Tử vong sau 2 tháng bị chó cắn, bệnh dại nguy hiểm vì sao?

Google News

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiêm vaccine phòng ngừa.

Ngày 16/10, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do mắc bệnh dại tại huyện Cư M’gar. Đây là trường hợp tử vong thứ 6 nghi do dại tính từ đầu năm đến nay.
Bệnh nhân là C.T.L nữ (1971, trú xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, tối ngày 14/10, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng co giật, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Do tình trạng bệnh nặng, tiên lượng tử vong nên gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Bệnh nhân tử vong tại nhà lúc 18h ngày 15/10.
Theo người nhà bệnh nhân, cách ngày nhập viện khoảng hai tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cắn vào cẳng chân phải và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Tu vong sau 2 thang bi cho can, benh dai nguy hiem vi sao?
 Tử vong sau 2 tháng bị chó nhà cắn, vì sao bệnh dại nguy hiểm?. Ảnh minh họa
Vì sao bệnh dại không chữa được?
Theo các chuyên gia về y tế, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh dại, vì vậy khi virus dại tấn công lên thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong lên tới 100%. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có hơn 59.000 người chết mỗi năm do bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu là do chó cắn.
Do đó, cách phòng ngừa dại hiệu quả nhất là tiêm phòng ngừa dại cho động vật nuôi, và tiêm vaccine ngừa dại ở người. Khi bị chó mèo cắn, cần rửa vết thương ngay bằng xà phòng và nước. Đó là cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại càng sớm càng tốt. Tốt nhất là trước 24 giờ sau khi bị cắn, vì tiêm càng muộn thì hiệu quả càng giảm.
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiêm vaccine phòng ngừa. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh dại, do đó mỗi người cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này và tìm hiểu các kiến thức liên quan để có thể dùng khi cần đến.
Cách phòng ngừa bệnh dại
Các chuyên gia về y tế khuyến cáo để phòng tránh bệnh dại, cần lưu ý những vấn đề sau:
Do phần lớn các trường hợp bị dại là do chó cắn nên để phòng ngừa bệnh thì việc đầu tiên cần làm đó là tiêm vắc xin để phòng bệnh cho chó, mèo. Đây là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả cao nhưng lại có thể mang lại hiệu quả rất tốt đối với cả động vật nuôi và người.
Nâng cao nhận thức về bệnh dại: Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, vì thế, cần đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của bệnh và sự quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Mỗi gia đình có vật nuôi lại càng cần chú ý về vấn đề này, đồng thời cũng cần tìm hiểu thông tin về việc phòng tránh chó cắn hay sơ cứu khi bị chó cắn,…
Phòng tránh chó cắn bằng những phương pháp như đeo rọ mõm cho chó, xích chó lại khi dắt ra đường. Nếu gặp chó dữ, bạn cần lưu ý không nên bỏ chạy, vì càng chạy thì chó sẽ càng bị kích thích bản năng săn mồi và càng trở nên hung dữ. Lúc này, bạn nên đứng yên, nhìn lảng đi nơi khác và để 2 tay 2 bên với tư thế giống như một cái cây. Trường hợp chó đã bắt đầu cắn thì nên đánh hoặc đá vào cổ họng của chúng để tự vệ.
Tiêm chủng cho người: Nhờ có vắc xin phòng bệnh dại, chúng ta đã có thể ngăn chặn được hàng trăm nghìn ca tử vong do căn bệnh này. Những trường hợp cần được tiêm phòng bao gồm:
Nhân viên tiếp xúc với người mắc bệnh dại.
Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và xử lý virus gây bệnh.
Kiểm lâm động vật hoang dã.
Người đã tiếp xúc hoặc bị cắn bởi động vật nghi ngờ mang mầm bệnh.
Ở từng giai đoạn, triệu chứng của bệnh dại sẽ khác nhau, cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Phần lớn người bệnh không xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn khởi phát: Người bệnh thường bị đau đầu, mệt mỏi, sợ hãi, khó chịu, sốt, có cảm giác đau và tê ở vết cắn- nơi bị virus dại xâm nhập và gây bệnh.
- Giai đoạn toàn phát: Khi đã tiến triển sang giai đoạn này, người bệnh thường có cảm giác mất ngủ, tăng cảm giác kích thích chẳng hạn như sợ tiếng động, sợ ánh sáng hoặc gió nhẹ. Bên cạnh đó, người bệnh dại ở giai đoạn toàn phát còn có thể bị rối loạn hệ thần kinh thực vật với một số triệu chứng như giãn đồng tử, hạ huyết áp, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt,...
Giang Thu