Theo Báo Tin Tức, nghiên cứu này do Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ), nhà virus học hàng đầu Trung Quốc, dẫn đầu. Bà Shi thường được gọi là "người dơi", nổi tiếng với các nghiên cứu về virus corona trên dơi tại Viện virus học Vũ Hán. Công trình này được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Quảng Châu, phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Quảng Châu, Đại học Vũ Hán và Viện virút học Vũ Hán.
Loại virus mới thuộc một nhánh của chủng HKU5, lần đầu tiên được phát hiện trên dơi Nhật Bản ở Hong Kong (Trung Quốc). virus này thuộc nhóm Merbecovirus, trong đó có virus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
 |
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Gyeonggi, Hàn Quốc ngày 16/12/2021. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN |
Điều đáng chú ý là virus này có khả năng gắn kết với thụ thể ACE2, cơ chế tương tự như SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19. Trong bài báo công bố trên tạp chí khoa học Cell, nhóm nghiên cứu viết: "Chúng tôi đã phát hiện và phân lập một dòng virus HKU5-CoV mới (dòng 2), có thể sử dụng không chỉ thụ thể ACE2 của dơi mà còn của con người và nhiều loài động vật có vú khác".
Khi virus được phân lập từ mẫu dơi, nó có thể xâm nhập vào tế bào người cũng như các mô nhân tạo mô phỏng cơ quan hô hấp và đường ruột. "Virus Merbecovirus từ dơi có nguy cơ cao lây nhiễm sang người, thông qua con đường truyền trực tiếp hoặc thông qua vật chủ trung gian", báo cáo cho biết.
Virus HKU5-CoV-2 không chỉ có khả năng bám vào thụ thể ACE2 của con người mà còn ở nhiều loài động vật khác, tạo ra nguy cơ lây lan sang người thông qua các vật chủ trung gian.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết virus có nguy cơ gây dịch nhưng chưa đáng lo ngại. virus thuộc nhóm Merbecovirus gồm bốn loài riêng biệt: Virus MERS, hai loại virus tìm thấy trên dơi và một loại virus tìm thấy trên nhím.
Do nguy cơ gây dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa nhóm virus này vào danh sách mầm bệnh mới cần theo dõi trong công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác gần đây do Đại học Washington, Seattle (Mỹ) và Đại học Vũ Hán thực hiện lại cho thấy virus HKU5 tuy có thể bám vào thụ thể ACE2 của dơi và động vật có vú nhưng không có khả năng bám kết hiệu quả trên người.
Bên cạnh đó, bệnh cúm vượt Covid-19 thành căn bệnh đường hô hấp nguy hiểm nhất California. Mỹ.
Theo VOV, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bệnh cúm đã vượt qua Covid-19 để trở thành căn bệnh đường hô hấp gây tử vong nhiều nhất ở bang California (Mỹ), khiến các bệnh viện tại bang này đang phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân quá tải trong bối cảnh các ca mắc bệnh cúm tăng nhanh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sự gia tăng đột biến các ca bệnh cúm diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đang ở mức thấp kỷ lục, khi chỉ có 44% người lớn và 46% trẻ em được tiêm vaccine phòng cúm trong mùa này.
Tại các phòng khám địa phương ở Bay Area, hơn 70% trường hợp xét nghiệm virus đường hô hấp hiện có kết quả dương tính với cúm, vượt qua số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), Covid-19 hay cảm lạnh thông thường. Theo cơ quan y tế công cộng California, tính đến ngày 1/2 vừa qua, tỷ lệ dương tính với xét nghiệm cúm đạt 27,8%, trong khi các trường hợp nhiễm RSV giảm xuống còn 5% và Covid-19 vẫn ở mức 2,4 %.
Kể từ ngày 1/7 năm ngoái đến nay, California đã báo cáo ít nhất 561 ca tử vong liên quan đến cúm, phần lớn là những người trên 65 tuổi. Ngoài ra, đã có 10 ca tử vong ở trẻ em. Trên toàn quốc, CDC ước tính có ít nhất 29 triệu ca mắc cúm, 370.000 ca nhập viện và 16.000 ca tử vong trong mùa cúm 2024-2025 tính đến ngày 8/2. Các chuyên gia y tế còn đặc biệt lo ngại về sự lưu hành đồng thời của hai chủng cúm A - H1N1 và H3N2 - với số lượng gần bằng nhau, một mô hình bất thường làm tăng nguy cơ lây nhiễm liên tiếp 2 chủng cúm. Hơn nữa, sự gia tăng các trường hợp nhiễm cúm thể nặng đã dẫn đến những biến chứng hiếm gặp, bao gồm viêm não hoại tử cấp tính - một tình trạng tổn thương não nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em, với tỷ lệ tử vong lên tới 50%. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Washington còn cảnh báo một xu hướng đáng lo ngại sau nhiễm cúm là viêm phổi do MRSA-một chủng vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.
Các nhân viên y tế công cộng của Mỹ đang khuyến cáo người dân nước này rằng hiện vẫn chưa là quá muộn để tiêm vaccine phòng cúm. Các chuyên gia dự đoán khả năng có thêm một đợt bùng phát cúm B vào mùa xuân này.
Bình Nguyên