Ca mắc virus Zika ăn não người đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân nữ, 64 tuổi, trú tại Phước Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa. Bệnh nhân khởi phát ngày 26/3 với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Sau hai ngày tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh nhân đến thăm khám Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đều cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Zika.
|
Ảnh minh họa |
Bệnh nhân thứ hai một phụ nữ 33 tuổi ở quận 2, TP HCM. Bệnh nhân phát bệnh ngày 29/3 với triệu chứng tương tự gồm sốt phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 ngay trong ngày. Các kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều khẳng định bệnh nhân phản ứng dương tính với Zika.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, trường hợp bệnh nhân nữ 33 tuổi dương tính với Zika hiện đang mang thai 8 tuần tuổi. Con gái của bệnh nhân trước đó cũng bị sốt nhưng sau khi làm xét nghiệm thì chỉ bị sốt xuất huyết. Những người xung quanh của bệnh nhân cũng có biểu hiện ốm nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính với virus Zika. Bệnh nhân không có tiền sử đi lại vùng nào, chỉ duy nhất là chồng bệnh nhân đang làm việc tại Malaysia và trước đó đã về nước được khoảng hơn mười ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, đường lây của 2 bệnh nhân này hoàn toàn là do muỗi truyền chứ không phải qua đường tình dục hay con đường khác. Triệu chứng bệnh Zika không nặng bằng sốt xuất huyết nên không quá lo lắng. Tuy nhiên có bằng chứng liên quan giữa Zika và hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên rất nguy hiểm nếu người nhiễm là phụ nữ mang thai.
Cũng ngay trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bay khẩn cấp vào TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo triển khai các công tác phòng chống bệnh ở ổ dịch này. Trưa nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng sẽ trực tiếp vào Khánh Hòa để chỉ đạo ngăn chặn dịch tại ở dịch ở đây.
Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika đã ghi nhận tại nước ta, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tại tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh tham mưu UBND tỉnh/thành phố công bố dịch theo quy mô xã, phường theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; chỉ đạo các địa phương nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh; các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika do hiện nay có sự giao lưu đi lại giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương trong cả nước đồng thời Việt Nam có lưu hành muỗi vằn là véc tơ truyền bệnh và chưa có miễn dịch trong cộng đồng. Do đặc điểm của bệnh thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe; tuy nhiên, do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm virus Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ đang mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika.
Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung triển khai các hoạt động sau:
1. Nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2 của Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm virus Zika tại các địa phương để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
2. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”, đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch.
3. Các địa phương thực hiện việc công bố dịch theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nếu có dịch xảy ra nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh do virus ika.
4. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm virus Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước.
4. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.
5. Bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Zika; hướng dẫn chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.
Mời độc giả xem video: Virus Zika làm teo đầu trẻ em rất dễ tấn công Việt Nam:
Chi Anh