|
GS.TS Nguyễn Văn Đề thăm khám lại cho ông H. sau khi hết phù - Ảnh: T.L. |
Ông H.(59 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) kể cách đây 10 năm đang khỏe mạnh thì tự nhiên ông bị đau nặng hai chân, đi lại kém.
10 năm đau đớn
không tìm ra bệnh
Ông H. đi khám phát hiện có một u bọc như trứng gà ở khoeo chân và được phẫu thuật bóc u. Nhưng bệnh không hết, chân vẫn tiếp tục đau và lan dần lên cả hai tay. Ông đi khám chữa nhiều nơi cả đông và tây y nhưng không phát hiện bệnh.
Cách đây ba năm cơn đau lan ra khắp người, đi lại khó và phù nề toàn thân. Đi khám tại một bệnh viện, bác sĩ kết luận ông bị gan nhiễm mỡ và béo phì, cho thuốc điều trị sụt 7kg nhưng không hết đau và sau đó phù lại nặng hơn.
Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay ông phù nặng, đau nặng, trí nhớ giảm sút, không ăn uống được, nôn và buồn nôn, sợ mùi thức ăn, cả ngày uống được chút bột ngũ cốc, nằm liệt... Đi khám và nằm điều trị tại một bệnh viện khác gần một tháng không tìm ra bệnh, ông tiếp tục được chuyển đến Viện Huyết học truyền máu T.Ư vì nghi ngờ bệnh ở máu. Tại đây, xét nghiệm cũng không thấy bệnh về máu, nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên chuyển ông đi xét nghiệm.
Kết quả thật bất ngờ, kiểm tra 10 loài ký sinh trùng nghi ngờ thì ông bị nhiễm 4 loài: giun đũa chó, giun lươn ruột, giun đầu gai, giun lươn não với hiệu giá kháng thể rất cao (1/800 là gấp đôi ngưỡng dương).
GS.TS Nguyễn Văn Đề, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội, cho biết ông H. được hai người xốc nách hai bên dìu đến trong tình trạng bụng trướng to như bà bầu, người yếu, phù thũng nặng, tiên lượng sống rất ít. Rất may sau khi phát hiện ký sinh trùng, bệnh nhân được cho uống thuốc đặc hiệu đáp ứng tốt và đã tự mình đi từ Nghệ An ra khám lại.
Chết do giun lươn
GS.TS Nguyễn Văn Đề giải thích cả 4 loài ký sinh trùng ở ông H. đều có thể gây đau và phù cho bệnh nhân. Ấu trùng giun đũa chó theo đường máu chu du đến ký sinh khắp nơi trên cơ thể như não, mắt, gan, phổi, cơ... và gây ra các triệu chứng bệnh ở các cơ quan này.
Các triệu chứng lâm sàng đa dạng tùy thuộc vào nơi ấu trùng di chuyển đến như: mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon, đau bụng âm ỉ, sốt nhẹ, ngứa nổi mẩn, sụt cân hoặc phù (tăng cân do giữ nước) và gây rối loạn chuyển hóa...
Trường hợp nhiễm giun ở mắt có thể gây giảm thị lực, mù; nhiễm ở phổi gây viêm phổi, tràn dịch màng phổi; nhiễm ở não gây viêm não, nhức đầu, co giật, động kinh; ở cơ gây phù, thậm chí gây rối loạn tủy xương như xuất huyết giảm tiểu cầu.
Giun đầu gai tạo khối u di chuyển trong cơ thể gây phù. Giun lươn ruột ký sinh ở ruột gây viêm ruột, gây rối loạn hấp thu và gây phù dinh dưỡng (giảm nồng độ đạm trong máu). Giun lươn não gây phù não, gây các triệu chứng về thần kinh - giảm và mất trí nhớ...
