Trào lưu ăn trái cây nướng: Thơm ngon hơn...có hao hụt dinh dưỡng?

Google News

Trào lưu ăn trái cây nướng được nhiều người đón nhận, đặc biệt vào mùa lạnh. So với cách ăn trực tiếp, trái cây nướng được khen thơm ngon hơn.

Trào lưu ăn trái cây nướng không mới song mỗi khi vào mùa lạnh, cách ăn này lại được nhiều người áp dụng. So với ăn trực tiếp, trái cây nướng ấm nóng dễ thưởng thức. Đồng thời, trái cây nướng còn có mùi thơm quyến rũ và vị ngọt đậm hơn.
Trái cây nướng thơm ngon, hấp dẫn hơn song nhiều người băn khoăn cách ăn này liệu có làm hao hụt dinh dưỡng. Chuyên gia cho rằng, trong mỗi quả, tùy từng chất sẽ có sự hao hụt hoặc tăng lên.
Vitamin C dễ hao hụt. Vitamin C dễ phân hủy khi gặp nhiệt độ cao. Do vậy, hàm lượng chất này trong trái cây nướng sẽ hao hụt một phần. Điều thú vị là vitamin C dễ hao hụt song không mất đi hoàn toàn. Thí nghiệm cho thấy, cam quýt cho vào nước nhiệt độ 95°C trong 3 phút, lượng vitamin C sẽ giảm khoảng 30%.
Trao luu an trai cay nuong: Thom ngon hon...co hao hut dinh duong?
 Những loại trái cây giàu vitamin C như cam quýt, kiwi, dâu tây,... không nên làm nóng bởi dễ hao hụt dinh dưỡng. Ảnh: ABLW
Nghiên cứu cũng chỉ ra, dâu tây làm nóng trong lò vi sóng có lượng vitamin C thất thoát ít hơn so với cách hấp. Nhiệt độ càng cao, thời gian làm nóng càng lâu thì lượng vitamin C bị thất thoát càng nhiều.
Có thể nói, những trái cây giàu vitamin C như cam, kiwi, dâu tây,... không nên làm nóng để tránh hao hụt vitamin C. Vậy nhưng, nếu thích hương vị thơm ngon của trái cây làm nóng thì bạn cũng không cần quá lo lắng. Nên hâm chúng bằng lò vi sóng để lượng vitamin C không mất đi hoàn toàn và có thể bổ sung bằng cách ăn những thực phẩm khác.
Khoáng chất và chất xơ. Khoáng chất và chất xơ trong trái cây khó phân hủy khi làm nóng. Do vậy, ăn trái cây nướng không ảnh hưởng đến lượng khoáng chất và chất xơ trong chúng. Lưu ý, nếu sử dụng chúng làm súp, một số khoáng chất sẽ hòa tan trong nước. Để không lãng phí, bạn nên kết hợp ăn nước súp và trái cây.
Polyphenol. Các nhà khoa học từng so sánh tác dụng chống oxy hóa 17 loại trái cây và rau quả sau khi hấp, luộc và hâm nóng bằng lò vi sóng. Kết quả cho thấy, polyphenol giảm nhẹ sau khi hấp hoặc luộc nhưng tăng lên khi làm nóng bằng lò vi sóng. Trong số đó, hàm lượng polyphenol và khả năng loại bỏ gốc tự do của quất, lê, táo và táo gai tăng lên sau khi xử lý bằng lò vi sóng.
Trao luu an trai cay nuong: Thom ngon hon...co hao hut dinh duong?-Hinh-2
 Nướng dứa giúp bất hoạt protease, ăn không lo rát miệng. Ảnh: ABLW
Từ những phân tích trên, nếu yêu thích hương vị của trái cây nướng, bạn có thể thử mà không cần lo lắng. Thậm chí, trái cây nướng cũng có những ưu điểm vượt trội so với việc ăn trực tiếp.
Chẳng hạn, nếu mắc hội chứng ruột kích thích, thường cảm thấy khó chịu, dễ tiêu chảy khi đồ ăn lạnh thì bạn có thể tham khảo trái cây nóng. Việc làm nóng giúp người ăn tránh được kích thích lạnh tới dạ dày và ruột. Kết cấu của trái cây nóng cũng mềm hơn, thích hợp với những người có chức năng tiêu hóa kém, chán ăn.
Làm nóng trái cây cũng giúp chúng thơm ngon hơn, đặc biệt những loại quả chứa nhiều đường như chuối, lê, táo, sầu riêng,...Đường trong trái cây sẽ trải qua quá trình caramen hóa hoặc phản ứng Maillard ở nhiệt độ cao trở nên ngọt hơn, tỏa ra mùi thơm đậm đà.
Làm nóng trái cây cũng có thể làm bất hoạt protease trong dứa. Nhờ vậy, dứa trở nên ngọt ngào, mọng nước mà không lo rát miệng.
Làm nóng trái cây còn giúp bạn cải thiện hương vị những quả không ngon, vị nhạt. Thay vì vứt chúng đi, bạn có thể làm nóng chúng. Quả sẽ bốc hơi nước, tập trung các chất tạo hương vị, khiến chúng trở nên thơm ngon và ngọt hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Ngâm hóa chất để trái cây chín nhanh

Nguồn video: HGTV

Định Tâm (Theo ABLW)