Vạch tội mánh khoé bạo hành mới của "Chí Phèo" hiện đại

Google News

Theo Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL công bố, có tới 68 % vụ bạo hành gia đình liên quan đến rượu bia, các chất có cồn.

68 % bạo hành gia đình do rượu
Mới đây, theo Vụ Gia đình, Bộ Văn Hoá – Thể thao và Du lịch công bố có tới 68 % vụ bạo hành gia đình liên quan đến rượu bia, các chất có cồn. Tiến sĩ Quyết cho rằng với công bố này hoàn toàn không phải nói quá mà thực tế có khi còn nhiều hơn.
Tại trung tâm của bác sĩ Quyết, đại đa là những người vợ bị chồng bạo hành, ly hôn sớm là do bia rượu mang đến.
Vach toi manh khoe bao hanh moi cua Chi Pheo hien dai
Nạn nhân của bạo hành gia đình chủ yếu do rượu. 
Trường hợp của chị Vũ Thị H. trú tại Cầu Giấy, Hà Nội tìm đến bác sĩ Quyết khi chị không biết chia sẻ cùng ai. Hai vợ chồng chị H. cùng đi làm sáng đi, tối về. Ngày nào chị H. cũng về vội vàng từ 5h chiều để kịp đón con. Về nhà là chị lao đầu vào để tắm rửa, cơm chiều cho con ăn uống rồi lại giặt giũ quần áo và hướng dẫn con học bài. Ngày nào cũng vậy, chị cứ xoay vần đến 11h khuya mới được đặt lưng xuống giường. Chị H. kể, 6- 7 năm nay chưa ngày nào chị được nghỉ ngơi thực sự. Còn chồng chị sau giờ làm anh lại đi nhậu với đủ các lý do nào là bạn học, họp lớp, tiếp khách và tuần nào anh cũng về nhà lúc 11h khuya.
Chị H. góp ý sẽ bị anh thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Chị H. cảm thấy chán nản và vợ chồng không còn gần gũi như trước, giữa họ chỉ còn những đứa con chung. Gần đây, chị H. liên tục bị chồng chửi mắng vì cái tội không chịu chăm sóc chồng. Chị cãi lại liền bị anh cho cú đạp. Có lần, chị nói chuyện với chồng về việc anh coi nhà như cái nhà trọ, anh ta quắc mắt lên kèm theo cái chân đạp chị ngã lộn từ trên giường xuống vì cho rằng anh ta đi nhậu là để kiếm tiền về đưa cho chị nuôi con.
Từ những cú đá, cái đạp dần dần tần suất ngày càng nhiều hơn. Anh ta không còn đánh hay đấm chị vào mặt, tay, chân hay những chỗ người ta nhìn thấy mà anh ta có cách bạo hành khác để mọi người không còn nhìn thấy đó là những vết thương do bạo hành tình dục mang đến.
Không chịu được, chị H. đã tìm đến bác sĩ tâm lý cũng không ăn thua. Chị rơi vào trầm cảm và sợ không dám ly hôn bởi nếu ly hôn chị cũng khó có thể được quyền nuôi cả hai đứa con bởi vì thu nhập của chị thấp. Chỉ nghĩ thế, chị đành âm thầm chịu đựng. Một lần nghe trên đài, chị tìm đến với bác sĩ Quyết để tâm sự về trường hợp của chị và mong muốn gỡ rối.
Khi bác sĩ Quyết liên hệ với chồng chị H. anh ta tỏ ra rất lịch thiệp và cộng tác với bác sĩ. Nghe bác sĩ giải thích anh ta gật gù như kiểu đồng ý nhưng về nhà anh ta bắt đầu xoay qua đánh vợ vì tội “vạch áo cho người xem lưng”. Sau đó chồng chị H. bị xuất huyết dạ dày cấp nôn cả lít máu và phải đi viện điều trị. Dù lần cấp cứu không ai muốn nhưng sau này chị H. gọi điện lại cho bác sĩ thở phào vì chồng chị đã thay đổi không còn đi nhậu nhiều như trước kia.
Cưới được 6 tháng ra toà vì rượu
Bác sĩ Quyết kể có những cặp vợ chồng trẻ mới cưới nhau được 6 tháng đã ra toà khi vợ bụng bầu nhưng nhất quyết không chịu sống cùng người chồng ngày nào cũng về nhà khi đã say xỉn. Trường hợp của Vũ Vân A. trú ở TP.HCM là một ví dụ, một lần ông Quyết đi công tác vào đây, cô đã tìm tới ông chia sẻ rằng cuộc hôn nhân vài tháng của mình không thể níu lại được vì nó đã quá hơi men.
Chồng của Vân A. sau khi cưới anh ta không thể bỏ được thói quen uống rượu và Vân A. mạnh dạn ly hôn vì rất nhiều lần khuyên can không được. Với cô gái trẻ, ly hôn là sự giải thoát cho những bi kịch tiếp theo.
Những người bị bạo hành tìm đến bác sĩ Quyết có rất nhiều và họ đều là nạn nhân của rượu. Ví dụ một trường hợp ở ngay Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội tìm đến bác sĩ Quyết khi chị đã là nạn nhân của bạo hành gia đình 10 năm chỉ vì chồng “Chí Phèo”. Cứ đi về là hắn chửi, nóng mắt chị nói lại là hắn ta có cớ lao vào đánh chị. Nếu hắn nói chị không đáp lại thì cũng tìm đủ mọi cách làm thế nào đánh chị được cái mới xong. Nhìn người đàn bà chằng chịt vết thương do chồng đánh theo năm tháng in hằn lại, bác sĩ Quyết không khỏi đau lòng. Bác sĩ Quyết kể có lẽ vết thương lòng của những người phụ nữ ấy sẽ theo họ đến mãi cuộc đời. Chứng kiến những người bệnh của mình co rúm lại chỉ vì một tiếng động là ông đủ hiểu cuộc sống bên cạnh những "chí phèo" hiện đại của họ khổ như thế nào.
Tiến sĩ Quyết cho biết, ông đi rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam và ông thấy không ở đâu cứ sau giờ tan tầm đàn ông lại tụ tập ở quán nhậu như ở Việt Nam, gánh nặng những việc ở nhà họ đổ hết lên vai người phụ nữ. Những người cam chịu thì gia đình êm ấm còn những phụ nữ họ không thể cam chịu sẽ dẫn đến đổ vỡ gia đình để lại hệ luỵ xã hội rất lớn.
Theo P.Thuý/Infonet