Người ta thường cho rằng trẻ em không phải chịu áp lực cuộc sống nên sống vô tư và ít mắc bệnh tâm lý. Điều đó có đúng không? Bác sĩ Vương Phương - Phó trưởng khoa Tâm thần học và Tâm lý học tại Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh, Trung Quốc, đã sử dụng dữ liệu nghiên cứu để trả lời câu hỏi này.
Tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở trẻ em ngày càng tăng
Theo điều tra dịch tễ toàn quốc mới nhất ở Trung Quốc về tỷ lệ mắc bệnh tâm lý ở trẻ em và thanh thiếu niên, 17,5% học sinh tiểu học và trung học cơ sở tham gia điều tra mắc bệnh tâm lý.
Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý là phổ biến nhất với tỷ lệ mắc cao tới 6,4%. Ngoài ra, các vấn đề về cảm xúc như rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm không phải là hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, tỷ lệ phổ biến của chúng lần lượt là 4,7% và 2,3%.
Đặc biệt, trong số 5,5% số người được hỏi đáp ứng chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối và rối loạn hành vi, 2,5% có biểu hiện rối loạn tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được).
|
Ảnh minh họa. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuổi tác, giới tính và trình độ phát triển kinh tế đều có tác động đến việc xuất hiện bệnh tâm lý. Nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh tâm lý cao hơn ở nam giới, thanh thiếu niên và các khu vực kinh tế phát triển. Các bé trai có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, trong khi các bé gái có tỷ lệ trầm cảm và rối loạn ăn uống cao hơn.
Nghiên cứu này đã chọn 81 trường tiểu học và 88 trường trung học cơ sở từ 5 khu vực Bắc Kinh, Liêu Ninh, Giang Tô, Hồ Nam và Tứ Xuyên thông qua phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, sàng lọc 72.992 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại các điểm trường.
Khác với hầu hết các nghiên cứu trong nước trước đây chỉ thu thập số liệu thống kê thông qua bảng câu hỏi hoặc sàng lọc thang điểm, nghiên cứu này bổ sung phỏng vấn bác sĩ tâm thần trên cơ sở bảng câu hỏi sàng lọc để chẩn đoán bệnh, chẩn đoán chặt chẽ hơn.
Kết quả của các nghiên cứu trên cho thấy rõ ràng bệnh tâm lý ở trẻ em không phải là hiếm và tỷ lệ mắc đang có xu hướng gia tăng.
Cần nâng cao nhận thức của cha mẹ về bệnh tâm thần ở trẻ em, nếu thấy trẻ có biểu hiện này, phải đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia, đáng lưu ý là nhận thức của cha mẹ về các vấn đề tâm thần, tâm lý của trẻ chưa đầy đủ nên dễ dẫn đến chậm trễ trong điều trị.
Ví dụ, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý phổ biến, là một căn bệnh được đặc trưng bởi sự thiếu tập trung, hiếu động thái quá và bốc đồng. Nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu rõ về căn bệnh này, cho rằng việc trẻ bất cẩn, trốn tránh làm bài tập là do thái độ học tập chưa đúng, hiếu động là nghịch ngợm, thiếu kỷ luật.
Lo lắng và trầm cảm ở trẻ em cũng thường không điển hình, nhiều trẻ em mắc bệnh trầm cảm sẽ không có biểu hiện u ám và chán nản mà sẽ dễ cáu kỉnh, dễ nổi cơn thịnh nộ, cha mẹ thường cho rằng đây là biểu hiện của sự nổi loạn ở tuổi vị thành niên.
Một số trẻ em trầm cảm cũng sẽ biểu hiện các loại khó chịu về thể chất, chẳng hạn như đánh trống ngực, nghẹt thở, đau bụng, đau đầu, v.v. Trẻ bị rối loạn tic sẽ chớp mắt, nhăn mũi, hắng giọng… và cha mẹ thường đưa trẻ đến các khoa tai mũi họng hoặc khoa mắt, không nghĩ đến chuyện tâm lý.
Cũng có một số cha mẹ nhận thấy con mình có thể có vấn đề về tâm thần, tâm lý nhưng lại có tâm lý kỳ thị, xấu hổ khi đưa con đi khám chuyên nghiệp về tâm thần, tâm lý. Sau khi cha mẹ phát hiện ra con mình có những cảm xúc bất thường, họ thích giải quyết vấn đề bằng cách cho con thư giãn hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Đôi khi, ngay cả khi đứa trẻ liên tục đòi gặp bác sĩ tâm lý, các bậc cha mẹ vẫn rất miễn cưỡng.
Những tình huống này sẽ khiến nhiều trẻ bỏ lỡ cơ hội được can thiệp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình. Cha mẹ nên xác định càng sớm các vấn đề về tinh thần, tâm lý mà trẻ có biểu hiện và tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn sớm nhất có thể.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Số người tự tử do trầm cảm đang ngày càng nhiều
Kiều Dụ (Theo SH)