|
Lục đục giữa hai vợ chồng không chỉ gây thêm căng thẳng mà còn có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ. (Ảnh: ITN). |
Những thay đổi tinh tế, chẳng hạn như mối quan hệ và thói quen của bạn đều có thể dẫn đến những điểm xung đột nghiêm trọng giữa bạn và đối tác.
Thậm chí có những lúc bạn nhận ra rằng mình không thể ngừng tranh cãi. Lục đục giữa hai vợ chồng không chỉ gây thêm căng thẳng trong bầu không khí vốn đã căng thẳng mà còn có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Không có cách nào đảm bảo vợ chồng ngừng tranh cãi nhưng nếu bạn đang tìm cách xoa dịu tình hình, bạn có thể tham khảo một số gợi ý về cách trò chuyện hiệu quả dưới đây.
Quan sát chu kỳ tranh cãi trong mối quan hệ
Bạn có thể nhận ra tính chu kỳ của bất kỳ cuộc tranh cãi nào trong mối quan hệ mà bạn từng trải qua. Ví dụ, có một cuộc tranh cãi gay gắt, căng thẳng, trong đó bạn mất hết kiểm soát, sau đó vài giờ hoặc vài ngày là sự hòa giải.
Bạn có thể thấy mình đang tranh cãi về những điều lặp đi lặp lại nhưng khoảng thời gian giữa chúng ngày càng ngắn hơn. Khi điều này xảy ra, bạn đang tạo thêm một vết nứt khác cho mối quan hệ của mình.
Đây không phải là cách lành mạnh để giải quyết xung đột. Các cặp đôi vướng vào chu kỳ này sẽ khó ngừng tranh cãi trừ khi họ đối mặt với những vấn đề sâu sắc hơn.
Lý do các cặp vợ chồng cãi nhau khi có con
Có rất nhiều thay đổi khi một đứa trẻ ra đời. Cả cha và mẹ đều có thể bị thiếu ngủ, thay đổi trách nhiệm, lo lắng về tài chính.
Sự thay đổi này là hoàn toàn tự nhiên - cha/mẹ (thường là mẹ) sẽ phải nghỉ việc để chăm sóc con. Vấn đề nằm ở những thay đổi xảy ra sau đó. Cả cha và mẹ đều có cảm giác bị tổn thương vì họ đều cảm thấy mình đang nỗ lực quá nhiều để chu cấp cho gia đình.
Có lẽ sự mệt mỏi, chán nản ngày càng chồng chất vì các cặp đôi quên nói chuyện với nhau. Hoặc khi họ làm vậy, các cuộc trò chuyện sẽ trở thành những cuộc tranh cãi và khó tránh nói ra những điều gây tổn thương.
Có rất nhiều định kiến được hình thành trước khi một đứa trẻ bước vào cuộc đời bạn. Ví dụ một người tin rằng người kia nên làm việc chăm chỉ hơn, làm nhiều việc nhà hơn hoặc cảm thấy bực bội vì con cái được chú ý nhiều hơn họ.
Sự oán giận ngày càng tăng sẽ khó tránh khỏi những tranh cãi. Và có một mối nguy hiểm thực sự là nó cũng ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Điều quan trọng là bạn phải tập trung giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh giữa bạn và đối tác để giúp hàn gắn mối quan hệ gia đình.
Tranh cãi với đối tác của bạn mỗi ngày, dù nhỏ, thì cũng không phải là một thói quen lành mạnh và điều này gợi ý rằng bạn bạn có những vấn đề tiềm ẩn cần được giải quyết.
Có nhiều cách thú vị để giữ cho mối quan hệ bền chặt và hạnh phúc, nhưng nếu bạn đang muốn ngăn chặn những cuộc tranh cãi nhỏ trở thành những cuộc cãi vã lớn hơn, hãy lưu ý những chiến lược cụ thể giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp với đối tác của mình.
Tranh luận hiệu quả
|
Có lẽ sự mệt mỏi, chán nản ngày càng chồng chất vì các cặp đôi quên nói chuyện với nhau. (Ảnh: ITN).
|
Những bất đồng có thể sẽ luôn xảy ra và bạn rất dễ bị cuốn theo lúc nóng nảy. Tuy nhiên, các lập luận có thể được thực hiện một cách xây dựng và lành mạnh.
Đừng biến mọi bất đồng thành một cuộc tranh cãi. Thay vào đó, khi tranh luận, đừng nhắc lại những sai lầm trong quá khứ mà chỉ tranh luận về chủ đề hiện tại.
Tránh những bình luận gây tổn thương. Giữ các lập luận thực tế.
Luyện tập lắng nghe tích cực. Hãy chắc chắn rằng bạn đang bám sát chủ đề để có thể phản hồi một cách thích hợp.
Đừng đổ lỗi cho hành vi của đối tác, thay vào đó hãy dựa vào kinh nghiệm của chính bạn. Điều này sẽ giúp ngăn chặn đối phương phản ứng phòng thủ.
Nếu bạn cảm thấy có nguy cơ bùng nổ, hãy tạm dừng và nghỉ ngơi.
Luyện tập sự đồng cảm, điều này sẽ giúp bạn hiểu được quan điểm của đối tác.
Một cuộc tranh luận nên hướng tới việc tìm kiếm sự thỏa hiệp. Đừng cố tỏ ra mình luôn là người đúng. Thay vào đó, bạn cần tìm nền tảng trung gian.
Nếu bạn đã đến mức nghĩ rằng mọi điều nhỏ nhặt đều khiến bạn phải đấu tranh thì gần như chắc chắn bạn đang gặp một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí cần đến gặp bác sĩ trị liệu để được trợ giúp chuyên nghiệp.
Thực hành kỹ thuật “tạm dừng”
Kỹ thuật này thường được áp dụng nhằm ngăn chặn sự leo thang trong một cuộc tranh cãi. Khi bạn cảm thấy mình bắt đầu tức giận, hãy nhấn nút tạm dừng ảo và đưa mình đến một không gian yên tĩnh ẩn dụ.
Theo chuyên gia, hiểu được nguyên nhân gây ra sự tức giận của bạn là chìa khóa để giải quyết nó.
Thay vì quay lại cuộc tranh cãi, hãy dành một chút thời gian, hít thở và cân nhắc xem bạn thực sự muốn nói gì. Chỉ nên quay lại cuộc thảo luận khi bạn kiểm soát được cảm xúc của mình và đã bình tĩnh lại.
Thực hiện theo các bước kể trên có thể khó khăn - đặc biệt là trong thời điểm nóng nảy - nhưng nếu cả hai bạn đồng ý tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ, thì việc bỏ qua cái tôi quá lớn của mình sẽ giúp giải quyết xung đột.
Nếu đối tác chưa thể bình tĩnh và muốn nói chuyện sau, hãy cố gắng thừa nhận cảm xúc của họ. Cho họ biết rằng bạn chỉ tạm dừng để có một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng hơn chứ không phải vì bạn đang né tránh.
Theo Thủy Kiều/Giáo dục & Thời đại