Thu Trang/ Vietnamnet