Tôi 35 tuổi, đang làm kỹ sư IT cho một công ty uy tín. Vợ tôi nhỏ hơn tôi 5 tuổi, đang làm giám đốc kinh doanh của một công ty lớn ở TP.HCM.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng vợ tôi đã đạt được vị trí công việc nhiều người ước muốn. Ngoài nỗ lực của cô ấy, cũng phải kể đến sự hi sinh của tôi.
Lúc mang thai 6 tháng, vợ tôi được cấp trên quan tâm và có ý cân nhắc lên vị trí cao hơn. Điều này khiến cô ấy rất lo lắng, tìm cách chu toàn chuyện gia đình mà vẫn phát triển được sự nghiệp.
Dĩ nhiên, vợ tôi không thể vừa làm tốt được việc nhà, chăm con vừa làm tốt công việc ở công ty. Biết những trăn trở của vợ, tôi chủ động đề nghị mình sẽ lùi về sau để vợ an tâm phát triển.
Tôi xin nghỉ việc ở một công ty rất tốt, tìm những công việc làm thêm, bán thời gian hoặc làm việc tại nhà. Tôi quán xuyến chuyện nhà cửa, lo cơm nước cho vợ bầu những tháng cuối thai kỳ.
Vợ luôn lấy thu nhập để buộc tôi phải nhường cơ hội cho cô ấy phát triển. Ảnh minh họa: Pixabay.
Vợ tôi làm việc cho đến tận ngày sinh, 3 tháng sau sinh đã đi làm lại. Con gái nhỏ đều tự tay tôi chăm sóc, lo bỉm sữa. Thậm chí, những lúc con gái bị ốm phải nhập viện, tôi là người ở viện chăm con, vợ tôi chỉ biết đi làm.
Không ràng buộc chuyện con cái, vợ tôi dồn hết tâm trí, nỗ lực vươn lên vị trí giám đốc. Ngày cô ấy thăng chức, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc nhỏ để ăn mừng. Tuy nhiên, ngay chính lúc đó, tôi biết mình đã sai khi chọn lùi về sau.
Trong bữa tiệc, vợ tôi ăn mặc lộng lẫy, đon đả mời bạn bè, người thân dùng tiệc. Trong khi đó, tôi luộm thuộm, ngồi một chỗ, một tay ôm con nhỏ, một tay cầm sữa bỉm.
Khi con gái được 3 tuổi, tôi cho con đi học mầm non. Trộm vía, bé rất ngoan và thích đi học. Thế nên, tôi an tâm tìm việc làm toàn thời gian, đặt ra mục tiêu phát triển sự nghiệp, tăng thu nhập.
Dù đi làm trở lại nhưng tôi vẫn phải quán xuyến việc nhà, đưa rước, cho con ăn cơm chiều. Vợ tôi luôn viện lý do tiếp khách, đối tác để về nhà trễ.
Có lần, tôi bận việc nên dặn vợ rước con giúp một bữa. Thế là, khoảng 17h30 ngày hôm đó, cô giáo của con gọi điện, hỏi sao tôi chưa rước con để các cô còn ra về. Tôi vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Tôi gọi điện cho vợ nhưng cô ấy không nghe máy.
Tôi bỏ dở công việc, phi xe thật nhanh đến trường đón con. Tối đó, vợ tôi trở về nhà lúc hơn 23h. Tôi phải xuống sảnh chung cư đón vợ trong trạng thái nồng nặc mùi rượu.
Nữ đồng nghiệp đưa cô ấy về, nhìn tôi đầy ái ngại và giải thích: “Chị được lãnh đạo công ty khen thưởng. Có lẽ, chị vui quá nên có quá chén, mong anh thông cảm”.
Tôi bất lực, dìu vợ lên nhà. Sáng hôm sau, tôi đề nghị vợ ngồi lại nói chuyện. Cô ấy cứ gắt lên: “Em đang vội, tối về nói sau”, rồi bỏ đi làm.
Tôi đến công ty, ngồi thừ người suy nghĩ. Cuối cùng, tôi quyết định gửi cho vợ một tin nhắn dài, đại khái tôi muốn cô ấy san sẻ việc nhà, cùng nhau nuôi dạy con cái… Tôi bày tỏ mong muốn bản thân có nhiều thời gian hơn để phát triển công việc.
Tin nhắn gửi đi, vợ tôi đã đọc nhưng không phản hồi. Hôm đó, vợ tôi về nhà sớm hơn mọi ngày. Cô ấy vào bếp nấu ăn và đón con ở trường.
Tôi trở về nhà, thấy cơm nước, con cái đã đâu ra đó nên mừng trong bụng. Tôi trộm nghĩ chắc vợ thấu hiểu được nỗi lòng của chồng, quyết tâm thay đổi.
Sau khi cho con ngủ, vợ nói tôi ngồi xuống sofa để trò chuyện. Cô ấy dõng dạc: “Em có thể làm giúp anh việc nhà, lo cho con gái nhưng em đã đánh mất cơ hội gặp gỡ khách hàng.
Anh có biết từ người khách này em sẽ kiếm được rất nhiều tiền, chắc chắn nhiều hơn những đồng lương kỹ sư IT. Tại sao anh không hiểu và không chịu an phận để em an tâm làm việc, tăng thu nhập cho gia đình?”.
Mỗi lời nói ra được vợ nhấn nhá nhịp nhàng như đang thuyết phục đối tác ký hợp đồng. Vậy mà, tôi nghe chua xót, cay đắng… Tôi thương cho mình 1 thì thương con 10. Con bé rồi sẽ ra sao khi thiếu sự quan tâm của mẹ? Tôi nên làm gì để vợ thay đổi suy nghĩ?
Theo vietnamnet.vn