Nhiệt độ thời gian gần đây tăng vọt, ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa tác hại do nhiệt, người dân cũng phải lưu ý rằng thời tiết càng nóng thì càng dễ bị cảm lạnh. Nguyên nhân là bởi ngoài trời quá nóng mà trong nhà quá lạnh sẽ khiến cơ thể không thích nghi kịp, sinh ra đủ các loại bệnh.
Theo các chuyên gia, có 3 lỗi rất nhiều người mắc khiến cơ thể gặp họa, đến mức bị cảm lạnh khi trời nóng. Cụ thể như sau:
1. Để quạt điện thổi trực tiếp vào cơ thể
Cách sử dụng quạt điện đúng cách là tăng cường đối lưu không khí thay vì thổi vào người, nhất là khi bạn đổ nhiều mồ hôi thì sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Khi chỉ sử dụng quạt điện, hãy nhớ mở cửa sổ và thổi quạt điện hướng về phía cửa sổ để khí nóng trong nhà thoát ra ngoài và tạo ra sự lưu thông hiệu quả.
Nếu sử dụng điều hòa, hãy đóng các cửa sổ và hướng quạt về phía có gió để tăng tốc độ làm mát cho căn phòng và tiết kiệm điện năng. Nếu trong nhà có cầu thang, có thể đặt quạt điện dưới chân cầu thang và thổi lên tầng trên để không khí lưu thông.
2. Thường xuyên ra vào phòng điều hòa
Sức nóng khó chịu thường buộc mọi người phải ở trong phòng điều hòa, nhưng chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời quá lớn, cơ chế kiểm soát nhiệt độ của cơ thể không thể điều chỉnh nhanh chóng, dễ dẫn đến các triệu chứng cảm như nghẹt mũi, sổ mũi.
Nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức khoảng 26 độ, không được để quá thấp, tránh ra vào điều hòa thường xuyên trong thời gian ngắn, đồng thời bổ sung nhiều nước để thúc đẩy quá trình tuần hoàn, trao đổi chất tránh tích tụ nhiệt trong cơ thể.
3. Môi trường quá ẩm ướt
Độ ẩm ở Việt Nam vào mùa hè thường cao hơn 70%, cơ thể có xu hướng cảm thấy nhớp nháp khó chịu hoặc dị ứng mũi, nhiều người chỉ muốn bật điều hòa cho nhanh mà bỏ qua tầm quan trọng của việc hút ẩm.
Độ ẩm trong nhà được khuyến nghị duy trì ở mức 50% ~ 55%, đây là phạm vi dễ chịu cho cơ thể con người, chỉ cần bạn bật máy hút ẩm và kết hợp với quạt, cảm giác khô thoáng sẽ ngay lập tức tăng lên, sẽ tiết kiệm điện năng hơn so với chế độ hút ẩm của điều hòa.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nắng nóng đỉnh điểm, chú ý dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị sốc nhiệt
Kiều Dụ (Theo ET)