Ung thư tuyến tiền liệt, ai có nguy cơ cao dễ mắc bệnh?

Google News

Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiện chưa được làm rõ nhưng theo một số nghiên cứu, ung thư TTL bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn và gene của người bệnh.
 

Ung thư tuyến tiền liệt (TTL) là căn bệnh ung thư khá nguy hiểm ở nam giới, ở mức nặng có thể di căn sang các vùng khác, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết gây đau đớn và đi tiểu gặp khó khăn khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.
Trường hợp nào dễ bị ung thư TTL?
TTL nằm dưới bọng đái, phía trước ruột già. Nó bao quanh niệu đạo tức ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật, qua đó, nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài.
Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiện chưa được làm rõ nhưng theo một số nghiên cứu, ung thư TTL bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn và gene của người bệnh. Những người ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bệnh ung thư TTL là dạng ung thư khá nguy hiểm. Tuy là một bệnh có sự phát triển chậm, đa số người mắc ung thư TTL ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời. Song nếu bệnh ở mức nặng sẽ lan ra rất nhanh chóng và có thể gây tử vong.
Ung thu tuyen tien liet, ai co nguy co cao de mac benh?
Hình ảnh ung thư tuyến tiền liệt. 
Dấu hiệu ung thư TTL
Thông thường, ở giai đoạn đầu, ung thư TTL hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Ở các giai đoạn sau, một vài dấu hiệu của ung thư TTL có thể bao gồm:
Tiểu tiện khó khăn: Hiện tượng bạn buồn tiểu nhưng không thể đi được hoặc đang đi tiểu bị dừng lại đột ngột hoặc có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường. TTL bao quanh niệu đạo nên khi xuất hiện một khối u nào dù chỉ là rất nhỏ cũng có thể gây trở ngại mỗi khi đi tiểu hoặc xuất tinh.
Đau mỗi khi đi tiểu: Vì có khối u ở TTL chèn ép lên niệu đạo nên mỗi khi đi tiểu thường có cảm giác đau. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể gặp khi bạn bị nhiễm trùng TTL.
Xuất hiện máu trong nước tiểu: Thấy máu trong nước tiểu đôi khi chỉ là một vệt màu hồng nhạt. Một số bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu cũng có thể gặp dấu hiệu này. Tuy dấu hiệu này ít phổ biến hơn cả, xong nếu thấy xuất hiện dấu hiệu này bạn cần đi khám ngay để xét nghiệm và chẩn đoán ung thư TTL chính xác nhất.
Khó duy trì sự cương cứng: Do có khối u TTL sẽ làm chặn lưu lượng máu đến dương vật để giúp cương cứng. TTL phì đại cũng gây ra dấu hiệu này.
Máu trong tinh dịch: Dấu hiệu này thường không được người bệnh chú ý. Lượng máu rất ít, chỉ đủ làm cho tinh dịch hơi hồng hoặc có vệt máu.
Đau ở lưng, hông, đùi trên thường xuyên: Đau ở lưng, hông, vùng xương chậu là dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư TTL.
Tiểu đêm: Dấu hiệu này thường không được để ý nhưng đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo ung thư TTL. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn 2 lần thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
Tiểu rắt: Nếu bị rò rỉ nước tiểu không thể tự chủ thì bạn cũng cần phải lưu ý. Tuy dấu hiệu này không phổ biến nhưng nếu gặp bạn cũng nên chú ý hơn.
Bệnh diễn biến âm thầm
Ở giai đoạn đầu ung thư TTL thường không có triệu chứng. Nó có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PSA (xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu TTL) tăng cao . Đôi khi bệnh còn gây ra những triệu chứng tương tự như các bệnh khác, ví dụ như bệnh tăng sản TTL lành tính. Những dấu hiệu ung thư TTL thường phát triển âm thầm hoặc nếu biểu hiện ra ngoài nhưng cũng bị coi nhẹ, do đó rất khó để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên.
Ở các giai đoạn sau của bệnh, ung thư TTL di căn sang các khu vực khác của cơ thể và có thể gây ra các triệu chứng khác như đau xương. Ung thư TTL nếu di căn vào cột sống cũng có thể đè lên tủy sống và gây ra yếu chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Cách nào để phòng ngừa ung thư TTL?
Chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư TTL bằng những cách đơn giản như: Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất, nhất là bổ sung đủ lượng vitamin D, tập thể dục đều đặn, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giữ trọng lượng ở mức cân đối...
Một số loại thực phẩm làm nguy cơ tăng ung thư TTL nên tránh là thịt đỏ và thịt hộp. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh việc ăn khoai tây chiên, thực phẩm từ sữa, thức ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường, chất ngọt nhân tạo... Nên ăn những thực phẩm ngăn ngừa ung thư như: các loại rau củ luôn có sẵn như: bông cải xanh, súp-lơ, cải xoăn, cải bắp, uống trà xanh... Đàn ông uống trà xanh thường xuyên đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư TTL. Trà xanh có chứa catechin - chất chống oxy hóa có thể tiêu diệt một số vi khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm các triệu chứng tiểu đường và giúp ích trong cuộc chiến chống lại nhiều loại ung thư gồm ung thư TTL.
Tránh các hóa chất và độc tố. Cách tốt nhất để bảo vệ chính mình khỏi các hóa chất và độc tố là giảm sự tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong thực phẩm hàng ngày và các chất có hại khác; tránh hoặc giảm thiểu tiêu thụ các loại thịt cháy đen và tránh xa các loại thực phẩm trong vỏ lon lót bằng BPA...
Theo BS. Trung Hưng/Suckhoedoisong.vn