TP HCM thay đổi chiến lược xét nghiệm, tăng tốc độ tìm F0

Google News

Khi dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng tại TP HCM, phương pháp test nhanh sẽ giúp cơ quan chức năng gom được nhiều F0 "lang thang".

TP HCM thay doi chien luoc xet nghiem, tang toc do tim F0

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Gần một tháng giãn cách xã hội, tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM còn khá phức tạp với nhiều cụm lây nhiễm nhỏ, nhiều ca mắc rải rác chưa xác định nguồn lây. Cũng trong đợt này, thành phố và Bộ Y tế đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm sớm ổn định tình hình dịch.

Một trong những thay đổi lớn của chiến lược xét nghiệm tại TP HCM là áp dụng test nhanh kháng nguyên.

Hiệu quả của test nhanh

Theo TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên nguyên lý bắt cặp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể.

Cụ thể, kháng thể đặc hiệu với virus SARS-CoV-2 được gắn lên que thử, sau đó dùng dịch ngoáy họng hoặc dịch hô hấp, tỵ hầu, nước bọt…, nhỏ lên que thử. Nếu có phản ứng (biểu hiện bằng chỉ thị màu giống que thử thai), nghĩa là có virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm.

Ưu điểm của xét nghiệm này là đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh (dưới 60 phút), ít bị phụ thuộc vào thời gian virus xâm nhập cơ thể. Do đó, test nhanh kháng nguyên giúp chẩn đoán sớm ngay giai đoạn mới nhiễm (thay vì cần 7-10 ngày sau phơi nhiễm như xét nghiệm phát hiện kháng thể).

Về nhược điểm, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy kém hơn xét nghiệm rRT-PCR, dễ bỏ sót các ca nhiễm bệnh. Các kết quả dương tính của phương pháp này vẫn cần phải khẳng định lại bằng xét nghiệm rRT-PCR.

Đối với tác dụng của phương pháp này trong việc kiểm soát dịch tại TP HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết: "Test nhanh giúp thành phố gom được nhiều F0 lang thang".

Theo ông, khi dịch xuất hiện nhiều trong cộng đồng, việc phụ thuộc vào phương pháp rRT-PCR sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng xét nghiệm, trong khi thành phố cần ưu tiên tốc độ.

TP HCM thay doi chien luoc xet nghiem, tang toc do tim F0-Hinh-2

Test nhanh kháng nguyên cho kết quả sau 30 phút tại Công ty PouYuen. Ảnh: Duy Hiệu.

Với chỉ đạo triển khai test nhanh kháng nguyên tại TP HCM của Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Khanh cho rằng nếu mô hình này được triển khai rộng rãi, tình hình dịch của thành phố sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

"Test nhanh là bước xét nghiệm giúp chúng ta xác định được kết quả âm - dương trong 30 phút. Khi áp dụng rộng rãi phương pháp này, ngành y tế có thể tìm được F0 ngoài cộng đồng nhanh hơn một bước, sớm hơn so với việc để F0 tiếp tục lang thang và chỉ được phát hiện khi họ đến bệnh viện tầm soát", bác sĩ Khanh nói.

"Chỉ dựa trên phương pháp rRT-PCR trong tình huống dịch xuất hiện nhiều trong cộng đồng sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng xét nghiệm, trong khi thành phố cần ưu tiên tốc độ"

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP HCM

Theo chuyên gia này, khi áp dụng test nhanh, mục tiêu lớn nhất là tìm thấy F0 sớm. Các trường hợp cần được test nhanh ưu tiên nhất là những người sống trong khu phong tỏa. Ngoài ra, test nhanh cũng cần được phân bổ tại những địa điểm người dân dễ dàng tiếp cận như phòng khám đa khoa, bệnh viện tư nhân, khu vực sàng lọc...

"Với ưu tiên tìm thấy F0 càng sớm càng tốt, chỉ test nhanh kháng nguyên mới làm được điều này. Còn nếu vẫn chỉ dựa vào xét nghiệm rRT-PCR thì năng lực của thành phố sẽ khó đảm đương được việc trả kết quả sớm. Khi F0 trong cộng đồng nhiều và dịch dàn trải, xét nghiệm rRT-PCR khó bắt kịp đường đi của virus", chuyên gia này nhận định.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi dịch bệnh bùng phát, nếu trong cộng đồng nhiều F0 lang thang, phương pháp ưu tiên là test nhanh kháng nguyên song song xét nghiệm rRT-PCR. Khi số lượng F0 trong cộng đồng giảm, test nhanh không phát huy được hiệu quả mà cần áp dụng xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp.

TP HCM thay doi chien luoc xet nghiem, tang toc do tim F0-Hinh-3

243.533 người dân ở 4 phường An Lạc A, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B được lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR theo hình thức gộp 5 trong đêm 22/6. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chia sẻ với Zing về biện pháp lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm trong vòng 10 ngày của ngành y tế thành phố, bác sĩ Khanh cho rằng đây là giải pháp hợp lý và quyết liệt. Tuy nhiên, với số lượng 500.000 mẫu mỗi ngày, ngành y tế cần tính toán việc thời gian trả kết quả. "Càng kéo dài thời gian trả kết quả càng tiềm ẩn nguy hiểm hơn", ông nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý việc đẩy mạnh công suất lấy mẫu sẽ có nhiều vấn đề cần được giải quyết, đó là sự tập trung đông đúc tại khu vực lấy mẫu; thiếu nhân lực điều phối và giữ an ninh trật tự, giãn cách; nhân viên y tế làm việc dồn dập nên dễ lấy mẫu sai và không chú ý khử khuẩn tay sau mỗi lượt lấy mẫu.

