Câu hỏi: Tôi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sau 7 ngày mắc bệnh. Tuy nhiên, sau 3 ngày khỏi bệnh, tôi vẫn bị ho khan dai dẳng. Tại sao lại như vậy và có cách nào chấm dứt cơn ho của tôi không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình sẽ hồi phục trong vòng 10 ngày. Trong khi đó, F0 nặng và nguy kịch phải mất tới 20 ngày để hồi phục.
Tuy nhiên, sau thời gian dài mắc bệnh, F0 sớm trở lại bình thường hay không phụ thuộc vào những tổn thương ở phổi và các mô. Thời gian này cũng lâu hơn ở những người mắc bệnh mạn tính trước khi nhiễm virus.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), ho thường là hành động phản xạ để làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi phổi và khí quản. Theo thời gian, ho có thể phát triển thành chu kỳ, ho quá nhiều sẽ gây kích ứng và viêm nhiễm, khiến cơn ho trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, khi hồi phục sau Covid-19, người bệnh có thể tiếp tục bị ho khan trong một thời gian.
Tiến sĩ Rahul K Sharma, Giám đốc Bệnh viện Le Crest ở Ghaziabad's Vasundhara (Ấn Độ), cho biết đây là tình trạng phổ biến xảy ra với người nhiễm virus. Sau khi nhiễm virus, khả năng miễn dịch của cơ thể vẫn bị tổn hại và có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn bội nhiễm.
"Ngay cả khi bệnh nhân có xét nghiệm âm tính, khả năng miễn dịch bị suy giảm, đặc biệt những người bị viêm phổi do Covid-19 phải mất thời gian dài để hồi phục", tiến sĩ Sharma nhận định.
Bạn nên tiếp tục tự cách ly để phục hồi sức khỏe và điều trị chứng ho khan đang gặp phải. Nếu bị ho nhiều, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
|
Nhiều người bệnh Covid-19 vẫn bị ho dai dẳng dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Ảnh: Indiatimes.
|
Một số cách có thể kiểm soát cơn ho của người bệnh sau khi khỏi Covid-19:
- Thử một số bài tập thở: Thực hành kiểu thở bình thường, nhẹ nhàng, yên tĩnh (thở bằng bụng - cảm giác bụng trồi lên và xẹp xuống khi bạn hít vào và thở ra), sau đó bắt đầu hít thở bằng mũi. Cố gắng tập cách thở này thường xuyên để tạo thành thói quen.
- Uống đủ nước: Cổ họng của bạn vẫn có cảm giác đầy đờm và đờm và điều đó có thể rất khó chịu. Điều quan trọng là phải luôn đủ nước. Uống nước ấm, súp, trà thảo mộc để giúp giảm đờm.
- Nằm nghiêng khi ngủ nếu ho có nhiều đờm.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Do cơ thể vẫn còn yếu và mệt mỏi, bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe. Hoạt động thể chất nhẹ nhàng cũng cải thiện chức năng phổi và loại bỏ đờm dễ dàng hơn ra ngoài.
Theo Độc giả Lan Anh/Zing