Nghiên cứu này sẽ được trình bày tại Đại hội vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID 2022) ở Lisbon, Bồ Đào Nha vào tháng tới. Theo Fox News, công trình của nhóm chuyên gia tại Đại học Florence và Bệnh viện Đại học Careggi, Italy, phát hiện người nhiễm Alpha có triệu chứng thần kinh, cảm xúc sau khi mắc Covid-19 khác với nhóm nhiễm chủng virus gốc.
Người phải dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao gấp 6 lần
Nghiên cứu được thực hiện trên 428 bệnh nhân được điều trị tại dịch vụ ngoại trú sau Covid-19 của Bệnh viện Đại học Careggi từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021. Đây là thời kỳ biến chủng Alpha đang gây ra làn sóng Covid-19 mạnh mẽ tới dân số trên toàn cầu.
Những người này đã phải nhập viện vì Covid-19 và xuất viện được 4-12 tuần trước khi tham gia khám lâm sàng tại dịch vụ ngoại trú của Bệnh viện Đại học Careggi. Họ hoàn thành bảng hỏi về những triệu chứng dai dẳng trung bình sau 53 ngày xuất viện.
Theo báo cáo thu thập được, 76% (325/428) bệnh nhân gặp ít nhất một triệu chứng dai dẳng dù đã khỏi Covid-19. Các triệu chứng phổ biến nhất là khó thở (37%), mệt mỏi mạn tính (36%). Tiếp theo là những vấn đề về giấc ngủ (16%), sương mù não (13%), thị giác (13%)…
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nhận thấy người bị Covid-19 nghiêm trọng, phải dùng thuốc ức chế miễn dịch như tocilizumab, có khả năng gặp các triệu chứng kéo dài cao gấp 6 lần. Người cần thở oxy dòng cao có nguy cơ cao hơn 40%.
Ngoài ra, các kết quả cũng cho thấy phụ nữ có khả năng gặp di chứng cao gấp đôi so với nam giới. Các tác giả lưu ý bệnh nhân tiểu đường type II có ít nguy cơ phát triển triệu chứng kéo dài và họ cần nghiên cứu sâu hơn về phát hiện này.
Thay đổi đáng kể về thần kinh, nhận thức ở người nhiễm Alpha
Sau khi đánh giá sâu hơn về các triệu chứng Covid-19 kéo dài, các nhà khoa học phát hiện sự thay đổi đáng kể giữa vấn đề thần kinh, nhận thức, cảm xúc ở người nhiễm bệnh trong giai đoạn tháng 3-12/2020 và tháng 1-4/2021. Thời điểm tháng 3-12/2020 là giai đoạn chủng SARS-CoV-2 ban đầu chiếm ưu thế. Trong khi đó, tháng 1-4/2021 là lúc biến chủng Alpha bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu.
Báo cáo của nhóm chuyên gia Italy cho biết họ phát hiện khi Alpha chiếm ưu thế, tỷ lệ đau nhức cơ bắp, mất ngủ, sương mù não và lo lắng/trầm cảm tăng lên đáng kể. Trong khi đó, mất khứu giác, rối loạn chức năng (cảm giác méo mó) và ảnh hưởng đến khả năng nghe ít phổ biến hơn.
Tiến sĩ Michele Spinicci, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh: "Thời gian kéo dài, phạm vi rộng của các triệu chứng nhắc nhở chúng ta vấn đề này sẽ không biến mất và cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ, bảo vệ những người gặp di chứng lâu dài. Nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào tác động tiềm ẩn của các biến chủng đáng quan ngại, tiêm chủng với những triệu chứng đang xuất hiện".
Nghiên cứu tại Italy cho thấy người nhiễm Alpha có tỷ lệ đau nhức cơ bắp, mất ngủ, sương mù não và lo lắng/trầm cảm tăng lên đáng kể. Ảnh: Freepik.
Tiến sĩ Aaron Glatt, Trưởng khoa truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Mount Sinai South Nassau ở New York, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, cho rằng sự khác biệt này là điều dễ hiểu. Nếu không có khác biệt mới là điều khiến giới khoa học cần đặt câu hỏi.
Ông Glatt cũng là người phát ngôn của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ cũng cho biết. Fox News dẫn lời vị chuyên gia: "Rõ ràng các biến chủng khác nhau có khả năng lây lan, gây bệnh nặng khác nhau. Tương tự, một số có thể ảnh hưởng khác nhau tới từng nhóm tuổi. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tác động hậu Covid-19 của nó cũng khác biệt giữa các biến chủng".
Trong nghiên cứu, nhóm tác giả tại Italy nhấn mạnh nghiên cứu này chỉ mang tính chất quan sát, không chứng minh được nguyên nhân, kết quả. Họ không thể xác định biến chủng nào đã gây ra các ca mắc Covid-19 của tình nguyện viên. Điều này có thể khiến kết luận của họ bị lung lay.
Do đó, các nhà khoa học cho rằng cần nhiều hơn nghiên cứu lâm sàng để chứng minh hoặc phản biện cho kết luận này.
Dù vậy, tiến sĩ Michele Spinicci, cho rằng: "Nhiều triệu chứng được báo cáo trong nghiên cứu này đã được đo lường, nhưng đây là lần đầu tiên chúng có liên quan các biến chủng nCoV khác nhau".
Tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa định nghĩa mới về hội chứng Covid-19 kéo dài. Đây là tình trạng có thể xuất hiện sau đợt mắc Covid-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, khẳng định: "Long Covid có thể xảy ra ở bất kỳ biến chủng virus nào. Không có bằng chứng về sự khác biệt giữa Delta, Beta hay Omicron”.
Theo Thiên Nhan/Zing