"Lấy mẫu sai là điều rất nguy hiểm. Lấy mẫu dồn dập như vậy cũng có nguy cơ lây nhiễm cao, khó đảm bảo 5K. Trong khi đó, chúng ta có thể lấy mẫu với số lượng ít hơn nhưng mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn", bác sĩ Khanh nói.

Cùng quan điểm, một chuyên gia dịch tễ ở TP HCM cho rằng giai đoạn này, TP HCM nên thay đổi phương án xét nghiệm. Trong đó, phương pháp ưu tiên là xét nghiệm nhanh, đơn giản, trả kết quả sớm. Khi có xét nghiệm nhanh dương tính, hệ thống truy vết từ đó được kích hoạt sớm, ngăn chặn việc hình thành ổ dịch mới.

Test nhanh kháng nguyên không có độ chính xác cao như rRT-PCR, nhưng phương pháp này giúp ngành y tế tầm soát diện rộng trong cộng đồng.

“Phương pháp này rất đơn giản, hầu hết bệnh viện tư tại TP HCM đã làm và người dân cũng có thể tự thực hiện tại nhà. Thực tế, rất nhiều ca dương tính không rõ nguồn lây ở TP HCM được phát hiện nhờ test nhanh tại các bệnh viện tư. Nếu chúng ta tìm thấy F0 bằng test nhanh sớm hơn, trước khi họ đến bệnh viện và được phát hiện ở bệnh viện, chúng ta sẽ sớm kiểm soát tình hình”, chuyên gia này nói thêm.

Tập trung kit test nhanh cho TP HCM 

"Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây" - đó là ưu tiên trong kiểm soát, dập dịch COVID-19 tại thành phố. Điều này được ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nêu ra trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành y tế đang áp dụng 2 phương pháp là xét nghiệm rRT-PCR khẳng định mẫu đơn và mẫu gộp. Ngoài ra, phương pháp thứ 2 mới được áp dụng trong đợt dịch bùng phát lần 4 là test nhanh kháng nguyên.

TP HCM thay doi chien luoc xet nghiem, tang toc do tim F0-Hinh-4

TP HCM thực hiện test nhanh kháng nguyên với công nhân Công ty PouYuen (quận Bình Tân) ngày 10/6. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Sở Y tế TP HCM, tại vùng có ổ dịch, lực lượng y tế sẽ sử dụng test nhanh kháng nguyên quét ngay đối với các trường hợp tiếp xúc gần. Sau khi có kết quả test nhanh, người có kết quả dương tính sẽ được cách ly ngay, sử dụng xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn. Với người có test nhanh âm tính, lực lượng y tế sẽ xét nghiệm mẫu gộp nhằm xác định kết quả chắc chắn âm tính với SARS-CoV-2.

"Không nhất thiết phải quá mất công sức vào phương pháp rRT-PCR"

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Trước đó, trong buổi kiểm tra khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng TP HCM không nhất thiết phải đặt nặng việc xét nghiệm rRT-PCR mà cần dùng test nhanh.

Ông gợi ý thực hiện test nhanh 3-5 ngày/lần và đến ngày thứ 14 mới làm xét nghiệm rRT-PCR để khẳng định. "Không nhất thiết phải quá mất công sức vào rRT-PCR", ông Long nhấn mạnh.

Trong buổi thăm khu sản xuất bộ xét nghiệm nhanh của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chất lượng bộ xét nghiệm nhanh này tương đương hàng nhập khẩu, giá chỉ bằng 1/3. Ông chỉ đạo: "Có bao nhiêu tập trung cho TP HCM bấy nhiêu". Theo kế hoạch, khoảng 80.000 bộ test nhanh đã được chuyển từ Hà Nội về sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, đối với các khu vực đang phong tỏa quanh ổ dịch, chính quyền địa phương sẽ phối hợp lực lượng y tế để đánh giá tình hình dịch tễ. Nếu nhận định khu vực này có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng, cơ quan chức năng có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng (theo các khu phố hoặc phường…) để kiểm soát dịch.

TP HCM đang xếp thứ hai cả nước về tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát lần 4 với 3.218 ca, sau Bắc Giang (5.630 ca).

Đến nay, thành phố ghi nhận nhiều cụm lây nhiễm, nổi bật như điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (608 ca), Công ty Hanjoo Trade (186 ca), chợ đầu mối Hóc Môn - chợ Sơn Kỳ - chợ Tân Hương (hơn 100 ca), vựa ve chai Đề Thái (100 ca), chung cư Ehome 3 (333 ca)... Hiện tại, hầu như mỗi ngày, thành phố đều ghi nhận thêm ca mắc mới qua sàng lọc bằng test nhanh tại các cơ sở y tế.

Theo Bích Huệ/ Zing