Đau nhức là do ký sinh trùng tác động lên dây thần kinh gây đau. Thực tế trước đây cũng có một bệnh nhân nam trên 70 tuổi bị tử vong do nhiễm giun lươn gây phù toàn thân mà không biết. Khi phát hiện ra thì bệnh đã quá nặng.
Về phần ông H. thì ông kể sau khi uống thuốc trị giun một đêm ông nhấc được chân lên. Sau ba tuần điều trị ông giảm được 15kg (cao 1,59m, nặng 80kg nay còn 65kg), phần trên cơ thể từ trên xuống đã hết đau, từ hông xuống đi lại còn đau nhẹ.
Bệnh nguy hiểm
nhưng chưa được
quan tâm đúng
GS.TS Đề nhấn mạnh các loài ký sinh trùng đều chiếm thức ăn và gây suy yếu cơ thể, đồng thời làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Ví dụ sán lá gan nhỏ gây giảm chất lượng mật, gây rối loạn tiêu hóa, dày đường mật, kém đàn hồi, tắc mật, xơ gan cổ trướng và có liên quan đến ung thư đường mật.
Sán lá gan lớn gây tổn thương gan dạng u hay dạng áp xe gan, hủy hoại tế bào gan, dễ chẩn đoán nhầm với ung thư gan, có thể vỡ gan và sán có thể di chuyển nhiều nơi gây tai biến nguy hiểm. Sán dây gây kích thích tại chỗ, giảm hấp thu, ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt... Hoặc giun xoắn gây đau cơ, co cơ, nhất là cơ tim và cơ hoành dẫn đến chết người. Giun đầu gai, sán nhái gây phù nề tại chỗ, chèn ép, giun lươn não gây viêm màng não...
Ngoài ra, giun sán còn tiết ra nhiều chất gây độc cho cơ thể dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, nhức đầu, có khi rối loạn tâm thần, sẩn ngứa, nổi mề đay, nặng gây tử vong (như nhiễm giun xoắn). Các loại đơn bào gây một số hội chứng như lỵ amíp, áp xe gan/não do amíp, rối loạn tiêu hóa...
Đặc biệt, không chỉ người dân không biết đến bệnh mà cả các bác sĩ lâm sàng cũng dễ bỏ sót. Bởi ở giai đoạn đầu của bệnh, nhất là khi bệnh nhân mới nhập viện, trừ khi bệnh nhân có bạch cầu toan tính tăng cao trong máu, các bác sĩ mới nghĩ tới bệnh gì đó có liên quan đến ký sinh trùng và cho xét nghiệm chung chung về huyết thanh chẩn đoán bệnh.
Cùng quan điểm này, BS.CKI Nguyễn Văn Tuấn, bộ môn thần kinh Viện Quân y 103, cho biết bệnh ở não do ký sinh trùng thường biểu hiện âm thầm, hình ảnh não tổn thương không đặc hiệu nên rất khó phát hiện.
Đặc biệt, các bác sĩ ít khi nghĩ đến nguyên nhân này nên không truy tìm dẫn đến điều trị sai, kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Trước đây, ở bộ môn bệnh do ký sinh trùng cũng ít được quan tâm, nhưng hiện nay viện đã lưu ý các bác sĩ, nhờ đó các bác sĩ cũng quan tâm hơn.
Bệnh ký sinh trùng khá phổ biến
Nhiều nơi trong cả nước có tỉ lệ mắc bệnh cao như: bệnh giun đường ruột có nơi tỉ lệ nhiễm 80-90%; ít nhất 32 tỉnh thành có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành, có nơi tỉ lệ nhiễm trên 30%; sán lá phổi lưu hành ít nhất ở 10 tỉnh, có nơi tỉ lệ nhiễm 15%; sán lá gan lớn có mặt ở ít nhất 52 tỉnh, có tỉnh trên 5.000 bệnh nhân...
Muốn phòng bệnh không bị nhiễm ký sinh trùng cần giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay trước khi ăn; thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, thịt cá tái hoặc sống...
Theo Tuổi Trẻ