Câu chuyện đầu tiên, cũng là câu hỏi bé hay thường hỏi mẹ nhất: “Tết Trung thu từ đâu mà có?”
Chuyện sự tích Trung thu bắt nguồn từ một đêm trăng rằm tháng tám, vua Đường bỗng ao ước được lên cung trăng. Nhờ một vị pháp sư, vua đã được lên mặt trăng như ý nguyện. Tại đó, nhà vua được đón tiếp linh đình. Hàng trăm tiên nữ xinh tươi mặc áo lụa nhiều màu sắc rực rỡ, tay cầm tấm lụa trắng tung múa trên sân, vừa múa vừa hát khúc Nghê Thường vũ y. Vua Đường thích quá, vừa trầm trồ khen ngợi vừa nhẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ trình diễn.
|
Ảnh minh họa. |
Lần nọ, nhà vua thấy điệu múa của một nhóm vũ nữ có nhiều chỗ giống Nghê Thường vũ y, liền chỉnh đốn hai bài hát và hai điệu làm thành Nghê Thường vũ y khúc. Sau này, nó được ngân lên vào mỗi dịp rằm Trung thu, để mọi người tụ tập vui chơi, ca hát.
Câu chuyện thứ hai: Sự tích hình thành chiếc đèn kéo quân vô cùng thú vị!
Sự tích kể về việc anh chàng nông dân làm ra chiếc lồng đèn kéo quân dâng lên nhà vua. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn.
Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người”.
Vua nghe xong chuyện rất thích và ban thưởng cho chàng nông dân nhiều món quà quý. Từ đó, câu chuyện ý nghĩa của chiếc đèn kéo quân nổi tiếng và bài học về làm người được lồng trong chuyện kể khiến cho bé càng trân trọng dịp Trung thu.
Hằng Nga trên cung trăng
Hằng Nga là tên gọi một nhân vật được nhiều trẻ em nghe qua. Câu chuyện về nàng tiên xinh đẹp này chắc hẳn sẽ làm hài lòng các khán giả nhó tuổi của chúng ta.
Chuyện thế này: Xưa kia trên trời có đến mười ông mặt trời, cùng chiếu sáng làm đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân không thể sống nổi. Lúc đó, Hậu Nghệ đã trèo lên một đỉnh núi cao, giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, cứu sống muôn loài.
Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn để người vợ Hằng Nga xinh đẹp ở nhà một mình. Trên đường đi, Hậu Nghệ tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Khi về nhà, chàng đưa thuốc cho vợ cất giữ, không may bị Bồng Mông – một học trò xấu tính của Hậu Nghệ nhìn thấy.
Nhân lúc Hậu Nghệ vắng nhà, Bồng Mông mang kiếm đến ép Hằng Nga đưa thuốc tiên cho hắn. Trong lúc nguy cấp, Hằng Nga không biết làm gì hơn việc lấy thuốc tiên ra uống cạn. Uống xong, nàng bay lên trăng thành tiên.
Khi Hậu Nghệ về đến nhà, nghe được câu chuyện, chàng đau khổ ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Chàng kinh ngạc nhận ra mặt trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, có thêm một bóng người cử động trông giống Hằng Nga. Từ đó, ai nhìn lên mặt trăng và cầu xin những điều an lành đều được Hằng Nga ban tặng.
Khi kể chuyện, cha mẹ có thể nhắc trẻ về phong tục “bái nguyệt” đêm Trung thu qua “ánh sáng diệu kỳ” của Hằng Nga, để trẻ tự cầu nguyện mọi điều may mắn và an lành.
Chú Cuội lẻ loi
Không kém phần thú vị như sự tích Hằng Nga, sự tích chú Cuội cũng làm “tan chảy” bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Câu chuyện chú Cuội cô đơn trên cung trăng thật ra để lý giải về các vết lõm trên Mặt trăng theo kiểu Việt Nam. Do đó sẽ kích thích sự lắng nghe của các bé trai lém lĩnh, thích khám phá.
1282818407-660x440
Câu chuyện kể về việc chú Cuội vô tình tìm được cái cây thần có khả năng chữa cho người chết sống lại. Tuy nhiên, Cuội phải luôn giữ đúng theo lời đăn của một ông cụ bí ẩn: “Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời”.
Nhờ cây thuốc quý, Cuội cứu được nhiều người, một cô gái trong số đó đã làm vợ Cuội. Ngoài ra, Cuội cũng có thêm một chú chó trung thành sau khi chữa cho nó sống lại.
Một hôm Cuội đi vắng, bọn giặc xông vào nhà giết vợ Cuội, cố ý moi ruột rồi vứt xuống sông. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu. Thấy vậy, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Nhờ vậy, vợ Cuội sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại.
Nhưng cũng từ đấy, vợ Cuội trở nên lãng đãng. Dù Cuội đã dặn nhưng vợ Cuội không nhớ nên có một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây quý. Tự nhiên mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cuội về nhà thấy cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội lấy rìu níu lấy cây nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng. Từ đấy, chú Cuội ở mãi trên cung trăng một mình.
Để tăng thêm phần tưởng tượng cho trẻ, cha mẹ có thể giải thích hình dáng của cây đa, chỗ Cuội ngồi dưới gốc đa như thế nào. Thậm chí, có thể đặt ra nhiều câu hỏi vui như chú Cuội còn sống không? Để trẻ tha hồ tưởng tượng.
Theo Cuội/Khỏe & Đẹp