TPCN Kim Thần Khang quảng cáo lập lờ như thuốc... nên tẩy chay?

Google News

(Kiến Thức) - TPCN Kim Thần Khang ngang nhiên quảng cáo, thậm chí "mời" giáo sư tiến sĩ, chuyên gia y tế tư vấn lập lờ như thuốc khiến người tiêu dùng cảm giác như bị "lừa dối" mua hàng. Vậy, có nên tẩy chay nhãn hàng này?

Thông tin về thực phẩm chức năng Kim Thần Khang (TPCN) ngang nhiên quảng cáo như thuốc điều trị bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, đau nhức mình mẩy…, đang gây bức xúc dư luận.
TPCN Kim Than Khang quang cao lap lo nhu thuoc... nen tay chay?
 TPCN Kim Thần Khang quảng cáo lập lờ như thuốc... nên tẩy chay?
Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ đang bị các quảng cáo trên website www.kimthankhang.com.vn và trên một số fanpage facebook “đánh lừa” bởi những ngôn từ có cánh: "Tác động đa chiều: giảm căng thẳng, hồi hộp, mất ngủ, mệt mỏi; tham gia vào quá trình phục hồi chức năng cho tế bào não giúp ổn định và ngăn ngừa tái phát"... hay những dòng quảng cáo nổi bật "Kim Thần Khang - Giải pháp đẩy lùi rối loạn lo âu, trầm cảm mất ngủ", rồi sau đó là loạt công dụng của sản phẩm: "Dưỡng não, nâng cao sức khỏe tâm...", "Tăng cường sức khỏe thần kinh..."...
TPCN Kim Than Khang quang cao lap lo nhu thuoc... nen tay chay?-Hinh-2
Những ngôn từ có cánh quảng cáo sản phẩm Kim Thần Khang trên website www.kimthankhang.com.vn.
Chia sẻ với Kiến Thức, một số người tiêu dùng bày tỏ sự bức xúc và thẳng thắn kêu gọi tẩy chay sản phẩm này nếu như nhà sản xuất và nhà phân phối không trung thực truyền thông về sản phẩm.
Anh Nguyễn Tuấn (40 tuổi, Trương Định, Hà Nội) bức xúc nói: “Ban đầu đọc trên website thấy quảng cáo Kim Thần Khang có thể điều trị bệnh cứ tưởng là thuốc thật. Doanh nghiệp làm ăn kiểu vớ vẩn, gian dối như thế thì chắc gì sản phẩm đã chất lượng, tốt nhất nên cạch mặt luôn sản phẩm đấy”.
Tương tự, chị Thanh Huyền (37 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhấn mạnh: “Thị trường kinh doanh thời buổi này cạnh tranh rất khốc liệt, Kim Thần Khang chỉ là thực phẩm chức năng lại đi quảng cáo mập mờ, sai công dụng để “đánh lừa” người tiêu dùng như thế chẳng thể nào tồn tại được đâu. Mọi người từ nay nên thận trọng khi có ý định sử dụng sản phẩm này, bởi nếu ngay kiểu tung ra thị trường mà đã có dấu hiệu lừa người khác thì chất lượng liệu có đảm bảo?”.
“Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay để kiểm tra, xác minh. Đồng thời xử lý nghiêm việc sản phẩm Kim Thần Khang quảng cáo “lừa” người tiêu dùng”, anh Thanh Hà (30 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đề nghị.
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Kim Thần Khang do Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ (Lô A2CN1 - Cụm Công nghiệp tập trung vừa và nhỏ Từ Liêm, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) sản xuất và được Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - AEROPHA (số 171 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) tiếp thị, phân phối.
Bên cạnh nội dung quảng cáo thổi phồng công dụng, điểm đáng chú ý khác là website https://www.kimthankhang.com.vn còn đăng dẫn video của GS.TS Nguyễn Văn Thông - Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, TS.BCCKII Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cùng một số chuyên gia nổi tiếng chia sẻ, tư vấn sử dụng Kim Thần Khang.
Mời độc giả cùng xem video đăng dẫn GS.TS Nguyễn Văn Thông nói về công dụng của TPCN Kim Thần Khang:

TS.BCCKII Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nói về TPCN Kim Thần Khang.

Với việc quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN Kim Thần Khang như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh GS.TS, bác sĩ, chuyên gia nổi tiếng để lập lờ TPCN Kim Thần Khang có tác dụng trị bệnh, Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ cho biết: "Chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng bên Á Âu (tức Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - PV). Tất cả các quảng cáo, tiếp thị như nào là thuộc của họ hết". Hiện, phía Công ty Á Âu vẫn chưa lên tiếng về sự việc này.
Theo tìm hiểu và đối chiếu văn bản pháp luật, tại khoản 2 Điều 27 chương 8 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định rõ về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 3 Điều 27 chương 8 của Nghị định này cũng nhấn mạnh: “Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền”.
Đặc biệt tại Điều 8 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ghi rất rõ: Nghiêm cấm các hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc.
Bảo Ngân